Cỏ thủy tinh trên đất thép
Thảo vẫn không biết vì sao mình có thể vượt qua được những tháng ngày ám ảnh đó. Chỉ bằng một niềm tin duy nhất vào chính mình, như tin vào câu chuyện phượng hoàng sẽ tái sinh từ đống tro tàn
Em tự nhận mình là cánh én nhỏ phương Nam với ước mơ mang mùa xuân đến muôn nơi, hay là Cô Ba ấp Ràng để mọi người biết đến quê đất thép thành đồng Củ Chi, TP HCM của mình. Nhưng với tôi, em là ngọn cỏ, một ngọn cỏ thủy tinh rất đẹp.
Em là Huỳnh Thị Thanh Thảo, cô gái nhỏ sinh năm 1986, ngụ xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, thân hình chỉ gói trọn vừa một vòng tay ôm. Cỏ yêu đời, yêu người, lạc quan và sống một cuộc đời tận hiến. Dẫu cuộc đời này phủ lên đời Cỏ di chứng từ chất độc da cam dioxin và căn bệnh xương thủy tinh đầy nguy nan bất trắc.
Cô giáo thủy tinh không bục giảng
So với các bạn đồng trang lứa, Thảo ý thức được rất sớm những sự khác biệt của mình với mọi người. Nhưng thay vì hỏi mẹ, hỏi ba, hỏi mọi người những câu "tại sao" thì Thảo lựa chọn chấp nhận những điều đó một cách rất tự nhiên, như chính mình tự khắc phải mặc vừa vặn chiếc áo số phận đời mình.
Căn bệnh xương thủy tinh mong manh đã luôn là nỗi ám ảnh với ba mẹ Thảo. Mẹ sợ nếu bế Thảo đi học lỡ vào lớp bạn bè giẫm phải thì sẽ gãy xương. Rồi với hình hài khiếm khuyết này cho dù Thảo có học hành giỏi đến mấy liệu mấy ai dám thuê mướn Thảo làm gì? Ước mơ được cắp sách đến trường tan biến nhưng may mắn sau đó mẹ em cũng đã đồng ý mua sách tiếng Việt tập 1, 2 về để hai mẹ con cùng "bơi trong chữ". Đó là năm Thảo 9 tuổi. Từ đó, Thảo lặng lẽ học thêm…
Năm 2000, khi ấy Thảo 14 tuổi, tình cờ có chị hàng xóm gửi con sang nhà nhờ gia đình trông giùm, nửa buổi học ở trường, nửa buổi về nhà Thảo ở. Thảo lại có thêm bạn để chơi cùng, thời gian rảnh nên chơi đồ hàng chán, cô cháu lại lôi tập ra đánh vần, vì là người "biết nhiều chữ" hơn nên Thảo đã chỉ dạy cách viết, đánh vần, tập đọc cho bạn nhỏ ấy.
Bất ngờ, cuối năm học đó, học trò nhỏ được danh hiệu học sinh xuất sắc. Đến năm kế tiếp, một gia đình nhà đông con nên gửi một bé qua nhà Thảo. Cũng như bé đầu, cuối năm em này cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Thế là tiếng lành đồn xa, rồi những năm tiếp theo hàng xóm gửi con nhờ Thảo chỉ bảo rất đông.
Không gian chỗ Thảo dạy kèm các em nhỏ là trên tấm ván hoặc chiếc giường tre ọp ẹp nên chỉ đủ cho 1 lớp khoảng 4 em. Các em nhỏ đặt những quyển tập lên giường hoặc tấm ván, còn Thảo thì nằm, xoay tròn qua lại để cầm tay các em nhỏ, cứ thế nghiệp "gõ đầu trẻ" bén duyên với Thảo nhẹ nhàng như thế...
14 năm với thư viện mini miễn phí Cô Ba ấp Ràng
Ngày nhỏ, niềm ao ước của Thảo là có được một tủ sách nhỏ, nhưng hoàn cảnh gia đình lúc đó còn nhiều khó khăn nên những quyển sách mà em có được đa số là của con cậu hoặc chú ở nội thành TP HCM đã đọc chán, lâu lâu mang về cho Thảo. Với em, đó là báu vật của tuổi thơ.
Rồi cơ duyên đến, trong một lần Thảo được làm khách mời trong chương trình "Điểm hẹn tuổi hồng" - Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM, chị MC Nhật Phượng hỏi: "Ước mơ hiện tại của em là gì?". Như một gợi mở, Thảo đã nghĩ ngay đến mong ước về một tủ sách nho nhỏ. Sau buổi giao lưu, độc giả lần lượt gửi sách về, ước mơ bắt đầu được chắp cánh.
Ngày thứ bảy, 7-3-2009, một sáng trời mưa rất to và các em nhỏ đến rất đông, dù tính cả những quyển truyện Thảo để dành chỉ mới 50 cuốn nhưng các em rất háo hức. Nhìn các em chụm đầu vào sách đọc, Thảo biết mình đã đi đúng đường.
Năm 2010, nhân chuyến sang thăm những nạn nhân chất độc da cam, anh Stephen - nhiếp ảnh gia người Mỹ đã chụp rất nhiều ảnh của nạn nhân chất độc da cam và trong đó có tấm ảnh của Thảo. Bức ảnh đã đưa em đến một mối duyên hạnh ngộ khác, đó là quen biết chị Elizabeth Van Meter, một đạo diễn phim của Mỹ. Đoàn làm phim của chị Elizabeth đến Việt Nam quay về cuộc đời Thảo.
Bộ phim "Thao’s Library" được công chiếu một số rạp ở New York. Không những người xem trong nước mà còn nhiều bạn bè quốc tế biết đến Thảo. Biết đến hành trình của cô gái bé nhỏ nghị lực với tủ sách miễn phí nơi miền đất thép thành đồng.
