Cô Tô triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch hấp dẫn dịp cuối năm
Huyện đảo Cô Tô đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua việc mời các nhóm KOLs trải nghiệm du lịch mùa Thu để giới thiệu rộng rãi trên mạng xã hội, tạo điều kiện tối đa cho du khách quốc tế tới tham quan.
Huyện Cô Tô vừa ban hành kế hoạch tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn cùng nhiều hoạt động du lịch sôi động dịp cuối năm nhằm quảng bá, kích cầu du lịch, phát triển du lịch 4 mùa.
Cụ thể, với thị trường nội địa, huyện tập trung tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao, quảng bá du lịch thông qua việc mời các nhóm KOLs (nhóm người có tầm ảnh hưởng) trải nghiệm du lịch Cô Tô mùa Thu để giới thiệu rộng rãi trên mạng xã hội; khai thác thị trường khách qua Cảng Hàng không Vân Đồn; thu hút du khách tham gia các hội chợ du lịch.
Đồng thời, huyện cũng vận động các doanh nghiệp duy trì tốt dịch vụ du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
Với thị trường du lịch quốc tế, Cô Tô phối hợp với Cục Du lịch Việt Nam tiếp đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế truyền thông về Cô Tô; ký kết, hợp tác với các hãng lữ hành trong nước và quốc tế; tham gia các sự kiện hội chợ du lịch quốc tế lớn, uy tín như Hội chợ ITE Hồ Chí Minh 2023, Hội chợ Du lịch Quốc tế tại Đà Nẵng hoặc Cần Thơ.
Cô Tô tạo điều kiện tối đa cho lữ hành và du khách quốc tế tới tham quan, du khách quốc tế tới đảo không phải xin giấy phép.
Hiện Cô Tô là địa phương triển khai được nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và chính sách giảm giá kích cầu hấp dẫn du lịch dịp thấp điểm. Đồng thời đây cũng là điểm đến của các sự kiện văn hóa thể thao hấp dẫn như Giải Marathon Dấu ấn biển xanh, hay giải Đua xe địa hình…
Dịp Hè năm nay, Cô Tô trở thành một trong những địa điểm du lịch biển đảo thu hút đông du khách của tỉnh Quảng Ninh.
Trung bình mỗi ngày địa phương đón hơn 2.000 khách du lịch đến tham quan, du lịch, ngày cao điểm có thể lên tới trên 5.000 khách, bằng dân số toàn huyện.
Bảy tháng đầu năm 2023, huyện Cô Tô (Quảng Ninh) đã đón khoảng 230.000 lượt khách, gấp 1,6 lần so với năm 2022, đạt 92% chỉ tiêu cả năm 2023. Doanh thu ước đạt trên 575 tỷ đồng.
Có được kết quả khả quan này là do từ đầu năm đến nay, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống như tắm biển, khám phá ẩm thực, tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, mùa du lịch năm nay, Cô Tô đưa vào 2 sản phẩm du lịch mới độc đáo, gây ấn tượng với du khách là sản phẩm lặn biển thể thao giải trí và tham quan tuyến đảo Cô Tô lớn-đảo Thanh Lân-đảo Cô Tô con-đảo Cá Chép.
Đã có gần 40.000 lượt khách sử dụng các sản phẩm du lịch này và đánh giá tốt chất lượng dịch vụ. Sau khi trải nghiệm, các du khách đã chia sẻ hình ảnh và thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, tạo sức lan tỏa rộng rãi, từ đó, thu hút ngày càng đông du khách đến Cô Tô.
Từ ngày 9/7/2023, tuyến bay Hạ Long-Cô Tô bằng thủy phi cơ do Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu (thuộc Tập đoàn Thiên Minh) chính thức được đưa vào khai thác.
Với hành trình chỉ khoảng 35 phút, du khách vừa có thể tiết kiệm thời gian so với các phương tiện thông thường khác, vừa có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của các địa danh trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
Cùng với “hiệu ứng” của các sản phẩm du lịch mới, huyện Cô Tô đã tập trung nguồn lực, tổ chức sớm các chương trình hoạt động chào đón Khai mạc Du lịch Hè năm 2023, chỉ đạo các khách sạn, nhà hàng chủ động chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao chất lượng dịch vụ, sẵn sàng tiếp đón và phục vụ khách du lịch.
Các đơn vị cũng đã thực hiện công tác chỉnh trang, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng, các dịch vụ du lịch, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch. Đồng thời, xây dựng văn hóa, văn minh trong kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ, bán hàng đúng giá niêm yết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy ứng dụng Chuyển đổi Số trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Thời gian lưu trú của du khách đến huyện đảo Cô Tô cũng tăng lên. Nếu năm 2018, khách đến Cô Tô chỉ lưu trú 1,6 đêm/khách thì đến nay, thời gian lưu trú đã kéo dài lên gần 2 đêm/khách.
Qua đó, đưa khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng cao, chiếm 67,1% cơ cấu kinh tế của huyện. Đồng thời, tạo được trên 1.650 việc làm ổn định với mức thu nhập từ 8-20 triệu đồng/người/tháng cho người dân địa phương./.