Cổ tích giữa đời thường

Ở TP HCM, giữa thời buổi tấc đất tấc vàng nhưng vẫn có những người khi được chính quyền vận động đã hiến đất với giá trị hàng trăm tỉ đồng để phục vụ cộng đồng. Những con người hào hiệp ấy đã viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Câu chuyện "cổ tích" đầu tiên được viết bởi vợ chồng cô Đinh Hồng Hoa - chú Nguyễn Văn Kỉnh, ngụ hẻm 600/3, khu phố Long Hòa, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP HCM - đủ để mọi người chỉ cần nghe qua đã thán phục.

Mảnh đất đâu bằng tình người

Đến khu phố Long Hòa, chúng tôi hỏi vợ chồng cô Hoa - chú Kỉnh không ai lại không biết. Từ người trẻ đến người già có thể kể vanh vách những chuyện mà vợ chồng cô Hoa - chú Kỉnh đã làm. Nào là chỉ trong 7 năm, họ hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở 2 con hẻm nằm giáp 2 mặt sân, giá trị đất tính ra phải hơn 200 tỉ đồng. Không chỉ hiến đất, vợ chồng cô Hoa - chú Kỉnh còn bỏ hơn 50 triệu đồng để bê-tông hóa hẻm và xung phong tháo dỡ hàng rào kiên cố với diện tích hàng trăm mét quanh sân nhà. Từ khi 2 con hẻm mở rộng, cuộc sống bà con khu vực này tươi mới hơn hẳn.

Cầm sổ đất chỉ còn hơn 5.000 m2 trên tay, cô Hoa cười tươi nói: Sổ này mới làm sau khi hiến đất làm 2 con hẻm 600 và 606 chứ lúc trước diện tích đất nhà cô gần 8.000 m2, đất ông bà cha mẹ để lại, mình hiến đi cũng phải suy nghĩ đôi chút nhưng hiến đất để sinh lợi cho cộng đồng, con cháu mình cũng hưởng phúc mà.

Ông Bùi Công Hiệp (bìa phải) bên ngôi trường và khu đất ông vừa chuyển quyền sở hữu cho 88 trẻ mồ côi

Ông Bùi Công Hiệp (bìa phải) bên ngôi trường và khu đất ông vừa chuyển quyền sở hữu cho 88 trẻ mồ côi

Nghĩ vậy nên năm 2012, địa phương kêu gọi hiến đất mở hẻm, gia đình cô Hoa - chú Kỉnh không đắn đo khi cắt đi khoảnh sân gần 600 m2 để mở hẻm 600, mở xong do hạn hẹp kinh phí nên địa phương chỉ trải đá mi, mùa mưa đá trôi hết nên năm 2016, gia đình cô bỏ hơn 50 triệu đồng tiền túi để bê-tông hóa con hẻm. Từ ngày hẻm 600 rộng rãi, việc đi lại của bà con dễ dàng hơn, mọi sinh hoạt đều thuận tiện hơn trước. Để nhân rộng mô hình chỉnh trang các con hẻm, năm 2018 địa phương tiếp tục vận động bà con hiến đất mở rộng hẻm 606, gia đình cô Hoa không đắn đo, xung phong tháo dỡ hàng trăm mét hàng rào gạch kiên cố nhường cho con hẻm.

"Nhà mình thì kiên cố, hàng rào tươm tất nên mưa lớn không bị ngập nước nhưng người dân sống trong hẻm phải lội bì bõm trong nước bẩn, đi lại khó khăn. Nhìn cảnh này, chúng tôi rất sốt ruột. Nếu mình chỉ nghĩ cho mình thì dở lắm nên khi chính quyền vận động, vợ chồng tôi đồng ý ngay. Nhờ vậy, con hẻm đất chỉ 1,5 m, mùa mưa nước ngập lênh láng giờ đã khang trang, sạch đẹp, bề ngang rộng 5 m. Người dân đi lại thuận tiện hơn, không phải khiêng hay đẩy từng thùng xi-măng, gạch đá để sửa chữa nhà cửa; không lo dịch bệnh sốt xuất huyết vì cây cối, nước tù đọng nữa; có hữu sự xe cứu thương, cứu hỏa cũng vào được. Nhìn thành quả hiện tại, chúng tôi càng tin rằng quyết định của mình là đúng đắn bởi: Mở hẻm trước hết lợi cho cộng đồng, kế đến là lợi cho mình" - cô Hoa khẳng định.

