Cố vấn ANQG Mỹ John Bolton ra đi: Mạo hiểm nhưng cần thiết

Việc sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia (ANQG) John Bolton trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ sụt giảm có phải là nước cờ hay của Tổng thống Mỹ? Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Ông John Bolton đã trở thành cựu Cố vấn An ninh Quốc gia sau ngày 9/9. (Nguồn: Getty)

Nước cờ mạo hiểm

Trên Twitter trưa ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton vì “bất đồng trong giải quyết những thách thức đối ngoại”, cụ thể là Iran, Triều Tiên và Afghanistan: “Tôi đã báo với John Bolton tối ngày hôm qua (9/9) rằng sự phục vụ của ông ở Nhà Trắng là không còn cần thiết. Tôi, cùng nhiều quan chức khác, đã nhiều lần bất đồng sâu sắc với nhiều khuyến nghị của ông ấy, do đó tôi đã bảo ông ấy từ chức và đã nhận được lá đơn vào sáng nay. Tôi cảm ơn John vì sự phục vụ của ông ấy và sẽ bổ nhiệm tân Cố vấn An ninh Quốc gia vào tuần tới.” Về phần mình, ông Bolton cho biết chính ông mới là người chủ động đệ đơn từ chức.

Như vậy, ông Bolton sẽ là người thứ ba sau Tướng H.R. McMaster và Tướng Michael Flynn rời khỏi vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia.

Đáng chú ý, động thái diễn ra trong bối cảnh ngay sau khi thăm dò mới nhất của Washington PostABC News thực hiện cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang giảm mạnh, chỉ còn 38% so với 44% của tháng 6. Theo đó, nhiều người lo ngại rằng cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ. Tỷ lệ tán thành các chính sách kinh tế của ông Trump cũng giảm từ 51% vào tháng 7 xuống 46%, dù kinh tế vẫn là điểm sáng trong các vấn đề được khảo sát.

Khi ấy, việc sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia có thể để lộ những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính quyền, khiến người dân Mỹ trở nên thiếu niềm tin hơn vào Tổng thống Donald Trump và nội các. Song thực hư là như thế nào?

“Cừu đen” nơi Nhà Trắng

Sự ra đi của ông Bolton có thể được lý giải bằng một số nguyên nhân sau.

Đầu tiên, nguyên nhân trực tiếp đến từ Cố vấn An ninh Quốc gia phản đối việc Tổng thống hướng tới ký kết một thỏa thuận hòa bình với Taliban ngày 7/9. Điều này, cùng với thái độ nghi kỵ đến từ phía Taliban, đã khiến nỗ lực nhà đàm phán hòa bình, thực hiện lời hứa rút quân về nước của ông Donald Trump đổ vỡ.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Cố vấn An ninh Quốc gia và Tổng thống đã tồn tại từ nhiều tháng nay. Từ lâu, ông Bolton đã trở thành chú “cừu đen” nơi Nhà Trắng khi không được lòng ông Trump và các quan chức khác trong nội các. Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đã nhiều lần khiến ông Trump phật ý khi phản đối chính sách hòa hoãn với Triều Tiên, từ chối tham dự cuộc gặp mặt đột ngột tại Khu vực Phi quân sự (DMZ) với Chủ tịch Kim Jong-un, chỉ trích thái độ hòa hoãn của Tổng thống với Bình Nhưỡng sau các vụ thử tên lửa tầm ngắn. Quan điểm cứng rắn của ông Bolton cũng được cho là một trong những lý do khiến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội đã không dẫn đến được một thỏa thuận.

Tương tự, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia đã ủng hộ việc Mỹ tiến hành chiến dịch tấn công chính xác vào Iran và phản đối “sáng kiến” gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani của ông chủ Nhà Trắng. Lập trường “diều hâu” của ông Bolton đi ngược lại với chủ trương hòa hoãn của ông Trump – Tổng thống thứ 45 của Mỹ luôn muốn thể hiện mình là một nhà đàm phán lão luyện và sẵn sàng đặt bút ký vào một thỏa thuận có lợi với bất kỳ ai, dù đó có là đối thủ hay kẻ thù truyền kiếp. Sự khác biệt về quan điểm này khiến ông Bolton buộc phải ra đi.

