Cô trò tỉnh Phú Thọ và dự án 'Nói không với ống hút nhựa'
'Hình ảnh xót xa của chú rùa Olive Ridley bên bờ biển và những con số đáng báo động về ô nhiễm môi trường khiến chúng tôi nghĩ rằng mình cần phải hành động'.
Dự án: “Nói không với ống hút nhựa” được thực hiện bởi 91 em học sinh dưới sự hướng dẫn của cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên môn tiếng Anh trường Trung học Phổ thông Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).
Với mong muốn lan tỏa được việc hạn chế sử dụng ống hút nhựa – loại rác thải đang rất phổ biến hiện nay, cô và trò trường cấp 3 Hương Cần đã vận dụng các kiến thức liên môn để tìm hiểu và sản xuất các loại ống hút thân thiện với môi trường.
Tấm lòng của một nhà giáo vùng cao Quảng Trị
Điều đặc biệt, tại ngôi trường Trung học Phổ thông Hương Cần chủ yếu học sinh là người đồng bào dân tộc. Cho nên việc thực hiện dự án này chẳng phải dễ dàng.
Các loại ống hút thân thiện với môi trường được làm từ những loại nguyên liệu có sẵn của quê hương Phú Thọ như tre, trúc, nứa, sậy, lau đá...
Các sản phẩm đều được xử lý đảm bảo không bị ẩm mốc và tiện sử dụng.
Nhóm thực hiện dự án cũng đã tặng sản phẩm ống hút thân thiện cho hơn 800 thầy cô và học sinh toàn trường.
Để nhân rộng hiệu quả của mô hình nhóm dự án cũng gửi tặng sản phẩm này cho các quán trà sữa, quán nước trên địa phương và một số trường Trung học Phổ thông trên cả nước.
Nói về mục đích và ý nghĩa của dự án cô Hà Ánh Phượng tâm sự: “Hình ảnh xót xa của chú rùa Olive Ridley bên bờ biển costa rica và những con số đáng báo động về ô nhiễm môi trường khiến chúng tôi nghĩ rằng mình cần phải hành động.
Bên cạnh đó dự án cũng là một trong những nỗ lực đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh. Thông qua dự án này chúng tôi còn gửi tặng sản phẩm đến học sinh nước ngoài.
Tôi hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống.
Ngoài ra tôi cũng mong muốn đây là cơ hội để các em học sinh có thể học hỏi nhiều kỹ năng trong và ngoài trường học”.
Dự án: “Nói không với ống hút nhựa” của cô và trò trường cấp 3 Hương Cần được rất nhiều nơi hưởng ứng. Đồng thời một số doanh nghiệp tư nhân cũng đang có ý định đầu tư cho dự án. Có thể nói đây là một thành công ghi nhận nỗ lực của cô trò trường cấp 3 Hương Cần.
Anh Đinh Hữu Đình chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng về ý tưởng của cô và trò trường cấp 3 Hương Cần trong việc hạn chế sử dụng ống hút bằng nhựa chuyển sang ống hút bằng các loại vật liệu thân thiện.
Dự án này rất nhiều nơi muốn đầu tư vì tính khả thi của nó. Bên cạnh đó tôi cũng hy vọng rằng thông qua các hoạt động như thế này sẽ giúp các em học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng các loại rác thải khó phân hủy như nhựa, nilon. Tôi chúc dự án của cô Phượng và các em học sinh thành công”.
Ngoài việc sản xuất ống hút bằng vật liệu tái chế, các em học sinh cũng tìm tòi và sáng tạo các sản phẩm trang trí như bản đồ Việt Nam, lẵng hoa, đồ lưu niệm...
Thông qua hoạt động này học sinh có thể vận dụng các kiến thức liên quan như môn Vật Lý, Toán, Công nghệ...đặc biệt là học tập qua STEM để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Học sinh tham gia dự án cũng có thể giao tiếp ở mức độ cơ bản bằng tiếng Anh trong các buổi kết nối với giáo viên và học sinh nước ngoài về dự án, quá trình và cách tiến hành dự án.
Tôi không phải cô giáo, tôi là mẹ của tất cả các con!
Ngoài 2 buổi lao động công ích tại địa phương, nhóm dự án cũng tổ chức 30 buổi học qua skype giới thiệu về dự án và lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường với học sinh trong và ngoài nước.
Nói về hiệu quả của phương pháp học qua skype, cô Phượng chia sẻ:
“Phương pháp học này rất hiệu quả. Đầu tiên sẽ tạo một môi trường học tập ngoại ngữ cho học sinh.
Học sinh sẽ có cơ hội được giao tiếp và tìm hiểu văn hóa với các bạn đồng trang lứa trên toàn thế giới.
Không phải theo kiểu có một ông Tây nào đó nói chuyện với các em mà sẽ kết nối với các lớp học trên toàn cầu.
Vào mỗi buổi học khác nhau tôi sẽ cho các em học những chủ đề tự do hoặc lựa chọn chủ đề tương đương để kết nối với các trường khác trên thế giới”.
Em Lê Huyền Trang, thư ký nhóm dự án chia sẻ: "Thông qua việc tham gia dự án này đã giúp cho chúng em học được rất nhiều điều trong học tập và cuộc sống.
Dự án này giúp em nhận ra ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường đặc biệt là tác hại của ống hút nhựa.
Đồng thời chúng em cũng tự mày mò tìm cách làm các sản phẩm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô và cô Phượng. Từ đó chúng em trau dồi và thực hành các kiến thức mà mình được học.
Chẳng hạn nhóm nghiên cứu có nhiệm vụ tìm hiểu các loại vật liệu có thể thay thế ống hút nhựa, nghiên cứu cách làm chống mốc, khử trùng, cách tách nước trong ống hút tre để sản phẩm để được lâu, quy trình làm ống hút thân thiện với môi trường bên cạnh lời khuyên từ các chuyên gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến qua skype (anh Đinh Văn Mạnh- công ty sản xuất ống hút Tinh Hoa Tre Việt)".
Em Trang cũng chia sẻ thêm: "Bọn em cũng có thể áp dụng các kiến thức cơ học, động cơ điện một chiều, hiện tượng cảm ứng điện từ...để thiết kế ra máy cắt ống hút bằng điện từ các loại vật liệu tái chế.
Em mong muốn dự án sẽ ngày càng lan tỏa để mọi người và đặc biệt là các bạn trẻ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường".
Trong tương lai, nhóm dự án dự định đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường. Với những điều mà 91 em học sinh trường cấp 3 đang làm chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào một thế hệ trẻ năng động, ý thức, trách nhiệm, làm giàu quê hương, đất nước.