Sống là để cho đi

Chuyện "cổ tích" thứ hai cũng xin được kể về trường hợp diễn ra ở quận 9. Các nhân vật dệt nên câu chuyện này là gia đình ông Bùi Công Hiệp (ngụ phường Long Trường). Năm 2000, gom góp toàn bộ tiền dành dụm sau 5 năm kinh doanh xưởng cơ khí, gia đình ông Hiệp mua mảnh đất 2.500 m2. Năm 2010, hưởng ứng "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" cũng như được sự hỗ trợ của địa phương, ông tiến hành lập mái ấm Thiên Thần. Mái ấm bắt đầu nhận trẻ từ năm 2012, đến nay đã có 88 bé được nuôi nấng, ăn học đàng hoàng; bé lớn nhất đã 7 tuổi, nhỏ nhất 3 tháng tuổi.

Lòng hào hiệp của gia đình ông Hiệp được đánh dấu bằng bước ngoặt mới đây, vợ chồng ông dẫn nhau ra phòng công chứng quận 9 trao tặng toàn bộ quyền sử dụng đất và căn nhà 3 tầng trên mảnh đất 2.500 m2 cho tập thể các bé mồ côi ở mái ấm. "Từ đầu năm 2019, các bé sẽ đồng sở hữu tài sản này mà theo tâm ý của tôi, sau khi các bé trưởng thành, làm ăn lỡ thất bại cũng có nơi quay về, có vốn lận lưng. Vì đồng sở hữu nên đứa nào cũng như đứa nấy, muốn gì tập thể sẽ quyết định" - ông Hiệp chia sẻ.

Nói về chuyện trao tặng tài sản quá lớn này, ông Hiệp cười xòa: "Vợ chồng tôi đủ rồi, 2 đứa con tôi cũng có nhà cửa, công ăn việc làm đàng hoàng thì cần gì nữa. Đã xác định sẽ dốc sức lo cho đám trẻ thì phải lo đến cùng. Không chỉ tài sản này mà một số khu đất còn lại ở quận Bình Thạnh, quận 9 và tỉnh Lâm Đồng, nếu tiếp tục mở rộng cơ sở cho các con, sau này, tôi cũng tặng luôn cho chúng nó". Mấy chữ "tặng luôn" của ông là bạc tỉ mà nghe nhẹ tênh!

Từ ngày có đám trẻ, từ một người chỉ biết cầm que hàn, cặm cụi với con số kinh doanh, ông Hiệp lao đầu vào học đủ thứ kiến thức từ nuôi dạy trẻ, chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc khi trẻ bệnh và cách rèn luyện nhân cách của trẻ. "Lúc mở trường, vợ tôi trêu "ông có 2 đứa con, không biết chăm sóc mà mở trường không biết xoay trở thế nào đây". Đâu có sao, bằng chứng là tôi học và hành miệt mài, đều đặn 7 năm nay, mỗi ngày đều phải học, học để chăm sóc và nuôi nấng bọn trẻ đàng hoàng, đồng thời phải dạy chúng nên người, thành người có ích cho xã hội" - ông Hiệp tự tin khẳng định và nói rằng sẽ nuôi nấng các em không chỉ đẹp về hình thức lẫn tâm hồn mà còn phải vững vàng, kiên định, giỏi giang, tử tế, hữu dụng.

Nhờ sự nhiệt tình của vợ chồng cô Hoa - chú Kỉnh mà phong trào người dân hiến đất mở rộng hẻm tại phường này diễn ra khá suôn sẻ. Rất nhiều tuyến hẻm từ 2-3 m đầy sình lầy, ổ gà nay được nâng cấp, chỉnh trang lên 5-6 m giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, đời sống tươi vui, phấn khởi hơn rất nhiều".

Ông Trần Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Long Thạnh Mỹ

Nhân rộng lòng hào hiệp

Theo ông Bùi Công Hiệp, để có chi phí chu toàn hoạt động của mái ấm, mỗi tháng, con trai ông (chủ một xưởng cơ khí ở quận Bình Thạnh) đã gửi cho ông 100 triệu đồng để chi lương cho 10 bảo mẫu, phí điện nước, sinh hoạt, ăn uống, tả sữa và học phí cho 88 bé. Chưa kể, toàn bộ 4 thành viên gia đình ông đều chung tay lo mái ấm này.

Không chỉ vậy, ông Hiệp bật mí với chúng tôi rằng tháng sau, gia đình ông khởi công xây dựng thêm căn nhà 3 tầng trên khu đất 2.500 m2 này để có chỗ sinh hoạt, vui chơi cho các bé trên 3 tuổi, với chi phí khoảng 5 tỉ đồng.

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/co-tich-giua-doi-thuong-20190910213311953.htm