Có tới 70% cử nhân công nghệ thông tin phải đào tạo lại
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, khảo sát cho thấy trong số 50.000 cử nhân công nghệ thông tin ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại.
Là làm sao để gắn kết trường đại học-doanh nghiệp-cơ quan nhà nước nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề được các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”.
Tọa đàm do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay, ngày 30/3, tại Hà Nội.
Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các trường đại học và các doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các vấn đề cụ thể được đề cập như thực trạng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong ngành ICT và sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp trong đào tạo.
"Khát" nhân lực công nghệ cao
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, trong đó lấy công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) làm nền tảng. Ngành ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô 100 tỷ USD và xấp xỉ một triệu lao động tri thức.
Tại Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, hiện có 235 trường đại học trong đó có 50 trường đào tạo công nghệ thông tin. Hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Tuy nhiên số lượng này vẫn chưa đủ so với nhu cầu phát triển doanh nghệp công nghệ thông tin, nhất là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 có một triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó rất ưu tiên khởi nghiệp công nghệ thông tin.
Cũng theo ông Nhạ, khởi nghiệp công nghệ thông tin tạo ra tăng trưởng nhanh nhất, kết nối nhanh, giá trị gia tăng lớn.
Theo tính toán, với mức độ tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhu cầu việc làm rất lớn. Cụ thể, đến năm 2020 cần 100.000 cử nhân công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ông Nhạ cũng cho biết, khảo sát cho thấy trong số 50.000 cử nhân công nghệ thông tin ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại.
Cùng chia sẻ về vấn đề này tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bô Thông tin và Truyền thông cho rằng, truyền thống giáo dục Việt Nam là học trước rồi làm sau, là thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa là chính, học thuộc là quan trọng, giảng đường là cơ sở chính của đại học, học nhiều thực hành ít, học dài hạn là chính.
Trong khi thế giới lại nhiều đổi thay: làm trước rồi học sau, tự học để biết đến 70-80% rồi mới hỏi thầy, học cách tìm ra vấn đề quan trọng hơn học thuộc, phòng thí nghiệm trở thành cơ sở chính của nhà trường; nghiên cứu trong môi trường ảo, mô phỏng nhiều hơn môi trường thật; tiếng Anh, công nghệ trở thành công cụ tối thiểu và bắt buộc.
"Bắt tay" giữa nhà trường, doanh nghiệp phải thực chất
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại, thì nước đó sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh.
Nhân lực sẽ là một lợi thế và Việt Nam phải giải quyết tốt bài toán nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thời đại.
“Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp nhưng nhà trường đã bám theo doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình thì doanh nghiệp đã tham gia cùng nhà trường chưa? Hay hai đối tượng này vẫn rất xa nhau và đổ lỗi cho nhau?” ông Hùng nói.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào vấn đề này, cùng nhà trường nâng cao chất lượng.
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường không mới, đã được đặt ra từ lâu nhưng triển khai chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp chủ yếu chỉ ở tâm thế hỗ trợ nhà trường như trao học bổng, cho sinh viên thực tập, trong khi các trường ở tâm thế đi xin.
“Hợp tác nhà trường-doanh nghiệp phải là nhu cầu tự thân, các trường cung cấp nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nhìn trường như các bạn hàng, hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích. Chỉ khi nào áp lực và động lực song hàng khi đó sẽ có sự gắn kết bền vững,” ông Nhạ nói.
Theo ông Nhạ, sự hợp tác phải đi từ thiết kế chương trình đào tạo từ nhu cầu của thị trường, tính đến thay đổi khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng các trường đại học cần thay đổi phương thức đào tạo giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, nhúng mình vào các doanh nghiệp công nghệ thông tin, như trường y với bệnh viên. Phải hình thành nên những trung tâm đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp, sinh viên công nghệ thông tin ra trường không chỉ có việc làm mà còn khởi nghiệp tạo việc làm.
"Chưa khi nào khoa học công nghệ thay đổi nhanh như bây giờ. Chương trình đào tạo phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi, các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ chứ chỉ đưa ra những gì mình có sẽ khó thành công," Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói./.