Có thể xử phạt tài xế Grab vì diễu hành trên đường?

Luật sư nhận định các tài xế chưa có hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội nên chưa đủ căn cứ để xử phạt họ về tội Gây rối trật tự công cộng.

Sau khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 5/12, Grab đã lập tức điều chỉnh tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc và tăng khấu trừ với tài xế.

Theo quy định mới, tỷ lệ khấu trừ với tài xế ở mỗi cuốc xe sẽ tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841%. Chính sách mới khiến nhiều tài xế bất bình. Ngày 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike đã cầm băng rôn đổ ra đường để bày tỏ sự bất bình với chính sách này.

 Hàng trăm tài xế diễu hành phản đối chính sách mới của Grab. Ảnh: Việt Hùng.

Hàng trăm tài xế diễu hành phản đối chính sách mới của Grab. Ảnh: Việt Hùng.

Theo ghi nhận tại Hà Nội, khoảng 200 tài xế tụ tập ở khu vực quanh Hồ Gươm, sau đó đi thành đoàn, dạo qua nhiều tuyến phố và bấm còi inh ỏi gây mất trật tự, ảnh hưởng tới giao thông.

Tuy nhiên, chưa ai trong số họ bị lực lượng chức năng xử lý. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu có đủ căn cứ để xử phạt những tài xế này về hành vi gây rối trật tự công cộng hay không.

Theo dõi sự việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, cho rằng hành vi của tài xế phải hội đủ các yếu tố về mặt chủ thể, khách thể, chủ quan và khách quan thì cơ quan chức năng mới có thể xử phạt.

"Hành vi gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi gây mất trật tự, làm đảo lộn trạng thái ổn định bình thường ở nơi công cộng. Hành vi đó phải gây tác động xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc người vi phạm không gây tác động xấu nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc kết án về tội Gây rối trật tự công cộng nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới có thể xử lý hình sự", luật sư Giáp phân tích.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc hội họp, biểu tình nhưng Điều 25 Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền công dân, trong đó có quyền tự do đi lại, quyền hội họp, quyền biểu tình. Ngoài ra, Bộ luật Lao động hiện nay cũng có quy định về quyền đình công của người lao động.

Do đó, ông Giáp cho rằng nếu tài xế chỉ vì bức xúc với chính sách mới mà tụ tập, sau đó tới trụ sở của hãng để đòi lại quyền lợi thì cơ quan chức năng khó có thể xử phạt họ nếu những người này không gây mất trật tự, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội.

 Luật sư nhận định khó có thể xử phạt tài xế Grab tham gia diễu hành ngày 7/12. Ảnh: Việt Hùng.

Luật sư nhận định khó có thể xử phạt tài xế Grab tham gia diễu hành ngày 7/12. Ảnh: Việt Hùng.

Cùng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, nhận định cơ quan chức năng sẽ xem xét, đánh giá về tác động, hậu quả do việc tập trung đông người kia gây ra cho xã hội.

Trường hợp đây là ý kiến yêu cầu chính đáng của người lao động, không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hành vi không vi phạm pháp luật. Trường hợp hành vi tụ tập đông người để đưa ra những yêu sách thiếu căn cứ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì mới bị xử lý hình sự.

Trong vụ việc này, tài xế Grab là những người lao động đòi hỏi quyền lợi một cách chính đáng, việc tập trung đông người chưa gây ách tắc giao thông nhiều giờ, chưa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức. Do đó, cơ quan chức năng khó có thể đề cập đến câu chuyện trách nhiệm pháp lý của nhóm người này.

Những trường hợp tụ tập đông người để đánh nhau, gây rối trật tự công cộng hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì sẽ được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ví dụ, các tài xế quá khích, tập trung đông người để hò hét, đập phá, gây gổ, làm ảnh hưởng đến trật tự chung, làm doanh nghiệp không thể hoạt động được hoặc gây ách tắc giao thông thì sẽ bị xử lý về hành vi Gây rối trật tự công cộng.

 Tài xế tập trung trước cửa Đài truyền hình Việt Nam trưa 7/12 để mong cơ quan truyền thông lên tiếng "đòi" quyền lợi cho họ. Ảnh: Việt Hùng.

Tài xế tập trung trước cửa Đài truyền hình Việt Nam trưa 7/12 để mong cơ quan truyền thông lên tiếng "đòi" quyền lợi cho họ. Ảnh: Việt Hùng.

Khoản 1, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, quy định người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, nếu thuộc các trường hợp định khung tại khoản 2 như có tổ chức, xúi giục người khác gây rối hay hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng thì người vi phạm sẽ đối mặt mức án cao nhất là 7 năm tù.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-the-xu-phat-tai-xe-grab-vi-dieu-hanh-tren-duong-post1121122.html