Cố vấn đứng sau chính sách cứng rắn của TT Trump với Trung Quốc

Từ nhà báo thường trú ở Trung Quốc đến sĩ quan tình báo thủy quân lục chiến, Matthew Pottinger là nhân vật then chốt trong chính sách đối phó Trung Quốc dưới thời Tổng thống Trump.

Vào tháng 2, khi Tổng thống Donald Trump vẫn công khai bày tỏ tin tưởng vào cách Trung Quốc kiểm soát dịch, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Matthew Pottinger bất ngờ tiếp nhận những thông tin đáng báo động. Ông và một số quan chức Mỹ cho rằng có đến hai làn sóng cùng vượt khỏi lãnh thổ Trung Quốc: đà lây lan của virus và nỗ lực làm sai lệch thông tin từ Bắc Kinh.

Trong góc nhìn của nhân vật số 2 Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), giới lãnh đạo Trung Quốc đang phát động chiến dịch che giấu thông tin và "tâm lý chiến" quy mô lớn để che giấu nguồn gốc của virus và né tránh trách nhiệm.

Tình báo Mỹ phát hiện những dấu hiệu cho thấy đặc vụ Trung Quốc cố tình gieo rắc thông tin sai lệch, còn truyền thông Trung Quốc đưa ra những câu chuyện nhằm thay đổi thực tế căn bản.

Pottinger cho rằng cách gọi tên chủng virus SARS-CoV-2 cần tránh gây nhầm lẫn về nguồn gốc của nó. Ông đề nghị Tổng thống Trump và các quan chức chính phủ chính thức dùng khái niệm "Virus Vũ Hán".

Ý tưởng của Pottinger nhanh chóng phổ biến trong các phát ngôn của chính phủ Mỹ. Tổng thống Trump thậm chí leo thang đến mức gọi chủng virus corona gây nên Covid-19 là "Virus Trung Quốc". Ngoại trưởng Mike Pompeo thì tạo áp lực để nhóm nước G7 ký một tuyên bố chung với cụm vừ "Virus Vũ Hán".

Đối với Pottinger, những chỉ trích là nhận thức lệch vấn đề. Truyền thông Trung Quốc đã gán ghép virus corona chủng mới với Vũ Hán suốt nhiều tuần, trước khi chính phủ Bắc Kinh bất ngờ tạo sức ép để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đặt tên dịch là Covid-19. Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nghĩ Bắc Kinh cần “nhận lại” cái tên cũ.

Trong con mắt của Pottinger, cách Trung Quốc ứng phó đợt bùng phát là “thảm họa” và “cả thế giới chịu hậu quả liên đới từ những vấn đề nội tại của Trung Quốc”, theo tiết lộ từ một nguồn tin giấu tên cho Washington Post.

Kế hoạch đặt lại tên virus corona là ví dụ điển hình cho tiếng nói tuy âm thầm mà “nặng ký” của Pottinger. Cựu nhà báo, với những trải nghiệm và định kiến gần hai thập niên trước ở Trung Quốc, đang là cố vấn quan trọng nhất tại Nhà Trắng trong cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc, theo Washington Post.

Matthew Pottinger, 46 tuổi, gia nhập chính quyền của Tổng thống Trump vào năm 2017, với vai trò giám đốc cấp cao bộ phận châu Á của NSC. Sau hơn 3 năm, ông trở thành nhân vật có vai trò quyết định trong nỗ lực tái định hướng chính sách đối với Trung Quốc, hướng đến cách tiếp cận mang tính đối đầu nhiều hơn, theo nhận định của một số nhân vật am hiểu về sức ảnh hưởng của vị quan chức.

Ngay trong năm đầu tiên làm việc cho NSC, Pottinger chấp bút xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia. Văn bản lập tức gây sóng gió khi gọi Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" và "cường quốc xét lại". Trong những trao đổi không chính thức, ông bày tỏ lo ngại nhà lãnh đạo Trung Nam Hải đang lèo lái đất nước hướng đến một hệ thống nguy hiểm với sự kiểm soát trên gần như mọi khía cạnh xã hội.