Từ tủ sách nhỏ ngày ấy, đến nay với nhiều sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tủ sách đã phát triển thành Thư viện mini với không gian rộng hơn, thoáng hơn và cũng có thêm nhiều lượt độc giả hơn, nhiều báo, đài đưa tin và cũng nhận thêm nhiều nguồn sách bổ ích đầy yêu thương.
Cỏ nát rồi Cỏ vẫn sinh sôi
Đó là một sự tái sinh của phận đời bất trắc. Thảo nói vậy khi kể lại hành trình vượt qua lằn ranh sinh tử của mình. Sáng 23-12-2016, trên đường từ chỗ trọ để đeo đuổi giấc mơ mở quán cà phê cho người khuyết tật ở TP HCM, khi ngang qua con hẻm, Thảo bị chiếc xe ba gác tông trực diện vào chiếc xe Cub tự chế, phía sau có hàn cái ghế cho em ngồi và có người chở.
Thảo được đưa vào Bệnh viện 175 cấp cứu, lúc này trong túi em chỉ còn 1 triệu đồng. Tai nạn giao thông khủng khiếp ngày hôm đó khiến máu bầm của Thảo tụ ở não, dù không thiệt mạng nhưng em mất khả năng nghe ở tai trái gần nửa năm và cánh tay trái gần như gãy lìa…
Do em bị bệnh xương thủy tinh nên bệnh viện chỉ chữa trị máu bầm ở não, còn cánh tay vô phương cứu chữa, bởi các phương pháp như phẫu thuật cánh tay để kẹp nẹp hoặc lấy xương đùi ghép xương đều không phù hợp…
Từ Bệnh viện 175 sang Bệnh viện Chợ Rẫy rồi cả Bệnh viện Hàn Quốc ở Long An đều lắc đầu trước trường hợp của em. Mỗi bệnh viện thời gian lưu trú dài bao nhiêu là hy vọng của em càng ngắn lại, đến khi bác sĩ thông báo trả Thảo về với cánh tay nát vụn thì tưởng như ước mơ, hoài bão của em cũng vỡ vụn từ giây phút đó…
Rời bệnh viện về nhà, Thảo đã tự nhủ sẽ tự mình làm bác sĩ cho chính mình. Gian nan nhất là chuyện vệ sinh tắm rửa và ăn uống, mọi sinh hoạt càng khó khăn hơn trước. Tay phải vốn yếu nên mỗi khi Thảo tập cầm muỗng hoặc ống hút để đưa lên miệng là đổ hết, cơm vương vãi khắp nơi. Còn cánh tay trái, vốn là tay thuận, chỉ có một việc duy nhất là "co ra, bóp vào" để gân tay không bị liệt…
Thảo mất hơn 2 năm để hồi phục. Cho đến lúc này, khi ngồi cùng tôi, Thảo vẫn không biết vì sao mình lại có thể vượt qua được những tháng ngày ám ảnh đó. Chỉ bằng một niềm tin duy nhất vào chính mình, như tin vào câu chuyện phượng hoàng sẽ tái sinh từ đống tro tàn một cách lộng lẫy, rực rỡ nhất.
Xanh đời yêu thương
Bắt đầu từ năm 2009, từ khi thành lập tủ sách mini, Thảo đã tâm niệm sống là một hành trình tận hiến, ít nhất trong khả năng mình với chính những mảnh đời còn khó khăn hoặc khiếm khuyết như mình. Việc này tự nhiên như thể cuộc đời Thảo, làm điều mình thích và thích điều mình làm luôn là cảm giác khiến em thấy mình sống tích cực nhất.
"Em nghĩ mỗi chúng ta sinh ra trong cuộc đời này đều mang trên mình một sứ mệnh. Sứ mệnh của em có lẽ là làm mấy việc mà nhiều người cho rằng rất dở hơi, bởi em vẫn là người khiếm khuyết nặng, có nhiều hạn chế trong cuộc sống". Nhưng mỗi lần đi và được trao yêu thương là thêm một lần Thảo thấy yêu hơn cuộc đời này.
Hiện ngoài Thư viện mini Cô Ba, Thảo còn vận động và điều hành 2 hoạt động xuyên suốt là Quỹ học bổng Cô Ba ấp Ràng dành cho trẻ em nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Củ Chi và Quỹ hỗ trợ vốn cho người khuyết tật trên khắp cả nước.
Thảo còn tham gia các chương trình định kỳ hằng năm như Quốc tế Thiếu nhi 1-6; Trung thu yêu thương; Bóng cả - chương trình dành cho các cụ cao niên nhân quốc tế Người cao tuổi; Vui Xuân đón Tết - trao hết yêu thương…
Bên cạnh các chương trình cố định, cô gái nhỏ này còn tổ chức đi thăm hỏi, trao quà cho các em mồ côi, khuyết tật, các cụ già neo đơn, vận động quyên góp cho những người ốm đau, bệnh tật cần kinh phí chữa trị … Tháng Tư năm nay Thảo cùng những cô chú, anh chị - những người đồng hành dự kiến về đất Kiên Giang trao những phần quà yêu thương cho các bạn khuyết tật, các cụ già người dân tộc Khmer tỉnh này.
Tôi vẫn cứ gọi Thảo là Cỏ, ngọn cỏ thủy tinh trên đất thép thành đồng. Cỏ nát rồi cỏ vẫn sinh sôi qua bao bận mưa giông nắng nôi. Cỏ vẫn xanh, xanh một đời trọn vẹn yêu thương.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/co-thuy-tinh-tren-dat-thep-20230316203400786.htm