Cổ tức, tăng vốn, nợ xấu... 'dậy sóng' mùa đại hội
Tỷ lệ cổ tức, bài toán tăng vốn, gánh nặng nợ xấu, mục tiêu lợi nhuận… là những vấn đề nóng được đặt ra tại mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay.
Mục tiêu lợi nhuận: Nơi dè dặt, chỗ đột phá
Vấn đề được cổ đông quan tâm hàng đầu mùa đại hội đồng cổ đông năm nay là lợi nhuận ngân hàng. Năm nay, phần lớn nhà băng tỏ ra dè dặt với mục tiêu lợi nhuận trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, nhiều nguồn thu bị bó hẹp, đặc biệt là nguồn thu từ kênh bancassurance. Tuy vậy, cũng có vài ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng đột phá.
Vietcombank - quán quân lợi nhuận năm 2023 - đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10% năm 2024. Trong khi đó, các “ông lớn” còn lại là VietinBank, BIDV, Agribank vẫn để ngỏ mục tiêu này.
Với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, một số ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tương đối cao. Chẳng hạn, MB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng khoảng 14%, HDBank và VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trên 20%. Riêng Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lên tới hơn 83% (đạt 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế). Sacombank chưa công bố mục tiêu lợi nhuận năm 2024, song được SSI Research dự đoán lợi nhuận tăng 27%.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Quan hệ nhà đầu tư HDBank cho hay, các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận của Ngân hàng năm nay là chi phí vốn giảm trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm nhanh, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng, tỷ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng trong năm 2024 dự kiến kiểm soát tốt hơn trước… Ngoài ra, hầu hết dự báo của chuyên gia đều cho thấy, kinh tế năm nay sẽ tốt hơn năm trước, từ đó giúp thu nhập của người dân và doanh nghiệp gia tăng, nên cải thiện khả năng trả nợ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân (Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh nguồn thu ngân hàng bị thu hẹp, đặc biệt thị trường bán chéo bảo hiểm vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, lợi nhuận ngân hàng năm 2024 vẫn phải trông chờ vào tín dụng. Do đó, yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2024 là chi phí vốn. Ngân hàng nào có CASA cao, kéo giá vốn và lãi vay thấp xuống sẽ có cơ hội cải thiện lợi nhuận. Ngược lại, các ngân hàng vẫn phải duy trì giá vốn cao sẽ giảm sức cạnh tranh, khó tăng lợi nhuận trong năm nay.
Cổ tức, tăng vốn và nợ xấu tiếp tục dậy sóng
Cổ tức cũng là vấn đề cổ đông đặc biệt quan tâm tại mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay. Ông Trần Thế Minh cho rằng, năm nay, nhiều ngân hàng có thể lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Năm nay, lợi nhuận ngân hàng sẽ khởi sắc hơn năm 2023, song sẽ không có đột phá. Đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ, các ngân hàng lớn có nền tảng vốn và cơ sở khách hàng tốt sẽ giữ được phong độ lợi nhuận, trong khi các ngân hàng nhỏ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thậm chí tăng trưởng âm.
- TS. Châu Đình Linh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM
Hiện tại, số ngân hàng dự tính chia cổ tức tiền mặt không nhiều. Đầu năm nay, lãnh đạo Techcombank cho biết sẽ đề xuất chính sách cổ tức dài hạn để trình đại hội đồng cổ đông vào tháng 4 sắp tới. Techcombank dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận sau thuế - tương đương 4-5% vốn chủ sở hữu của ngân hàng tại thời điểm đầu năm.
Trước đó, VPBank cũng tuyên bố kế hoạch chia cổ tức bằng tiền trong 5 năm liên tiếp từ nguồn lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng, bắt đầu từ năm 2023. Nhiều khả năng, VPBank sẽ tiếp tục đề xuất chính sách chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt.
Đầu năm nay, VIB đã chi hơn 1.500 tỷ đồng tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%.
Ngoài VIB, một số ngân hàng khác cũng có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 2023, như ACB (10%), TPBank (25%), HDBank (10%), MB (5%)… Cổ đông kỳ vọng, các ngân hàng này sẽ tiếp tục trình đại hội đồng cổ đông năm nay kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.
Dù vậy, với đại đa số ngân hàng, cổ tức năm nay vẫn sẽ được chia bằng cổ phiếu để tăng vốn.
Mới đây, VietinBank công bố phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 (chia cổ tức bằng cổ phiếu). Lãnh đạo VietinBank cho biết, ngân hàng này đã kiến nghị được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Vietcombank chưa công bố cụ thể phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Theo kế hoạch, đại hội đồng cổ đông ngân hàng này, tổ chức ngày 27/4, sẽ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023.
Tương tự, nhiều ngân hàng khác vừa thực hiện xong việc chia cổ tức bằng cổ phiếu (PGBank, Saigonbank…) và đang lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 để tăng vốn.
Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV mới đây đề nghị Chính phủ cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận giữ lại nhằm củng cố nguồn lực, có thêm dư địa hỗ trợ nền kinh tế.
Một vấn đề nóng nữa được cổ đông quan tâm tại đại hội đồng cổ đông là nợ xấu. Kết thúc năm 2023, khoảng 80% ngân hàng thương mại trong toàn hệ thống đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng so với đầu năm, trong đó, 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3%.
Theo Trung tâm Phân tích chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, năm nay, nhiều khả năng, các ngân hàng vẫn sẽ phải gánh mức trích lập dự phòng cao như năm 2023. Nợ xấu tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, Thông tư 02/2023/TT-NHNN sắp hết hiệu lực… đang đe dọa bức tranh tài chính ngân hàng năm nay, cũng như đặt ra nhiều áp lực cho lãnh đạo ngân hàng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-tuc-tang-von-no-xau-day-song-mua-dai-hoi-d210124.html