Với sự hoài nghi sẵn có, Pottinger là một trong những tiếng nói đầu tiên ở Cánh Tây của Nhà Trắng cảnh báo về đại dịch.

Theo một số nguồn thạo tin, ngay từ những ngày đầu tiên khi đại dịch mới nhen nhóm, Matt Pottinger đã trao đổi thường xuyên với anh trai mình, Paul Pottinger - chuyên gia về virus tại Đại học Washington, có tham gia điều trị những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Mỹ. Những quan sát từ tuyến đầu nhờ vậy được chuyển thẳng đến nhóm chuyên trách ứng phó đại dịch của Phó tổng thống Mike Pence.

Pottinger là người đầu tiên đề xuất với Tổng thống Trump kế hoạch cấm một số chuyến bay từ Trung Quốc sang Mỹ vào cuối tháng 1. Quyết định thường được Tổng thống Trump viện dẫn là bước đi nhìn xa trông rộng.

Không chỉ đảm bảo được dự trữ khẩu trang cho nhân viên của NSC, Pottinger còn tự dời phòng làm việc của mình từ Cánh Tây sang Nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower (EEOB), nơi tập trung phần lớn văn phòng làm việc của các cơ quan trực thuộc Nhà Trắng.

Phó cố vấn an ninh quốc gia muốn duy trì một khoảng cách với sếp trực tiếp của mình, ông Robert O’Brien, nhằm đảm bảo nếu một trong hai người nhiễm bệnh thì vị trí lãnh đạo không bị bỏ trống và NSC vẫn hoạt động bình thường.

Ông tích cực tham gia các vấn đề về mối liên hệ giữa Trung Quốc và đại dịch Covid-19. Khi Tổng thống Trump đóng băng tài trợ cho WHO vào tháng 4, với cáo buộc tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc đã thiên vị Trung Quốc và không lắng nghe cảnh báo dịch bệnh từ Đài Loan, chính Pottinger là người dẫn đầu nhóm cố vấn cho Tổng thống Trump các phương án hiện thực hóa quyết định này.

Từ hậu trường Nhà Trắng, nhân vật số 2 của NSC thúc đẩy cộng đồng tình báo xem xét nghi vấn đại dịch khởi nguồn từ một phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán chứ không phải chợ mua bán động vật hoang dã. Giả thuyết nhận được sự ủng hộ trong giới chính trị gia bảo thủ nhưng chưa được chứng minh hoàn toàn. Dẫu vậy, vị phó cố vấn an ninh quốc gia tin rằng có nhiều bằng chứng gián tiếp cho cách giải thích đại dịch bắt đầu từ sự cố trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Cùng với một số nhân vật đồng quan điểm trong Bộ Ngoại giao Mỹ, ông khuyến cáo giới chuyên gia bên ngoài Trung Quốc, những người thời gian qua phản đối cụm từ “Virus Vũ Hán”, rằng các động cơ của Bắc Kinh vẫn cần được đặt dưới lăng kính hoài nghi. Những thông điệp được đẩy lên thành lời cảnh báo sẽ có thêm nhiều thông tin chấn động khác liên quan đến cách Trung Quốc ứng phó đại dịch được công bố, theo tiết lộ từ bốn nhân vật giấu tên từng trao đổi với nhóm này qua điện thoại.

Có thể nói, đối với Matthew Pottinger, làm việc trong lĩnh vực công là một phần truyền thống gia đình.

Cha của ông, Stanley Pottinger, từng là quan chức trong Bộ Tư pháp Mỹ, thuộc bộ phận các vấn đề nhân quyền, trải qua hai đời tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford. Theo lời nhà báo kỳ cựu Bob Woodward, chính thân sinh của Matthew Pottinger đã phát hiện Mark Felt, cựu phó giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI), là "Deep Throat", nguồn tin then chốt trong loạt điều tra huyền thoại phanh phui bê bối Watergate và khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Bí mật bại lộ khi Mark Felt bị điều tra vào năm 1976 về các sai phạm không liên quan đến Watergate. Khi cậu con trai Matthew nhờ ông sắp xếp cuộc gọi với Bob Woodward để tìm hiểu về nghề báo, Stanley có chia sẻ mình đã phát hiện được nguồn tin mật nhưng chưa bao giờ hé lộ danh tính thật của "Deep Throat".

