Có thỏa đáng khi chỉ xét tuyển vào lớp 6?

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định chỉ xét tuyển, không thi tuyển vào lớp 6 đối với các trường phổ thông. Quyết định này nhanh chóng trở thành tâm điểm tranh luận trong xã hội, gây ra những ý kiến trái chiều từ phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia giáo dục.

Phụ huynh bất ngờ

Từ năm 2025, sẽ bỏ thi tuyển vào lớp 6 đối với tất cả các trường, đây là nội dung mới trong Thông tư 30 về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành. Cụ thể, các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6, không được tổ chức thi, kể các với các trường chất lượng cao. Điều này đồng nghĩa với việc các trường THCS “điểm” sẽ phải bỏ kỳ thi đầu vào lớp, chuyển sang hình thức xét tuyển.

Theo nhiều chuyên gia, việc bỏ thi vào lớp 6 là để giảm chi phí, giảm áp lực học cho học sinh.

Theo nhiều chuyên gia, việc bỏ thi vào lớp 6 là để giảm chi phí, giảm áp lực học cho học sinh.

Bộ GDĐT cho biết, tiêu chí xét tuyển do Sở GDĐT mỗi tỉnh, thành hướng dẫn; đảm bảo công bằng, khách quan và phù hợp với tình hình thực tế. Riêng với các trường THCS thuộc khối đại học, tiêu chí xét tuyển có thể theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản hoặc của địa phương nơi đặt trụ sở. Về quy trình, UBND cấp quận, huyện sẽ phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 6, gồm các thông tin về đối tượng, chỉ tiêu, địa bàn, tiêu chí, thời gian xét tuyển và công bố kết quả. Kế hoạch tuyển sinh được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Trên thực tế nhiều năm qua, hầu hết trường THCS công lập tuyển sinh bằng cách xét tuyển, theo tuyến. Với những nơi có số học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu, các trường tổ chức thi, chủ yếu với ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các trường mô hình chất lượng cao hay tiên tiến, hội nhập quốc tế đều thi tuyển hàng năm. Ở những thành phố lớn, có những trường THCS có tỷ lệ chọi lên tới 1/20 để vào lớp 6, gấp nhiều lần mức cạnh tranh vào lớp 10, thậm chí thi đại học.

Với tinh thần Thông tư 30, hiện tượng tỷ lệ chọi cao thi vào lớp 6 sẽ không còn. Nhiều chuyên gia cho rằng việc tổ chức thi lớp 6 tạo áp lực với học sinh, vì các em còn nhỏ. Nói về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Việc cấm thi lớp 6 giảm được áp lực thi cử cho học sinh. Bởi các em mới từ tiểu học lên, hoạt động chủ đạo là học thông qua vui chơi. Nếu có hệ thống tiêu chí xét tuyển đảm bảo minh bạch, công khai thì việc xét tuyển sẽ vừa tiết kiệm kinh phí, giảm áp lực lại công bằng, đánh giá toàn diện hơn, không chỉ tập trung mỗi điểm số. Việc này cũng phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục, không hướng đến bệnh thành tích”.

Trước quy định này, rất nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 6 ở một số trường “hot” lo lắng rằng năm tới sẽ không còn kỳ khảo sát tuyển sinh đầu vào. Chị Nguyễn Thị Oanh (quận Hà Đông, Hà Nội) băn khoăn: “Gia đình tôi rất bất ngờ với quy định này, con tôi đã nỗ lực, cố gắng học tập để vào ngôi trường top đầu. Nếu không khảo sát thì rất khó để con tôi học trường này”.

Cùng chung nỗi niềm, chị Lê Cẩm Tú (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, để chuẩn bị cho con thi vào trường có chất lượng cao, nhiều tháng nay chị đã chở con hơn 10km đến trung tâm ôn luyện. Chị cảm giác sốc khi hay tin Bộ GDĐT cấm thi tuyển lớp 6.

