Cố vấn chính phủ Nhật Bản đề xuất bãi bỏ chương trình 'thực tập sinh' nước ngoài
Nhật Bản nên xem xét bãi bỏ chương trình 'thực tập sinh kỹ thuật' nước ngoài thường được sử dụng như một cửa sau để thu hút lao động giá rẻ từ nước ngoài và thay thế nó bằng một khuôn khổ thực tế hơn, một nhóm cố vấn của chính phủ kiến nghị.
Chương trình đã bị chỉ trích là ép buộc những người lao động mắc nợ. Những thay đổi được đề xuất khi hiện tượng già hóa dân số đang khiến Nhật Bản đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
Trong một báo cáo công bố ngày 10/4, Ủy ban cố vấn của Chính phủ cho biết đất nước đang già hóa và giảm dân số này cần một chương trình nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động nước ngoài, chứ không chỉ hỗ trợ các nước đang phát triển bằng cách cung cấp đào tạo. Họ nói rằng những người tham gia chương trình nên có nhiều quyền tự do hơn để chuyển đổi công việc khi ở Nhật Bản và nhận được thêm sự giúp đỡ để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ.
Với hơn 29% dân số Nhật Bản đã từ 65 tuổi trở lên, Thủ tướng Fumio Kishida đã bày tỏ lo ngại về khả năng duy trì hoạt động của đất nước. Ông đã tuyên bố sẽ tăng gấp đôi chi tiêu cho trẻ em và gia đình để tăng tỷ lệ sinh, nhưng nói rất ít về vấn đề nhập cư.
Nhật Bản có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hơn 11 triệu lao động vào năm 2040, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 bởi Recruit Works Institute, một nhóm nghiên cứu độc lập. Nước này cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về nhu cầu lao động từ các nước phát triển già hóa khác.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã đạt mức kỷ lục 1,82 triệu người vào tháng 10 năm ngoái, trong đó đông nhất là người Việt Nam. Khoảng 18% trong tổng số những người tham gia chương trình thực tập.
Chương trình này đã bị chỉ trích trong Báo cáo về nạn buôn người của Hoa Kỳ, trong đó trích dẫn các trường hợp bị ép buộc, bao gồm một số trường hợp người lao động phải gánh các khoản nợ không thể trả được cho những người môi giới. Hàng ngàn thực tập sinh đã biến mất trong những năm qua, thường là do điều kiện làm việc tồi tệ. Nhóm khuyến nghị các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề.
Theo tài liệu gửi cho Ủy ban cố vấn, hầu hết những người tham gia chương trình làm việc cho các tổ chức nhỏ, thường là trong ngành xây dựng, sản xuất thực phẩm hoặc gia công cơ khí. Các cố vấn sẽ tiếp tục tranh luận về các chương trình dành cho lao động nước ngoài và dự kiến sẽ trình bày báo cáo cuối cùng vào mùa thu, theo trang web của Bộ Tư pháp.