Có thêm tiền thưởng theo NĐ 73, trường học xếp loại GV ra sao để tránh thắc mắc?

Trường đang rất đoàn kết, khi có thêm một khoản tiền thưởng, nếu không công bằng sẽ gây ra sự bất hòa trong trường.

Năm 2024 là năm đầu tiên giáo viên được thêm khoản thưởng đột xuất và theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể, từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, đồng thời được bổ sung quỹ tiền thưởng 10% tổng quỹ lương, theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Khen thưởng là sự động viên thiết thực

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Huy Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lạng Giang số 3 (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Khi Nghị định 73/2024/NĐ-CP có hiệu lực, từ năm 2024, giáo viên sẽ có thêm tiền thưởng định kỳ. Tại trường, không khí tươi vui, phấn khởi hơn hẳn. Thầy cô có thêm một khoản thưởng so với mọi năm nên ai cũng háo hức. Tôi cho rằng, đây là động lực lớn cho thầy cô phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".

 Thầy Nguyễn Huy Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lạng Giang số 3. Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Huy Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lạng Giang số 3. Ảnh: NVCC

Không chỉ tạo niềm vui cho các công nhân viên ngành giáo dục, theo thầy Nghĩa, khoản tiền thưởng định kỳ với giáo viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên, thưởng đột xuất còn tạo dư luận tốt trong xã hội.

"Với riêng ngành giáo dục, dù mức thưởng trên không nhiều, nhưng vẫn sẽ mang lại hiệu ứng tốt, thu hút được nguồn giáo viên dự tuyển, góp phần giải quyết vấn đề thiếu nguồn tuyển, gây thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

Mọi người sẽ nhận thấy rằng ngành giáo dục đang rất được quan tâm, sẽ có những người đang băn khoăn trước lựa chọn có nên vào ngành sư phạm hay không, khi nghe được luồng dư luận tốt, sẽ cảm thấy yêu thích hơn và tham gia vào lực lượng viên chức", thầy Nghĩa bộc bạch.

Thầy hiệu trưởng cũng chia sẻ, quá trình khen thưởng, đánh giá được nhà trường triển khai vô cùng nghiêm túc. Trước khi có quyết định cuối cùng, nhà trường sẽ công khai kết quả đánh giá cho toàn trường, nếu không ai có ý kiến sẽ tiến hành khen thưởng theo quy chế. Hiện tại, Trường Trung học phổ thông Lạng Giang số 3 đang sử dụng phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện xếp loại viên chức trong năm 2024.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Phạm Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phương Sơn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) nhận định: “Khoản thưởng đột xuất và theo đánh giá xếp loại cuối năm sẽ là động lực to lớn cho thầy cô nỗ lực hơn nữa. Những ai năm trước được đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ tốt, năm nay sẽ phấn đấu để hướng tới mức xuất sắc. Tôi cho rằng, số tiền thưởng này như một lời động viên thiết thực nhất. Năm nay, số thời gian tính thưởng từ tháng 7 đến tháng 12 (6 tháng). Sang năm sau, có thể nói niềm vui sẽ nhân đôi”.

 Thầy Phạm Hùng - Hiệu trưởng Trưởng Trung học phổ thông Phương Sơn. Ảnh: NVCC

Thầy Phạm Hùng - Hiệu trưởng Trưởng Trung học phổ thông Phương Sơn. Ảnh: NVCC

Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài Chính quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có các cơ sở giáo dục công lập nếu tiết kiệm chi còn dư, giáo viên sẽ có thêm một khoản thu nhập tăng thêm.

Về điều này, thầy Hùng bộc bạch: "Khoản thu nhập tăng thêm, tùy theo tình trạng tài chính của đơn vị mà có năm nhiều, có năm ít. Thậm chí còn không có nếu kinh phí không còn. Vì vậy, khoản tiền thưởng định kỳ hàng năm theo xếp loại hoàn thành nhiệm vụ sẽ giúp giáo viên luôn có tiền thưởng đều đặn".

Dù vậy, thầy Hùng nhấn mạnh, viên chức cần cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được mức đánh giá tốt nhất. Tại Trường Trung học phổ thông Phương Sơn, trường có bộ tiêu chí đánh giá thi đua theo năm. Dựa vào đó, xét theo thứ tự từ trên xuống, lấy khoảng 20% thầy cô có số điểm cao nhất để đánh giá xếp loại xuất sắc. Vì vậy, giáo viên phải phấn đấu để đạt kết quả xếp loại như đã đăng ký chỉ tiêu vào đầu năm học.

Quy trình đánh giá phải công khai, minh bạch, tránh gây mâu thuẫn

Nhằm đảm bảo quá trình xếp loại hoàn thành nhiệm vụ diễn ra công bằng, minh bạch, thầy Nguyễn Huy Nghĩa cho biết, quan trọng nhất vẫn nằm ở quy trình. Tại Trường Trung học phổ thông Lạng Giang số 3, giáo viên sẽ tự đánh giá cá nhân, sau đó chuyển đến đánh giá ở tổ chuyên môn. Nhà trường cần họp lại và đánh giá, rà soát, rồi mới công khai để lấy ý kiến toàn thể cán bộ nhà trường. Sau 5 ngày, nếu không có phản hồi, thủ trưởng đơn vị sẽ quyết định chi thưởng.

