Cổ vật hồi hương: Đường về gian nan

Những năm gần đây, với sự phát triển của Internet kết nối thông tin trên toàn thế giới, một số cổ vật quý hiếm của Việt Nam từng bị 'chảy máu', bị đánh cắp hay thất lạc đã lộ diện khi xuất hiện trong các phiên đấu giá ở nước ngoài hoặc trở thành tang vật trong một số vụ án. Một số cổ vật đã có cơ hội hồi hương, trong đó có những cổ vật được coi là 'quốc bảo' như ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' của vua Minh Mạng hay tượng đồng Nữ thần Durga... nhưng đường về cũng hết sức gian nan.

"Kỳ án tượng đồng Nữ thần Durga"

Theo thông tấn xã Việt Nam, chiều ngày 13/9/2023 (giờ địa phương) tại London (Anh) đã diễn ra lễ tiếp nhận - bàn giao pho tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay đặc biệt quý hiếm có niên đại từ thế kỷ thứ VII đã bị đánh cắp khỏi thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) năm 2008. Đây là tin vui lớn đối với ngành văn hóa - di sản, bởi vì pho tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay này từng được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.

Pho tượng đồng Nữ thần Durga được đại diện Văn phòng Cục Điều tra An ninh Nội địa Mỹ (HSI) và đại diện Cảnh sát London trao trả cho Việt Nam thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Anh. Đây là thành quả sau quá trình điều tra trong thời gian dài của HSI đối với nhà buôn Douglas Latchford trong nỗ lực chống buôn bán bất hợp pháp các cổ vật, cũng như sự phối hợp tích cực giữa HSI với Cảnh sát London để trao trả cổ vật cho quốc gia bị đánh cắp.

Tượng đồng Nữ thần Durga (nguồn: Bộ Nội vụ Mỹ).

Tượng đồng Nữ thần Durga (nguồn: Bộ Nội vụ Mỹ).

"Kỳ án tượng đồng Nữ thần Durga" có thể tóm tắt như sau: Ngày 22/6/2023, Bộ Tư pháp Mỹ đăng thông cáo giải quyết vụ kiện dân sự, tịch thu 12 triệu USD từ việc bán cổ vật Đông Nam Á mà nhà buôn cổ vật Douglas Latchford có được một cách bất hợp pháp. Theo thông cáo, năm 2019 nhà buôn Latchford bị truy tố về tội âm mưu lừa đảo có tổ chức cùng các tội danh khác, trong đó có việc bán cổ vật bị đánh cắp của Campuchia trên thị trường nghệ thuật quốc tế trong nhiều thập niên.

Từ năm 2003-2020, nhà buôn Latchford đã nhận được hơn 12 triệu USD tiền thanh toán cho việc bán cổ vật bị đánh cắp và buôn lậu từ Đông Nam Á. Ông Latchford đã sử dụng số tiền thu được từ việc bán đồ cổ bất hợp pháp để mua bức tượng đồng Nữ thần Durga với giá khoảng 2 triệu USD.

Khi ông Latchford qua đời vào năm 2020, con gái của ông là bà Julia Copleston được thừa kế từ cha mình ngoài tiền bạc còn có hơn 125 bức tượng, di vật bằng vàng mà chính quyền cáo buộc đã đánh cắp từ Đông Nam Á. Trong thỏa thuận dàn xếp vụ kiện, bà Copleston đã đồng ý trả lại 12 triệu USD, đồng ý giao bức tượng đồng Nữ thần Durga (lưu trữ tại Anh) mà cha mình đã mua bằng nguồn tiền bất hợp pháp nói trên.

Có thể thấy, sở dĩ pho tượng đồng Nữ thần Durga với niên đại 1.300 năm quý hiếm từng được rao bán trên thị trường chợ đen với giá lên tới 35 triệu Euro có cơ hội trở về Việt Nam là bởi nó "may mắn" khi là tang vật trong một vụ án.

Thông tin điều tra cho thấy, ông đã tới Việt Nam vào tháng 11/2008 để mua một tác phẩm nghệ thuật và chỉ thị cho các nhân viên ngân hàng của mình gửi khoảng 2 triệu USD vào tài khoản ngân hàng của một người có địa chỉ email tiếng Việt. Tháng 1/2009, ông Latchford gửi email cho một đại lý buôn cổ vật một bức ảnh bên dưới chụp tượng đồng Nữ thần Durga được đặt nằm ngửa, vẫn được bao phủ bởi bùn đất giống như vừa được khai quật, đồng thời khẳng định địa điểm pho tượng được tìm thấy là Mỹ Sơn của Việt Nam. Đây là căn cứ quan trọng để bức tượng đồng Nữ thần Durga được trao trả cho Việt Nam theo con đường ngoại giao sau một loạt các thủ tục, giám định cần thiết khác.

