Cờ vua Việt Nam và vận hội tại Olympiad

Giành chiến thắng trước các đối thủ đã và đang ngự trị ngôi số 1 châu Âu, thế giới và Olympiad như Stefanova Antoineta, Ding Liren, tuyển nữ Bulgaria hay tuyển nam Uzbekistan, cờ vua Việt Nam tạo được ấn tượng mạnh tại đấu trường Olympiad 2024

Trong lịch sử tham dự Olympiad cờ vua (tương đương World Cup của môn bóng đá), thành tích tốt nhất của đội tuyển Việt Nam là xếp hạng 7 nội dung nữ năm 2014 và giành thứ hạng tương tự ở nội dung nam năm 2018.

Mục tiêu tiến xa nhất có thể

Cờ vua chưa có tên trong chương trình thi đấu của các môn thể thao Olympic nhưng Olympiad cờ vua lại là sự kiện thể thao đồng đội có quy mô lớn nhất hành tinh. Diễn ra 2 năm một lần, Olympiad cờ vua luôn có sự góp mặt của trên 150 đội nam cùng trên 150 đội nữ với số lượng vận động viên tham gia khoảng 1.500 người.

Olympiad cờ vua 2024 diễn ra tại Budapest - Hungary từ ngày 10 đến 23-9, đánh dấu 100 năm hình thành và phát triển của giải đấu này. 196 đội tuyển nam và 183 đội tuyển nữ tham dự giải là các con số kỷ lục trong lịch sử Olympiad. Ngoài 2 đoàn Nga và Belarus vắng mặt vì lệnh cấm của Liên đoàn Cờ vua Thế giới (FIDE), giải năm nay hội tụ gần như đầy đủ các anh tài làng cờ vua - môn thể thao phát triển rất mạnh những năm gần đây.

Tuyển cờ vua Việt Nam tạo ấn tượng mạnh tại Olympiad 2024. Ảnh: MINH CHÂU

Tuyển cờ vua Việt Nam tạo ấn tượng mạnh tại Olympiad 2024. Ảnh: MINH CHÂU

Việt Nam tham dự Olympiad với đội hình mạnh nhất, nam có Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Tuấn Minh, Trần Tuấn Minh, Bành Gia Huy còn nữ gồm Phạm Lê Thảo Nguyên, Võ Kim Phụng, Lương Phương Hạnh, Lê Thanh Tú, Bạch Ngọc Thùy Dương. Cờ vua Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào Top 20 ở cả bảng nam lẫn bảng nữ, nếu thời cơ thuận lợi sẽ tiến xa nhất có thể.

Cuộc chiến cam go

Cùng thắng cả 3 vòng đấu mở màn, hành trình của đội nam và đội nữ Việt Nam sau đó đi theo các ngã rẽ khác nhau nhưng có chung một dấu ấn: Đánh bại những đối thủ đã và đang ngự trị ngôi số 1 châu Âu, thế giới, Olympiad như Stefanova Antoineta, Ding Liren, tuyển nữ Bulgaria hay tuyển nam Uzbekistan.

Thắng nhà đương kim vô địch Olympiad là tuyển Uzbekistan ở vòng 4, đội nam Việt Nam duy trì thành tích bất bại sau 6 vòng. Cộng thêm chiến thắng của Lê Quang Liêm trước "vua cờ" Ding Liren (Trung Quốc), đội nam Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Olympiad chạm tay đến vị trí thứ nhì trên bảng tổng sắp sau hơn nửa chặng đường.

Thi đấu theo thể thức Thụy Sĩ - chỉ có thể gặp các đối thủ từ mạnh đến mạnh hơn qua từng vòng, đội nam Việt Nam không thể thắng trong 4 vòng đấu liên tiếp khi chạm trán Iran, Na Uy, Anh và Tây Ban Nha. Lê Quang Liêm không ra sân vòng cuối và Nguyễn Ngọc Trường Sơn cùng đồng đội quyết giành một vị trí trong Top 20 như mục tiêu đề ra khi chỉ phải gặp đối thủ yếu Canada lượt trận thứ 11.

Hành trình tại giải của tuyển nữ Việt Nam dù chông chênh nhưng lại triển vọng hơn các đồng đội nam. Có thời điểm đội rơi xuống tận vị trí 23 trên bảng xếp hạng nhưng cho đến vòng đấu áp chót, Phạm Lê Thảo Nguyên và đồng đội tràn trề hy vọng lọt vào Top 10 dù đối đầu với ê-kíp hùng mạnh Trung Quốc ở trận đấu cuối cùng. Trung Quốc không cử đến giải 4 "nữ tướng" mạnh nhất nên không có cơ hội tranh chấp huy chương.

Thành quả và bài học kinh nghiệm

Luận thành bại trong thể thao là điều bình thường và cần có để nhìn ra đường hướng phát triển. Cờ vua Việt Nam tiếp thu rất nhiều bài học bổ ích từ các đối thủ đa dạng, từ rất nhiều trường phái và cả xu thế của cờ vua hiện đại.

Lê Quang Liêm có thời điểm được cộng đến 9 Elo, tính hiệu số tức thì đã vượt lên vị trí 12 thế giới. Nguyễn Ngọc Trường Sơn nổi tiếng "vua hòa" sau 10 vòng, đạt rating lên đến 2.737. Lê Tuấn Minh chơi nổi bật nhất, bất bại 10 vòng và đạt rating trên 2.780, tức vượt cỡ 200 so với Elo thực của anh. Giới chuyên môn từng xem Minh là kiện tướng (IM) hay nhất thế giới và chàng trai này khẳng định lực cờ tăng tiến từng ngày, tranh chấp quyết liệt tấm huy chương ở bàn 3.

Tại bảng nữ, kỳ thủ 21 tuổi Bạch Ngọc Thùy Dương bất bại qua 9 vòng, đạt rating trên 2.330 và "tăng" trên 30 Elo ở lần tham dự kỳ Olympiad thứ ba trong sự nghiệp. Kỳ thủ số 1 Phạm Lê Thảo Nguyên vẫn là cánh chim đầu đàn bởi lực cờ ổn định và kinh nghiệm, để lại dấu ấn bằng việc giành chiến thắng trước cựu nữ hoàng châu Âu và thế giới Stefanova Antoineta.

Đào Tùng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/co-vua-viet-nam-va-van-hoi-tai-olympiad-196240922201544712.htm