Có thể ngăn phụ nữ tránh xa vòng lao lý được không?
Từ thực tiễn công tác điều tra, truy tố và xét xử tại Hà Tĩnh thời gian vừa qua cho thấy, tỉ lệ nữ giới phạm tội đang có xu hướng gia tăng...
“Siêu lừa” Mai Thùy Linh (SN 1967, hiện ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) đã phải chịu mức án 16 năm tù giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tổng số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Tĩnh, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Các nhóm tội do nữ giới thực hiện chủ yếu liên quan đến tội phạm xâm hại, lừa đảo, tranh chấp tài sản hoặc những tội phạm xâm phạm nhân thân...
Từng trực tiếp tham gia xét xử rất nhiều vụ án có bị cáo là nữ, Thẩm phán Hồ Đức Quang - TAND tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Số lượng nữ giới phải hầu tòa thời gian qua có xu hướng tăng so với năm 2018. Đáng nói, các bị cáo nữ đều đóng vai trò chủ mưu trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây rúng động dư luận khi chủ yếu tập trung ở nhóm tội lừa đảo với số tiền lớn.
Điển hình có vụ siêu lừa Mai Thùy Linh hơn 7,5 tỷ đồng; Nguyễn Thị Oanh (SN 1988, trú Tân Giang, TP. Hà Tĩnh) hơn 5 tỷ đồng; Nguyễn Thị Thắm (SN 1980, trú Thạch Đài, Thạch Hà) ôm gần 40 tỷ đồng”.
Với hành vi mạo danh người thân cán bộ lừa đảo 5 tỷ đồng, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định y án 18 năm tù giam đối với Nguyễn Thị Oanh (SN 1988, trú tại tổ dân phố 9, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) trong phiên xử phúc thẩm sáng 28/8/2019. (Ảnh Văn Chung)
Đặc biệt, qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, trong thời gian gần đây Viện KSND huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Xuyên thụ lý khởi tố 6 vụ án/7 bị can là nữ giới (chiếm 16,2% vụ án, 13,7% về số lượng bị can khởi tố mới, tăng 300% số vụ và tăng 350% số bị can so với năm 2018).
Trong đó, 1 bị can phạm tội rất nghiêm trọng, tái phạm về tội “Mua bán trái phép chất ma túy“”; 1 bị can phạm tội độc lập là cán bộ, công chức.
Thủ đoạn gây án của đối tượng là phụ nữ cũng rất tinh vi, xảo quyệt, không kém phần trắng trợn, công khai và coi thường pháp luật.
56 tuổi nhưng Nguyễn Thị Nga (SN 1963, trú tại phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An) đã sở hữu chuỗi thành tích bất hảo với... 8 lần hầu tòa các tội “Trộm cắp tài sản”, “Làm nhục người khác”, “Mua bán trái phép chất ma túy”. (Ảnh Hoài Nam)
Tại huyện Nghi Xuân, tội phạm nữ chủ yếu liên quan tới nhóm tội về môi giới mại dâm, chứa mại dâm. Tệ nạn mại dâm không chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương mà còn là nguyên nhân chính dẫn đến tệ nạn ma túy, tới tội danh làm nhục; chà đạp lên phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc của nhiều gia đình.
Nguyễn Thị Kim Nhung (SN79) trú tại thôn Hợp Giáp (Xuân Yên - Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị TAND huyện Nghi Xuân tuyên phạt 15 tháng tù giam về tội danh "chứa mại dâm" (ảnh Hoài Nam).
Theo góc nhìn từ các cơ quan tố tụng, sự xuống cấp về văn hóa, về đạo đức xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ án do phụ nữ thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều người đã quen với lối sống hưởng thụ, lười lao động, kiếm lời từ sức lao động của người khác. Phần nữa, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân cũng là cơ hội để các tội phạm nói chung và nữ giới nói riêng “có đất dựng võ”.
“Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ tại một số địa phương nhìn chung còn thiếu về nguồn lực, vật lực. Thời gian vừa qua, sự ra đời của các Câu lạc bộ pháp luật trong sinh hoạt của Hội phụ nữ đã đi vào hoạt động và thu được một số kết quả nhưng vẫn còn chưa quyết liệt, thực chất. Trình độ văn hóa, hiểu biết xã hội và nhận thức pháp luật của một bộ phận phụ nữ vẫn còn hạn chế”, Trưởng ban Tuyên giáo - chính sách pháp luật Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Phượng cho biết.
Hội viên Hội LHPN huyện Kỳ Anh tham gia lớp tập huấn chuyên đề an ninh trật tự, phòng chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em...
Để phòng ngừa, hạn chế tình trạng phụ nữ phạm tội gia tăng, các cơ quan tố tụng cần phối hợp chặt chẽ với các chi hội phụ nữ cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, đặc biệt là các quy định về pháp luật hình sự; kịp thời nắm bắt, ngăn chặn hội viên có biểu hiện vi phạm pháp luật nhằm hạn chế tình trạng phụ nữ phạm tội; tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ về vốn, việc làm để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; góp phần tích cực trong đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.