Cổ tích trong lòng bàn tay

Nắng trưa hè cá ngáp dưới ruộng bừa, ông Tám mặt đỏ gay, gạt mồ hôi tìm bóng cây nhãn, bập cái cuốc cho cái cán gỗ nằm ngang để ngồi, ngửa cổ tu chai nước ừng ực. Gió trốn đâu mất dạng. Cỏ gianh vừa cắt xuống đã quăn tít lại, phai màu. Khu đồi này ngày trước là bãi trận.

Nắng trưa hè cá ngáp dưới ruộng bừa, ông Tám mặt đỏ gay, gạt mồ hôi tìm bóng cây nhãn, bập cái cuốc cho cái cán gỗ nằm ngang để ngồi, ngửa cổ tu chai nước ừng ực. Gió trốn đâu mất dạng. Cỏ gianh vừa cắt xuống đã quăn tít lại, phai màu. Khu đồi này ngày trước là bãi trận.

Minh họa: Thanh Hạnh

Minh họa: Thanh Hạnh

Từ chiến trường biên giới phía Tây trở về quê, ông Tám lấy vợ rồi đi phụ xe khách dọc con đường từ Bắc vào Nam. Cái chân trái bị thương tập tễnh thỉnh thoảng như có kim đâm, lúc nông lúc sâu ngoáy vào tận xương mỗi lần vác hàng hóa quá cân nặng của mình không làm ông thấy nản. Nản nhất là anh em ruột sau khi cha mẹ qua đời bắt đầu mặt nặng mày nhẹ cò kè chia nhau vài đám ruộng lầy tận đồng Cây Vối. Từ đồng Cây Vối nhìn sang gò Mả Lạng thấy nắng xiên từ sáng tới tối, cỏ mọc lơ thơ như đầu đứa trẻ lên sài đẹn lâu ngày. Ông Tám bỏ việc về nhà với số tiền ít ỏi đủ mua một cặp bò, vẫn lạc quan nói với năm anh em trai:

- Tôi không cần đất của ông bà. Của đó như nước lũ ngoài sông Cầu, đất mình tự khai khẩn mới bền lâu, như nước giếng nhé.

Vợ con ông giận mấy ngày liền, ông mặc kệ. Gò Mả Lạng không ai nhận thì ông làm, dựng luôn căn nhà ba gian ra ở. Nơi này từng là bãi trận, người bị hủi cũng dạt về đây dệt nên những câu chuyện chỉ cần nghe đến thôi, lũ trẻ con không cần ru ngủ hay cần đến que, roi vẫn tự cầm thìa và cơm ăn thun thút.

Cỏ gianh mọc um tùm bên những ngôi mộ cũ đã thấp lè tè như đống mối đùn. Làm cỏ đến nơi đó, ông Tám thường cúi xuống, dùng tay nhổ nhẹ từng chiếc rễ ngà vàng như sợ đau người nằm dưới mộ. Chẳng biết ai đã ngã xuống để bảo vệ đất này, cũng không ai biết người cầu bơ cầu bất khi xưa có nổi một manh chiếu gói lấy tấm thân gầy guộc lúc trút hơi tàn, ông Tám vừa làm vừa tự nói chuyện như thông với thế giới tâm linh.

Đất mới tốt khoai, sai đỗ. Khu đất bằng phía dưới, ông trồng cây ăn quả, thả gà nhặt mối, bới giun. Chẳng mấy chốc, gò Mả Lạng rộng hơn tám ngàn mét vuông trở thành khu vườn cổ tích. Bọn trẻ trốn ngủ trưa vượt hàng rào tre vào tìm ổi chín, vỗ mít,... Ông Tám biết cả, chỉ nhắc nhẹ:

- Trèo cao là ngã khổ cha mẹ mày ra, biết chưa. Lại bán thóc, vay mượn đi vào viện trực chăm con. Vào nhà ông lấy thang ra, ông giữ chắc hãy trèo.

Vợ ông Tám cũng vui lây vì có bọn trẻ thỉnh thoảng đến xâu chỉ luồn kim, nhổ chiếc dằm đâm giữa lòng bàn tay hay phát hiện trong ủng có sợ lông sâu róm. Chơi với trẻ con thấy mình trẻ lại. Các con ông đi làm ngoài khu công nghiệp, các cháu nghỉ hè đã về chơi quê ngoại. Nhưng đến một ngày, ông Tám vừa tháo cái ách, thả con bò lên triền đê thì thấy mấy người đeo kính râm đến chỉ trỏ, đo đạc. Một người, tay chống nạnh, hất hàm về phía ông, tuyên bố:

- Đây là đất của dòng họ tôi, chúng tôi đến kiểm tra lại để mấy tháng nữa bán lấy tiền xây nhà thờ Tổ.