Chị Tú chia sẻ: “Con gái tôi học lớp 5 trường Tiểu học Phương Canh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Năm nào con cũng đạt loại học sinh xuất sắc, chúng tôi đã hướng con thi vào một số trường THCS có tiếng như Nguyễn Tất Thành, Ngoại Ngữ và Nam Từ Liêm để cháu có một môi trường học tập tốt. Chính vì thế, ngay từ năm lớp 4, gia đình tôi đã hướng cho con ôn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh ở trung tâm. Hàng ngày, tôi và chồng phải đưa đón con, cả đi cả về là 15km. Ngoài ra, tôi còn nhờ gia sư kèm thêm riêng một buổi toán để con chắc chắn kiến thức. Trung bình tiền học mỗi tháng của con cũng lên tới hơn 6 triệu đồng. Nếu như quy định này thực hiện có phải suốt thời gian qua, sự nỗ lực của con, sự đầu tư của cha mẹ lại bỏ đi à?”.

Chị Ngô Ngọc Hương (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng mang tâm trạng rối bời khi nghe tin cấm thi. Chị Hương đã đặt mục tiêu cho con thi vào trường chất lượng cao trên địa bàn quận Hà Đông ngay khi con vào tiểu học, chính vì thế bên cạnh những kiến thức ở trường, gia đình đã không tiếc đầu tư thời gian, tiền bạc. Tôi thất vọng khi Bộ GDĐT ra quyết định lúc các con chỉ còn vài tháng nữa là thi. Nếu thay đổi thì phải từ đầu năm học để phụ huynh và con có sự chuẩn bị", chị Hương chia sẻ.

Việc không cho thi tuyển vào lớp 6 cũng khiến nhiều phụ huynh cho rằng sẽ không đánh giá đúng năng lực của học sinh. Bởi rất có thể xảy ra tình trạng tiêu cực trong quá trình học của các con.

Trên các diễn đàn của phụ huynh mấy ngày nay, các bài đăng về chủ đề này thu hút rất nhiều sự quan tâm của các thành viên. Đa số bất bình vì sự thay đổi, cho rằng xét tuyển là không công bằng, có thể dẫn đến tiêu cực. Ngoài ra, phụ huynh và học sinh rơi vào thế khó khi chưa biết xoay xở ra sao để đạt được mục tiêu.

Bài toán khó cho nhà trường

Không chỉ các bậc phụ huynh cảm thấy hụt hẫng, bất ngờ mà lãnh đạo một số trường cũng băn khoăn về tính công bằng khi cấm thi tuyển vào lớp 6. Theo lãnh đạo một số trường, nếu tuyển sinh bằng cách xét tuyển chỉ có thể xét trên học bạ. Trong khi đó, có hàng nghìn học bạ điểm 10 đẹp long lanh, loại em nào và nhận em nào là bài toán không hề dễ cho các trường.

Hiện tại, một số trường đã thông báo tuyển sinh lớp 6, thậm chí đã thi tuyển xong học sinh tài năng như Hệ thống Trường Newton. Trường Ngôi sao Hà Nội đã ấn định việc tuyển học sinh tài năng bằng kỳ thi học bổng lớp 6 diễn ra vào ngày 23/2 tới đây.

Tại Hệ thống giáo dục Archimedes, một lãnh đạo nhà trường cho biết, vì Thông tư mới mới công bố nên thời điểm hiện tại nhà trường chưa có quyết định gì, cần có thời gian họp bàn và tính toán lại. “Những năm gần đây, tuyển sinh đầu vào lớp 6 nhà trường luôn có bài kiểm tra hướng tới đánh giá năng lực của học sinh để chọn được học sinh xuất sắc. Rõ ràng, nếu tuyển sinh bằng cách xét tuyển thì chỉ có thể xét trên học bạ, khó nhất là những hồ sơ học bạ toàn điểm 10. Thậm chí có hàng nghìn học bạ điểm 10 đẹp long lanh thì biết loại em nào, nhận em nào, rất khó cho các trường”, vị này cho hay.

Việc "xét tuyển" trong phương thức kết hợp với "kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh" theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT chưa được thực hiện thỏa đáng.

Việc "xét tuyển" trong phương thức kết hợp với "kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh" theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT chưa được thực hiện thỏa đáng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT M.V. Lômônôxốp, cho hay: “Nhà trường đang chờ hướng dẫn, Sở GD-ĐT hướng dẫn như thế nào sẽ có phương án thực hiện để đảm bảo thống nhất trong thành phố”. Với những hồ sơ toàn điểm tuyệt đối giống nhau, theo ông Tùng, thông thường các trường sẽ thêm điểm khuyến khích, cộng điểm cho học sinh đạt giải các cuộc thi hoặc tiêu chí phụ khác.

