Cô Thương dạy giỏi, tâm huyết với nghề

Là giáo viên dạy ở một xã miền núi khó khăn và chỉ mới 4 năm đứng trên bục giảng, cô Mai Thị Thương (Trường tiểu học và THCS Krông Pa, huyện Sơn Hòa) đã vượt qua nhiều giáo viên có kinh nghiệm để đạt giải nhất tại hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh năm học 2023-2024 do Sở GD&ĐT tổ chức.

Nhờ cô Mai Thị Thương áp dụng biện pháp dạy học mới, nhiều học sinh thích thú học tập tốt. Ảnh: CẨM TÚ

Nhờ cô Mai Thị Thương áp dụng biện pháp dạy học mới, nhiều học sinh thích thú học tập tốt. Ảnh: CẨM TÚ

Sáng tạo trong dạy học

Tại hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh năm học 2023-2024, cô giáo Mai Thị Thương trải qua 2 phần thi, gồm trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc và thực hành một tiết dạy theo kế hoạch giáo dục tại thời điểm diễn ra hội thi. Biện pháp nâng cao giáo dục của cô Thương là ứng dụng nhân vật hoạt hình trong phần mềm PowerPoint hỗ trợ học sinh phát huy tính tích cực trong học Toán lớp 2B của Trường tiểu học và THCS Krông Pa.

Theo cô Thương, việc dùng nhân vật hoạt hình để giải quyết vấn đề Toán học là một cách để kích thích sự hứng thú, tạo môi trường học tập thú vị cho học sinh. Giáo viên thiết kế bài giảng theo hướng hóa thân thành nhân vật có thể áp dụng cho tất cả các dạng bài: Hình thành kiến thức mới, luyện tập, thực hành hay các bài ôn tập. Chẳng hạn cô sử dụng các hình để lắp ghép ngôi nhà của Tom và Jerry hoặc giải bài toán để giúp Elsa và Anna từ Frozen vượt qua các thử thách.

“Sau khi áp dụng biện pháp trên để dạy học, tôi thấy học sinh có sự tiến bộ trong môn Toán, các em phát huy hết khả năng tư duy và tính tích cực trong giờ học. Nhiều học sinh không những nắm được kiến thức bài học mà còn vận dụng giải toán có hiệu quả”, cô Thương cho biết.

Phần thi thực hành một tiết dạy, cô Thương dạy bài “Kiềm chế cảm xúc tiêu cực”. Trong quá trình học, cô Thương cho học sinh xem video tình huống và trả lời câu hỏi về cách nhận diện và kiềm chế cảm xúc tiêu cực. Sau đó, cô giáo cho các em liên hệ, thảo luận theo nhóm, chia sẻ với bạn cùng bàn về một tình huống bản thân đã có cảm xúc tiêu cực…

Qua tiết dạy, học sinh nhận diện, nhận biết mức độ ảnh hưởng và cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực trong từng tình huống. Các em còn trao đổi, thảo luận để thực hiện các nhiệm vụ học tập, sử dụng kiến thức đã học ứng dụng vào thực tế; biết được ý nghĩa của việc kiềm chế cảm xúc tiêu cực và cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực của bản thân một cách hợp lý, hiệu quả.

Ứng dụng phương pháp dạy học mới

Tốt nghiệp đại học Giáo dục tiểu học, Trường đại học Phú Yên, năm 2020, Mai Thị Thương về dạy hợp đồng tại Trường tiểu học và THCS Ea Chà Rang. Năm 2023, cô Thương thi đỗ viên chức giáo viên, được phân công nhiệm vụ tại Trường tiểu học và THCS Krông Pa (huyện Sơn Hòa) cho đến nay. Trong hơn 4 năm giảng dạy, cô giáo sinh năm 1998 ở xã Krông Pa này không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp trong trường, đồng thời thường xuyên lên mạng nghiên cứu các tiết dạy học minh họa từ đó rút ra phương pháp hay, mới mẻ để áp dụng.

Cô Mai Thị Thương là giáo viên trẻ có năng lực, ham học hỏi, tích cực trau dồi chuyên môn để đáp ứng yêu cầu giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với những sáng tạo và áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học mang lại hiệu quả, cô Thương đã vượt qua nhiều giáo viên có kinh nghiệm, dạy giỏi để đạt giải nhất tại hội thi lần này. Thầy Nguyễn Ngọc Chấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Krông Pa

Ứng dụng nhân vật hoạt hình trong phần mềm PowerPoint hỗ trợ học sinh phát huy tính tích cực trong học Toán lớp 2B của trường ngay từ đầu năm học 2023-2024 là một trong những sáng kiến mới mang lại hiệu quả, được Ban giám khảo hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh công nhận cho điểm xuất sắc.

Để áp dụng biện pháp này, đầu tiên cô ứng dụng phần mềm tạo ra các nhân vật hoạt hình đơn giản và thiết kế một tình huống liên quan đến những nhân vật trong truyện cổ tích như hoàng tử, công chúa xuyên suốt tiết dạy. Học sinh sẽ được hóa thân vào nhân vật hoàng tử; muốn cứu được công chúa, học sinh phải hoàn thành các bài tập có trong bài. Mỗi bài tập hoàn thành, học sinh sẽ giúp hoàng tử lấy được một món bảo bối để đi giải cứu công chúa… nhờ vậy tạo sự hứng thú tích cực và tư duy cho học sinh học tập. Biện pháp này không chỉ ứng dụng trong môn Toán mà còn ứng dụng trong tất cả các môn học.

“Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin để áp dụng dạy học cho học sinh mang lại hiệu quả hơn. Tôi cố gắng nghiên cứu những biện pháp mới, có hiệu quả để đưa vào dạy học, giúp học sinh tiếp thu bài tốt”, cô Thương nói.

HIẾU TRUNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/316003/co-thuong-day-gioi-tam-huyet-voi-nghe.html