Ông Tám bàng hoàng, nhìn khắp khu đất nhớ ngày mới bập nhát cuốc đầu tiên lên đây. Mười mấy năm qua đâu có ai đến nhận, nay bìa đỏ, ông đã được cấp vẫn có người đến nhận phần. Ông bình tĩnh mời họ vào nhà nói chuyện nhưng họ lẳng lặng rút đi. Từ ngày khu công nghiệp mọc lên, đất đai có giá, ông Tám không ngờ mình lại gặp chuyện từ trên trời rơi xuống.

Mấy ngày sau, ông nhận được cuộc gọi đe dọa, nếu không tự nguyện chuyển ra khỏi gò Mả Lạng, cả nhà sẽ không được yên thân. Chưa kịp làm gì thì anh con trai đi công ty về bị người lạ đâm xe ngã phải vào viện cấp cứu. Cực chẳng đã, vợ chồng ông thay nhau vào viện chăm con. Ông nhận tiếp cuộc điện thoại từ số lạ, thông báo việc xảy ra mới chỉ là màn mở đầu và liệu hồn đừng báo công an.

Không được rồi! Có kẻ đã quyết tâm chiếm đoạt mảnh đất mà ông bỏ công khai khẩn. Ông muốn lôi chúng ra pháp luật để bị trừng trị đích đáng. Nhưng anh con trai chưa tỉnh lại, đấy là điều ông lo nhất.

Ông Tám từ bệnh viện về làng, bần thần nhìn căn nhà nhỏ từ xa. Chẳng nhẽ nhượng lại cho chúng để đổi lấy yên bình cho vợ con, còn hai đứa cháu nhỏ nữa? Mở cổng vào khu vườn, những cây cam, cây bưởi bị từng nhát dao chặt đổ, mùi lá úa nắng xộc đến mũi cay cay. Mười mấy năm chăm bón khó nhọc bị hủy trong một ngày.

Người xấu đã đến đây! Cả những con gà đang đẻ và ấp trứng cũng bị trộm khoắng nốt. Cửa chuồng mở toang hoác. Ngực ông đau nhói. Cái chân bị thương run rẩy, ông ngồi phịch xuống thềm. Ngoài cổng có tiếng xe máy, ông Thanh trong Hội Cựu chiến binh ra thăm. Ông Tám bật khóc, kể lại cho bạn nghe chuyện gia đình mình gặp phải rối như mớ bòng bong. Ông Thanh vỗ vai bạn an ủi:

- Bình tĩnh nào ông, bom đạn mình còn không sợ. Ông đã nói rằng cổ tích luôn ở trong bàn tay cơ mà, cháu nó sẽ khỏe lại thôi, kẻ xấu chạy đâu khỏi lưới trời.

Nói rồi, ông Thanh nhìn quanh quất và gọi điện trình báo công an.

Mấy ngày sau, con trai ông Tám tỉnh lại có tiết lộ ở nhà đã lắp camera, công an nhanh chóng tìm được thủ phạm. Kẻ đâm anh ngã bị thương với kẻ phá hoại vườn tược và trộm cắp gà là cùng một đội. Điều làm ông không ngờ đến, thằng cháu con anh trai ruột của ông lại là chủ mưu vụ này. Nó đầu tư làm ăn thua lỗ đã nhắm đến mảnh đất của chú mình mong kiếm được nguồn mới bù vào các khoản đã vay. Nhìn anh trai đã móm mém, gầy gò, đầu bạc trắng ngồi trước mặt mình, ông Tám ước giá như chuyện buồn chưa từng xảy ra nhưng không được. Cháu trai vẫn bị giải lên đồn. Thấy vợ mở tủ lấy ra khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, ông nói nhỏ:

- Để tối nay tôi đưa sang cho bác ấy, mình không cần các khoản bồi thường đâu, cũng không thể để mất vào tay người khác ba đám ruộng ở đồng Cây Vối, của các cụ để lại còn ngần đó thôi

Vợ ông gật đầu. Nắng êm đềm trên vòm cây sấu già trước sân.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202307/co-tich-trong-long-ban-tay-68c21f8/