"Không nên để giáo viên trong trường còn băn khoăn, trăn trở về việc đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ. Từ trước đến nay, toàn trường đang rất đoàn kết, khi có thêm một khoản tiền thưởng, nếu không công bằng sẽ gây ra sự bất hòa trong trường. Do đó, toàn trường phải xác định, công tác khen thưởng là hoạt động quan trọng, cần làm chặt chẽ ngay từ ban đầu", thầy Nghĩa bộc bạch.

Chia sẻ về nội dung trên, thầy Lại Tiến Đẩu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nghĩa Hưng B (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) cho biết: "Các giáo viên trong trường đều rất vui mừng khi nhận được thông tin về khoản tiền thưởng này. Ngoài những phần thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15, quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương chính là động lực để cán bộ giáo viên phấn đấu, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, đạt được mức khen thưởng cao nhất".

 Thầy Lại Tiến Đẩu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nghĩa Hưng B. Ảnh: NVCC

Thầy Lại Tiến Đẩu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nghĩa Hưng B. Ảnh: NVCC

Về việc tính toán mức thưởng, Trường Trung học phổ thông B Nghĩa Hưng chia sẻ, nhà trường thường tổ chức họp tập thể lãnh đạo, họp toàn cơ quan lấy ý kiến, nhằm đạt được sự đồng thuận từ tất cả cán bộ, viên chức. Hiện nay, nhà trường đã hoàn thiện quy chế về tiêu chí xếp loại khen thưởng, phục vụ việc chi tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, nhưng từ trước đến nay, bất kỳ khoản khen thưởng nào nhà trường cũng đều công khai và minh bạch.

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, việc đánh giá và phân loại viên chức là yếu tố quan trọng để xác định mức thưởng. Để đảm bảo quá trình đánh giá này minh bạch và công bằng cho tất cả giáo viên, thầy Lại Tiến Đẩu cho biết: “Đầu tiên, Lãnh đạo nhà trường sẽ xây dựng đầu mục đánh giá, sau đó đưa xuống các tổ chuyên môn để đưa ra chủ trương, thảo luận và cùng thống nhất. Cuối cùng, toàn trường sẽ tổ chức họp để đưa vào quy chế.

Quy chế này phải thông qua, có sự đồng ý của các thành viên mới có thể thực hiện. Việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên phải được bàn bạc kỹ càng”.

Thầy Đẩu nhận định, chế độ khen thưởng 10% quỹ lương sẽ tạo nên hiệu ứng tốt trong ngành giáo dục. Trước hết, giáo viên sẽ càng nỗ lực trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ, và việc khen thưởng trở thành một yếu tố kích thích điều này. Ngoài ra, quy định về khen thưởng đột xuất cũng giúp giáo viên thêm hăng hái, tích cực, phát huy hết tiềm năng nội lực của từng cán bộ, giáo viên.

Về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên, thầy Đẩu cho rằng, để tránh sự băn khoăn cũng như gây mâu thuẫn trong nội bộ nhà trường, các bản đánh giá phải tổng hợp, bao quát cả quá trình công tác 1 năm của viên chức, công khai và có sự bàn bạc trong tập thể lãnh đạo. Nếu không kiểm tra đánh giá, mà thủ trưởng đơn vị tự đưa ra mức xếp loại cũng như mức thưởng, sẽ dễ gây ra tình trạng chia thưởng không đồng đều.

"Cán bộ giáo viên nhà trường phải ngồi lại đánh giá, để xem xét rằng dựa vào đâu, thành tích nào, chẳng hạn như thầy cô đó có bồi dưỡng học sinh giỏi hay công tác chuyên môn, chất lượng giảng dạy tốt hay không, kết quả đánh giá sáng kiến kinh nghiệm từ đó mới đưa ra đánh giá chính xác nhất.

Công tác đánh giá cũng sẽ dựa trên các biểu điểm, theo dõi từng học kỳ và tổng hợp cuối năm. Căn cứ vào đó, thủ trưởng đơn vị mới đánh giá mức độ hoàn thành tốt hay là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trước đó, hiệu trưởng đều tham khảo các ý kiến, phản hồi từ các bộ phận khác rồi mới ra quyết định", thầy Đẩu bộc bạch.

Theo đó, các cá nhân viên chức thường xây dựng kế hoạch và đặt ra chỉ tiêu đạt được vào đầu năm học. Đến cuối học kỳ, cuối năm học, nhà trường sẽ có công tác kiểm tra, giám sát và đối chiếu lại với các chỉ tiêu đã đặt ra, nhằm nhận định viên chức đó đã đạt được mục tiêu chưa, hay có những tiêu chí nào vượt mức. Từ đó làm cơ sở cho công tác đánh giá, xếp loại cuối năm.

Ngọc Huyền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-them-tien-thuong-theo-nd-73-truong-hoc-xep-loai-gv-ra-sao-de-tranh-thac-mac-post248139.gd