Có tình trạng tác động làm hạn chế đến kết quả, nội dung giám sát, phản biện xã hội
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, còn tình trạng nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về giám sát, phản biện xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thậm chí có biểu hiện 'khoán trắng' hoặc tác động làm hạn chế đến kết quả, nội dung giám sát, phản biện xã hội.
Sáng 12-5, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với sự chủ trì của các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Có chuyển biến trong công tác giám sát, phản biện xã hội
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Để phát huy vai trò là tổ chức liên minh chính trị, một thiết chế để kiểm soát quyền lực từ bên ngoài, tăng cường đoàn kết và đồng thuận trong nhân dân, là cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải thực hiện tốt hơn, nâng cao hơn chất lượng giám sát, phản biện xã hội.
Qua đánh giá thực trạng công tác giám sát, phản biện xã hội từ khi ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị khóa XI, sau 8 năm, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; ban hành cơ chế, bố trí cán bộ, kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội so với giai đoạn trước năm 2014.
Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp cách làm giám sát, phản biện xã hội như hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm sát vào những nội dung nhân dân quan tâm, bức xúc. Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng vào đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận và các tổ chức chính tri - xã hội, thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Chưa phát huy sự tham gia của nhân dân
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng cũng nhấn mạnh đến những hạn chế trong công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua. Trong đó, việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng chủ yếu là lồng ghép; một số cấp ủy chưa quan tâm đến giám sát, kiểm tra việc thực hiện, đánh giá việc thực hiện hàng năm. Bên cạnh đó, còn tình trạng nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về giám sát, phản biện xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thậm chí có biểu hiện "khoán trắng" hoặc tác động làm hạn chế đến kết quả, nội dung giám sát, phản biện xã hội. Cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội còn mỏng, thường xuyên thay đổi.
Trong tổ chức thực hiện của Mặt trận, các tổ chức chính trị cũng còn nhiều hạn chế, còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội; nhiều nơi còn thụ động, chờ sự chỉ đạo của cấp ủy và đề xuất của các cơ quan nhà nước. Nhiều nơi chưa đổi mới về phương pháp, cách làm, chưa phát huy sự tham gia của các thành viên và nhân dân. Hoạt động giám sát chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhân dân; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng nhiều nơi còn mang tính hình thức.
Mặt khác, việc phản hồi của các cơ quan, tổ chức được giám sát hoặc cơ quan có văn bản được phản biện còn ít; một số văn bản được trả lời nhưng còn chung chung, mang tính chất thông báo; nhiều kiến nghị được tiếp thu nhưng không có văn bản phản hồi.
Trước thực tế trên, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng yêu cầu hội thảo tập trung làm rõ về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; sự phối hợp và trách nhiệm của chính quyền các cấp. Qua đó đánh giá, khẳng định rõ đã quan tâm phối hợp, tạo thuận lợi chưa, hạn chế, vướng mắc ở mặt nào, nội dung nào cần chỉ đạo khắc phục. Cùng với đó, Đánh giá làm rõ ưu điểm, hạn chế, vai trò nỗ lực chủ quan của Mặt trận, từng tổ chức chính trị - xã hội với tư cách là chủ thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; nội dung nào cần tiếp tục chỉ đạo thể chế, hướng dẫn; giải pháp nâng cao chất lượng, giám sát, phản biện xã hội…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố thông qua việc ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, trong đó tập trung phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Trong đó, Chỉ thị 19-CT/TU năm 2013 về tiếp tục thực hiện Quy chế “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”; Quyết định 935-QĐ/TU năm 2017 về Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đúng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn TPHCM. Ngoài ra, TPHCM cũng đã ban hành Quyết định 936-QĐ/TU quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định 1374 về Quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã thông qua Đề án 06 về Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam TPHCM và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TPHCM giai đoạn 2021-2030. Qua đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 13 về lãnh đạo thực hiện Đề án 06. “Đây là văn bản quan trọng, là cơ chế để hệ thống MTTQ từ thành phố đến cơ sở thực hiện hiệu quả công tác giám sát, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ khẳng định.