Xung đột về lập trường trong triển khai chính sách đối ngoại với ông Pompeo cũng khiến ông Bolton phải ra đi. (Nguồn: Getty Images)

Thêm vào đó, thời gian quan, ông Trump luôn phải phân định giữa một bên là phe “chủ chiến” của ông John Bolton và phe “chủ hòa” của ông Mike Pompeo. Sự đối đầu này ít nhiều gợi nhớ tới mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” hơn 40 năm về trước giữa Ngoại trưởng Cyrus Vance và Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski dưới thời cựu Tổng thống Jimmy Carter. Trong khi ông Vance cho rằng Mỹ cần thiết lập quan hệ gần gũi với Liên Xô và Iran thì ông Brzezinski lại chủ trương theo đuổi lập trường cứng rắn hơn. Giọt nước tràn ly khi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ họp chuẩn bị cho Chiến dịch Móng Đại bàng, nhằm giải cứu các con tin đang bị bắt cóc tại Iran mà không mời Ngoại trưởng Vance. Ông Vance sau đó đã từ chức, gọi ông Brzezinski là “ác quỷ” và đã có cách tiếp cận sai lầm khiến chiến dịch giải cứu thất bại.

Quan trọng hơn, xung đột quan điểm giữa hai nhân vật này đã khiến việc triển khai chính sách đối ngoại của Nhà Trắng trở nên bế tắc cho đến hết nhiệm kỳ của Tổng thống Jimmy Carter. Đây là điều không Tổng thống nào mong muốn. Tuy nhiên, lần trước, người từ chức là Ngoại trưởng thì lần này, Cố vấn An ninh Quốc gia phải ra đi.

Thay đổi để tồn tại

Việc sa thải ông John Bolton khi ấy là một động thái mạo hiểm, nhưng mang tính sống còn đối với ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ suy giảm, bên cạnh việc tìm kiếm giải pháp nhằm khôi phục niềm tin của người dân thông qua kết quả thương chiến Mỹ - Trung, Tổng thống cần gặt hái thành công về đối ngoại tại những điểm nóng, cụ thể là Iran, Afghanistan và Triều Tiên. Thú vị thay, đây là các địa bàn mà sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, thứ thường được ông Bolton đề cập trong giải pháp, chưa đem lại kết quả mong muốn.

Khi đó, thay đổi cách tiếp cận, tập trung hơn và triển khai “sức mạnh mềm” đồng nghĩa với việc ông Bolton cần được thay thế bằng một nhân vật có cùng quan điểm và “dễ bảo” hơn, giảm lực cản trong thực thi các chính sách mới. Như vậy, trong thời gian tới, nhiều khả năng Mỹ sẽ tỏ ra mềm mỏng, linh hoạt hơn nữa trong việc triển khai chiến lược tại các điểm nóng, cụ thể là Triều Tiên, Iran và Afghanistan.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể phản tác dụng bởi suy cho cùng, ông John Bolton đã diễn trọn vai phản diện tại Nhà Trắng, với quan điểm khác biệt so với phần còn lại trong những vấn đề nóng. Vắng “bộ lọc” này, chính sách đối ngoại của Mỹ có thể thiếu đi cái nhìn đa chiều cần thiết để xây dựng giải pháp cục bộ, hợp lý hơn.

Khi ấy, vừa diễn vai thiện giỏi, vừa đóng vai ác hay sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn dành cho tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, người sẽ được Tổng thống Donald Trump công bố vào tuần tới.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-van-anqg-my-john-bolton-ra-di-mao-hiem-nhung-can-thiet-100934.html