Trước kỳ án tượng đồng nữ thần Durga, trong cuộc điều tra liên quan đến một người tàng trữ trái phép cổ vật tại bang Indiana được thực hiện bởi Cục Tình báo Liên bang Mỹ (FBI), từ 7.000 hiện vật bị thu giữ, cơ quan này đã tiến hành trao trả cho Việt Nam 10 hiện vật cổ (hồi cuối năm 2022), hiện đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ.

Đường về cố quốc gian nan

Trước khi tượng đồng Nữ thần Durga được trao trả cho Việt Nam, câu chuyện hồi hương của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc năm 1823 dưới thời vua Minh Mạng cũng đã tốn không ít giấy mực của báo chí, thâm chí làm dấy lên những luồng dư luận tranh cãi.

Khi thông tin phiên đấu giá "Art Du Vietnam" (tạm dịch: Nghệ thuật Việt Nam) hãng Million diễn ra ngày 31/10/2022 sẽ tiến hành đấu giá hơn 300 tác phẩm, hiện vật có nguồn gốc Việt Nam trong đó có ấn "Hoàng đế chi bảo" với mức khởi điểm dự kiến từ 2-3 triệu Euro, đã khiến các cơ quan chuyên trách về văn hóa - di sản rất quan tâm.

Sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều cơ quan liên quan để có kế hoạch hồi hương ấn cổ thông qua con đường ngoại giao - văn hóa. Phía Việt Nam thông qua nhiều kênh trao đổi, trong đó có trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO... đề nghị can thiệp để ngừng việc đấu giá.

TS. Phạm Quốc Quân (trái) và TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" lưu giữ tại Văn phòng hãng đấu giá Million (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch)

TS. Phạm Quốc Quân (trái) và TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" lưu giữ tại Văn phòng hãng đấu giá Million (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch)

Trước sự quan tâm của nhà nước Việt Nam, hãng Million đã hai lần phải dời lịch đấu giá ấn vàng này. Sau khi phái đoàn công tác của nước ta đến Pháp và làm việc trực tiếp với hãng Million vào tháng 11/2022, hai bên đã đi đến thống nhất chuyển giao ấn "trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp", (kinh phí để đạt được đàm phán này không được tiết lộ).

Còn nhớ cách đây khá lâu, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế từng tham gia một phiên đấu giá bức tranh "Chiều tà" của vua Hàm Nghi nhưng thất bại vì mức giá được đẩy lên quá cao (giá khởi điểm là 6-800 Euro, giá chốt là 8.800 Euro).

Sau đó, lần thứ 2 tham gia đấu giá vào năm 2015, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã thành công với chiếc xe kéo tay vua Hàm Nghi đặt hàng làm tặng mẹ là Hoàng thái hậu Từ Minh với giá 44.000 Euro (khoảng 1,5 tỉ đồng), còn chiếc long sàng của vua Thành Thái cùng trong phiên đấu giá được đẩy lên 124.000 Euro nên Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đành ngậm ngùi bỏ qua vì không đủ tiền (chiếc long sàng này được cho là đã bán một người cháu ngoại của vua Thành Thái ở nước ngoài).

Năm 2022 vừa qua, cũng tại một phiên đấu giá diễn ra tại Tây Ban Nha, một tập đoàn đã đấu giá thành công chiếc mũ quan đại thần triều Nguyễn với giá 600.000 Euro và chiếc áo Nhật Bình với giá 160.000 Euro.

Do chiến tranh và những biến thiên của lịch sử, nhiều cổ vật, tranh, tượng… có giá trị của Việt Nam đã bị lưu lạc ra nước ngoài và con số có cơ hội hồi hương là rất ít ỏi. Phần nhiều trong số đó thuộc các bộ sưu tập cá nhân, vì thế đối với những hiện vật có giá trị biểu trưng cho lịch sử - văn hóa, nếu muốn sở hữu, Việt Nam chẳng có cách nào khác là phải bỏ tiền ra mua hoặc tiến hành đàm phán để mua được với giá thấp nhất có thể.

Tuy nhiên, việc mua hay không mua hiện vật nào đều phải nằm trong tính toán khoa học, kỹ lưỡng, bởi lẽ số tiền bỏ ra để sở hữu những hiện vật có giá trị ấy là không hề nhỏ và nguồn ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Chính vì thế, việc kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực tham gia, ủng hộ việc đưa các cổ vật có giá trị lịch sử - văn hóa trở về Việt Nam là rất cần thiết và đáng được biểu dương.

Cho đến nay, câu chuyện về chuông chùa Ngũ Hộ (Bắc Ninh) đã được các tổ chức, cá nhân vận động quyên góp mua ở Tokyo (Nhật Bản) và hiến tặng về nước năm 1978 vẫn được nhiều người nhắc đến. Một kết thúc có hậu khác là câu chuyện về 2 cổ vật là mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình sau khi được đấu giá thành công, chủ sở hữu đưa về Huế tặng lại cho Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và được trưng bày một thời gian dài tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/co-vat-hoi-huong-duong-ve-gian-nan-i708008/