Cổ vật Satsuma thật và giả qua những siêu phẩm gốm tranh cực đại
Cổ vật Satsuma toát lên vẻ yêu kiều mềm mại, ấm áp của đất nung, men rạn nhuyễn màu trắng ngà với tác phẩm nghệ thuật ngoạn mục vẽ mực bút lông và phủ vàng thật trên đó.
Nghệ thuật hội họa Đông Tây: một trân ngoạn phẩm hiếm hoi
Tuy nhiên, không phải sản phẩm ngày nay chúng ta gọi là “Satsuma” đều đến từ vùng Satsuma, bởi nó có thể được sản xuất hoặc trang trí ở Kyoto, Yokohama, Tokyo và các vùng khác, nhưng trường phái Kyo-Satsuma là tiêu biểu, chinh phục thị hiếu phương Tây nhiều nhất. Những sản phẩm mỹ thuật Satsuma tân và cổ được đánh giá tuyệt mỹ nhất thuộc giai đoạn 1830-1930, đã trở thành trân ngoạn phẩm hiếm hoi.
Ngày nay, cổ vật Satsuma được giới sưu tập phổ biến đa phần ở giai đoạn 1897-1917, “Cuối Minh Trị” hoặc “Đầu Taisho” - khi gốm Satsuma đã biểu hiện suy tàn do tác động khủng hoảng chiến tranh thế giới lên thị hiếu phương Tây, và Nhật Bản chuyển đổi sang chế độ quân phiệt.
Cổ vật Satsuma tuy không bao hàm những sản phẩm phải sản xuất tại vùng Satsuma, nhưng thường có ít nhất huy hiệu triện chữ thập trong vòng tròn nhũ vàng hoặc xanh của gia tộc Shimazu (島津) dưới đáy. Bởi khi một gia tộc khác muốn có quà biếu ngoại giao hoặc chế tác đặc trưng gia bảo xứng tầm, bảo vật sẽ được gắn huy hiệu của gia tộc đó lên phía cổ bình hay nắp chóe. Những sản phẩm này thường do các nghệ nhân bậc thầy làm ra và/hoặc thường được lưu ở một bảo tàng tư nhân hay tư gia rêu phong trầm mặc của một quý tộc, quan chức cũ phương Tây nào đó.
Lịch sử và chất lượng cổ vật Satsuma hấp dẫn nhà sưu tập giàu có không chỉ bởi tính độc hiếm, mà còn gợi nhắc vàng son vương giả thời hậu kỳ cận đại trước cuộc Cách mạng công nghiệp - cơ khí được thực hiện.
Siêu phẩm qua những thương hiệu nghệ nhân
Ngày nay, gốm Satsuma được sưu tập đa phần là gốm Satsuma phiên bản xuất khẩu ra thế giới từ 1862, và đặc biệt gắn liền với ngoại giao Minh Trị qua những siêu phẩm gốm lớn, đại diện quốc gia viễn đông hội nhập vào phương Tây tư bản, thông qua các cuộc đấu xảo hoặc tham dự hội chợ thương mại quốc tế.
Thành công vang dội từ hội chợ Viên (Áo) năm 1873 tạo nên làn sóng khát khao tranh gốm dát vàng của giới nhà giàu phương Tây, và được nghệ nhân Nhật Bản đáp ứng hoàn mỹ trong giai đoạn đất nước chuyển mình, nghề thủ công mỹ nghệ đã không còn được các lãnh chúa tài trợ sau giai đoạn chuyển giao binh quyền và thống nhất 1867-1868, đặc biệt chấm dứt hẳn kể từ chính biến Satsuma năm 1877.
Với chính sách đề cao nghệ nhân và họa sĩ, Minh Trị cho phép khắc, in danh vị tài hoa vào những tác phẩm hội họa trên đất nung Satsuma. Thú đam mê của nhà sưu tập là sẽ tìm kiếm bằng chứng xuất xứ và niên đại gắn liền tên tuổi trân ngoạn phẩm đầu tiên, trước khi thẩm định những nét vẽ, hồi văn và khả năng phủ vàng hài hòa lên toàn bộ tác phẩm.
Thí dụ nếu gặp dấu triện Taizan-zo (帯山造) bên cạnh Dai Nippon (大日本) và Satsuma (薩摩), nhà sưu tập sẽ biết nghệ nhân Taizan Yohei IX (帯山 陽平,1856-1922) làm (zo) tác phẩm gốm Satsuma này phải trước năm 1922. Nếu biết thêm Taizan đã đóng cửa lò nung gốm năm 1894, thì các siêu phẩm ấn tượng của ông được tạo tác không muộn hơn năm 1894 - khoảng giữa của 100 năm vàng son chói lọi “gốm sứ Satsuma Nhật Bản” (1830-1930). Điều đó cũng có nghĩa là các vật phẩm chỉ có chữ ký sơn mà không có dấu gốm chìm, hoặc được đánh dấu bằng ký hiệu tem nhãn khác có thể được làm giai đoạn 1894-1922.
Hay nếu gặp tác phẩm tinh xảo có dấu triện Keida-Kinsei (慶田 謹製), cẩn chế cạnh một Kaki-han ở dưới cùng, dấu đỏ không thể đọc được của nghệ nhân/thợ gốm, giúp xác định niên đại trước năm 1920. Bởi nghệ nhân Keida Masataro (慶田政太郎, 1852-1924) nổi tiếng là thợ gốm Satsuma giỏi nhất tỉnh Kagoshima, sản phẩm tinh xảo của ông được trưng bày Triển lãm Saint Louis 1904, Triển lãm Nhật Bản và Anh năm 1910, cùng với các tác phẩm của các nghệ nhân/họa sĩ nổi tiếng như Kinkozan Sobei VII (錦光山 宗兵, 1867–1927), Ito Tozan I (伊東 陶山, 1846-1920) và Suwa Sozan I (諏訪 蘇山, 1852-1922); sau đó được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế Thái Bình Dương Panama năm 1915.