Bài học bảo vệ danh tính nguồn tin và những sức ép từ chính quyền cuối cùng cũng được Matthew Pottinger tự đúc kết khi ông làm phóng viên thường trú tại Trung Quốc cho Reuters và sau đó là Wall Street Journal từ giữa thập niên 1990 tới đầu những năm 2000.

Cuối giai đoạn đó, Puttinger phụ trách đưa tin về bùng phát dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Năm 2004, khi dịch bệnh phần lớn đã được kiểm soát, ông phanh phui một đợt tái bùng phát dịch quy mô nhỏ có liên quan đến sự cố ở một phòng thí nghiệm. Trong một bút ký trên Wall Street Journal năm 2005, Pottinger chia sẻ bản thân từng chịu sự theo dõi và đe dọa ở Trung Quốc. Ông tiết lộ có lúc phải phi tang ghi chép của mình trong nhà vệ sinh.

Theo một số đồng nghiệp cũ, kinh nghiệm từ loạt điều tra năm xưa và ý thức về cách Trung Quốc kiểm soát thông tin có thể đã định hình góc nhìn của cựu nhà báo với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, cũng như công việc của ông tại Nhà Trắng.

Năm 2019, ông có mặt trong nhóm tư vấn cho Tổng thống Trump về quyết định đưa Huawei vào "danh sách đen" của Bộ Thương mại, khiến việc hợp tác giữa gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc với các công ty Mỹ thêm khó khăn. Trong một diễn đàn được tổ chức ở Ấn Độ vào tháng 1, Pottinger viện dẫn những biện pháp trợ giá bất bình đẳng từ chính phủ Trung Quốc cho Huawei là lý do cho chính sách trên. Nhưng bên cạnh đó, Pottinger còn so sánh việc mở cửa cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc tiềm ẩn mối đe dọa tương tự việc cựu tổng thống Gerald Ford hay cựu thủ tướng Anh Magaret Thatcher giữa kỷ nguyên Chiến tranh lạnh lại đi nhờ KGB, cơ quan tình báo của Liên Xô, đến xây dùm mạng lưới viễn thông.

Matter Pottinger kết thúc sự nghiệp làm báo vào năm 2005 để nhập ngũ. Trong bài viết trên Wall Street Journal, cựu nhà báo chia sẻ ông đưa ra quyết định sau khi xem qua một video “ghê tởm” ghi lại hình ảnh công dân Mỹ bị hành quyết bởi khủng bố tại Iraq.

Khởi đầu binh nghiệp năm 31 tuổi, Pottinger không chỉ già hơn mà thể trạng cũng không bằng một ứng viên thông thường. Ông phải rèn luyện bằng cách chạy bộ dọc Vạn Lý Trường Thành, đoạn gần Bắc Kinh. Sau khi vào được trường sĩ quan dự bị ở Quantico (bang Virginia), ông có lần bị sĩ quan hướng dẫn thách hát Hành khúc Thủy quân lục chiến (Marine’s Hymm) bằng tiếng Quan thoại chuẩn. Bạn bè kể hôm đó Pottinger đã hát dõng dạc, nếu không nói là hoàn hảo.

Kết thúc huấn luyện, ông được điều động về bộ phận tình báo thủy quân lục chiến ở Iraq. Phải đến khi nhận nhiệm vụ ở Afghanistan, những tố chất của Pottinger mới được tướng Michael Flynn phát hiện.

Tướng Flynn, người sau này sẽ trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia đầu tiên của Tổng thống Trump, khi đó là người chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động tình báo quân sự. Cả hai cùng soạn thảo một bản báo cáo mang sức ảnh hưởng lớn vào năm 2010, phân tích kỹ lưỡng những biện pháp thu thập tình báo của quân đội.