Tại Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), bà Văn Thùy Dương - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nguyên tắc tuyển sinh đầu tiên theo thông tư mới là đảm bảo an toàn, khách quan, công bằng và nghiêm túc sẽ khó đạt được bằng việc áp dụng nguyên tắc chỉ xét tuyển cho tất cả các trường, công lập lẫn tư thục. Dư luận đã nhiều lần choáng ngợp trước hàng nghìn học bạ toàn điểm tuyệt đối và buộc phải thêm các tiêu chí phụ để tuyển sinh”.

Bà Dương cho rằng, trong khi chưa có công cụ nào đảm bảo việc đánh giá chất lượng giáo dục bậc tiểu học (thi kiểm tra, học bạ) của các trường là khách quan, nghiêm túc, công bằng thì việc bắt buộc cả trường công lẫn trường tư chỉ được tuyển sinh dựa vào xét tuyển học bạ là một sự mạo hiểm.

Và theo bà, việc chỉ xét tuyển có thể làm gia tăng tình trạng xin điểm, cho điểm, làm đẹp học bạ, cũng không ngoại trừ nảy sinh những kỳ thi để lấy chứng chỉ theo các "tiêu chí phụ", tạo ra các cuộc chạy đua giải thưởng để có thêm điểm cộng xét tuyển vào lớp 6.

Nhớ lại những năm 2015 - thời điểm lớp 6 cũng không được tuyển sinh bằng thi tuyển, bà Dương cho biết, có những học sinh được xét tuyển bằng tiêu chí phụ như tham gia chứng chỉ bơi hay cờ vua. Thế nhưng, sau khi vào trường, học sinh có giải cờ vua còn không đi nổi một nước cờ...

Theo bà Dương, để thúc đẩy giáo dục tư thục phát triển, tuyển sinh phải là khâu đột phá và nên để các trường tư thục được tự do tuyển sinh theo tiêu chí chuyên môn của cơ quan chức năng có thẩm quyền, cũng như đảm bảo được yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...

Thời điểm ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã nêu rõ việc kiểm tra, đánh giá năng lực khác với một kỳ thi, nghĩa là khi thực hiện xét tuyển vào một trường THCS, nếu số lượng học sinh đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung vẫn vượt so với chỉ tiêu nhà trường được giao, nhà trường được kết hợp thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực để bổ sung tiêu chí xét tuyển áp dụng đối với số học sinh đã đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung, chứ không phải tổ chức cả kỳ thi với nhiều môn thi đối với 100% học sinh đăng ký vào trường.

Qua thực tế triển khai những năm qua, một số trường đã thực hiện việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức "kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh" như một kì thi tuyển sinh dành cho 100% học sinh đăng kí vào trường.

Vai trò của việc "xét tuyển" trong phương thức kết hợp với "kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh" theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT chưa được thực hiện thỏa đáng.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, Thông tư số 30/TT-BGDĐT mới ban hành tiếp tục quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển cùng với quy định giao cho các Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí xét tuyển, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Theo đó, các Sở GD&ĐT phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho tất cả các trường; đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao”.

Cũng theo ông Thành, tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh, hoặc bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn như Thông tư 30 đã quy định.

Cần lưu ý thêm, đối với việc tuyển sinh ở bất kỳ trường THCS nào theo nguyên tắc Thông tư số 30/TT-BGDĐT đều phải thực hiện nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn. Đó cũng là căn cứ để các Sở GD&ĐT xây dựng tiêu chí xét tuyển bảo đảm yêu cầu tuyển sinh chính xác, công bằng, công khai và minh bạch.

Trước đó, Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về quy chế tuyển sinh THCS và THPT nêu rõ: Phương thức tuyển sinh THCS là phương thức xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Với những trường phổ thông nhiều cấp học trực thuộc đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do cơ quan chủ quản hướng dẫn.

Bảo Phương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/co-thoa-dang-khi-chi-xet-tuyen-vao-lop-6--i756816/