Hai năm sau khi về hưu, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) trở thành cố vấn cấp cao của ông Donald Trump vào năm 2016. Chiến dịch tranh cử thắng lợi, tướng Flynn đề xuất bổ sung Pottinger, khi đó đang làm việc cho một quỹ đầu tư mạo hiểm ở New York, vào đội hình chuyển giao quyền lực, mở đường cho người "hậu bối" bước chân vào Nhà Trắng.

Tướng H.R. McMaster, người kế nhiệm tướng Flynn giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia, xem Pottinger là "trung tâm cuộc chuyển dịch chính sách đối ngoại lớn nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh lạnh, đó là cạnh tranh với Trung Quốc".

Theo lời kể của một số nguồn tin, khi còn là giám đốc cấp cao bộ phận châu Á, Pottinger luôn giữ một tấm bảng trắng cỡ lớn trong phòng làm việc. Ông xây dựng một sơ đồ vô cùng chi tiết về sự gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Biểu đồ được dán kèm những từ ngữ đậm chất quân đội như "đường hiệp lực" hay "mục tiêu chiến lược". Theo lời một đồng nghiệp cũ trong NSC, tấm bảng trắng giống như một "bản điểm", giúp Pottinger thống kê mọi hướng mà giới lãnh đạo Trung Quốc dùng để "tấn công phương Tây và cách để chúng ta phản công".

Lập trường của Pottinger nghiêng về nhóm có chủ trương cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như một số trợ lý của Tổng thống Trump, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger vẫn duy trì quan hệ công việc khá tốt với một số nhân vật then chốt trong đảng Dân chủ.

Ông không quá cực đoan và vẫn duy trì sự tôn trọng thứ bậc chỉ huy theo kiểu nhà binh. Cựu sĩ quan thủy quân lục chiến chủ trương đứng ngoài ánh hào quang và luôn cẩn thận không chiếm sân khấu dành cho những cá tính lớn hơn mình ở Cánh Tây của Nhà Trắng, theo lời kể của một số cộng sự.

Tố chất này giúp Pottinger bám trụ lại NSC trong thời gian dài. Ông tiếp tục ở lại sau khi tướng Michael Flynn, người mở đường cho ông vào Nhà Trắng, phải từ chức vì bê bối. Kể từ đó, Pottinger đã trải qua thêm hai đời Cố vấn An ninh Quốc gia và nay đã thăng tiến đến vị trí nhân vật số hai trong NSC dưới quyền Robert O’Brien, người sếp thứ tư của ông trong hơn 3 năm qua.

"Matt có sự cẩn trọng phi thường, 'Đừng thúc đẩy điều gì cho đến khi thấy rõ tổng thống đã chấp thuận'. Điều này khác hẳn nhiều nhân vật khác tại Nhà Trắng", Michael Pillsbury, chuyên gia Viện Hudson về vấn đề Trung Quốc, cựu thành viên đội chuyển giao quyền lực của ông Trump sau bầu cử năm 2016, chia sẻ.

"Matt cũng thức thời trong chuyện đồng minh và làm việc gần gũi với các nhóm tư tưởng khác nhau", ông cho biết.

Trong nhiệm kỳ qua, Tổng thống Trump được đánh giá là thiếu nhất quán trong chính sách đối với Trung Quốc. Có lúc, ông lắng nghe những quan điểm chừng mực từ nhóm cố vấn kinh tế vốn ủng hộ hợp tác thương mại, gồm cậu con rể kiêm cố vấn cấp cao Jared Kushner, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Bên còn lại là nhóm có quan điểm cứng rắn như cựu trưởng cố vấn chính trị Stephen Bannon và cố vấn thương mại Peter Navaro, những người luôn muốn thúc đẩy quá trình "tách đôi" hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhóm chừng mực có sức ảnh hưởng lớn, nhìn chung thường phản đối bản năng quyết liệt từ Pottinger và cố vấn “siêu diều hâu” Navaro.

Sự thiếu nhất quán này làm dấy lên những chỉ trích chính phủ Trump đang lao vào tình thế đối đầu với Bắc Kinh dù chưa xây dựng một chiến lược rộng hơn.

"Vấn đề nằm ở khoảng cách từ chiến lược mà Pottinger suy tính và chính sách được đưa ra trên thực tế của Mỹ", Ely Ratner, Phó chủ tịch điều hành Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), từng là cố vấn cấp cao cho Phó tổng thống Joe Biden trong chính phủ tiền nhiệm, nhận định. "Hành xử theo cách đối đầu và đơn phương sẽ không hiệu quả trừ khi bạn hợp tác với các đồng minh của mình. Điều này đồng nghĩa Mỹ cần đầu tư để duy trì tính cạnh tranh và đặt ra (với các nước khác) những lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Họ đang không làm được những điều này", Ratner đánh giá.

Theo một số cộng sự, Matt Pottinger nhận thức rõ giới hạn ảnh hưởng của ông đối với Tổng thống Trump.

"Matt không cho rằng ông đang định hướng tổng thống, nhưng ông sẽ sẵn sàng khi (ông Trump) đến thời điểm" cần đưa ra quyết định, theo lời Tim Morrison, cựu quan chức NSC từng làm việc với Matthew Pottinger.

"Ông ấy không cố qua mặt những phe cánh khác trong Nhà Trắng. Đó không phải cách làm của một người lính thủy quân lục chiến. Ông ấy tuân thủ mệnh lệnh. Ông ấy chỉ đảm bảo rằng, nếu chỉ huy yêu cầu chiếm một ngọn đồi, mình sẽ sẵn sàng để đánh chiếm ngọn đồi", Morrison ví von.

Sự hạn chế trong ảnh hưởng của Pottinger cho thấy nội bộ rối ren bên trong bộ sậu cố vấn của Nhà Trắng, dẫn đến những đề xuất đôi lúc mâu thuẫn trong chính sách với Trung Quốc.

Cạnh tranh giữa hai cường quốc đã leo thang đến ngưỡng đe dọa cản trở nỗ lực quốc tế giữa tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế và kinh tế. Cuối tháng 3, Mỹ và Trung Quốc mới hạ nhiệt căng thẳng song phương sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Washington lại chuyển mũi công kích sang WHO với quyết định trừng phạt gây tranh cãi.

Đầu tháng này, căng thẳng Washington - Bắc Kinh trong vấn đề đại dịch lại tăng nhiệt với những cáo buộc virus khởi phát từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc, vốn là giả thuyết mà Pottinger thúc đẩy cộng đồng tình báo Mỹ tìm hiểu thời gian qua.

Giới chức y tế toàn cầu và cộng đồng y tế ngày một lo ngại hợp tác ứng phó đại dịch đổ vỡ vì đối đầu chiến lược này. Kurt M. Campbell, cựu quan chức cấp cao chuyên trách các vấn đề châu Á trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, vào tháng 3 đăng bài viết trên tạp chí Foreign Affairs kêu gọi chính phủ Trump cân nhắc hợp tác với Trung Quốc giữa bối cảnh đại dịch. Ông lo ngại viễn cảnh nước Mỹ "chìm vào cuộc chiến về mặt hình ảnh xem ai ứng phó tốt hơn".

"Phần lớn những nước đang phải chống chọi với thách thức hiện nay muốn nhìn thấy thông điệp chung là nhấn mạnh tầm quan trọng về chia sẻ thách thức toàn cầu và những con đường khả thi để cùng hướng về phía trước. Vẫn còn nhiều điều Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác vì lợi ích của thế giới", ông Campbell nhận định trong bài viết cùng đứng tên với Rush Doshi, Giám đốc chương trình Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc của Viện Brookings.

Thanh Danh (theo Washington Post)
Đồ họa: Hà My Ảnh: Getty, Reuters, Washington Post.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-van-dung-sau-chinh-sach-cung-ran-cua-tt-trump-voi-trung-quoc-post1080537.html