Co-working space đi nhanh hơn sau 'bão'
Khó khăn là điều không tránh khỏi, nhưng Covid-19 cũng khiến các đơn vị phát triển văn phòng chia sẻ (co-working space) đi nhanh hơn sau 'bão'.
Không gian làm việc chung (co-working space) tại Toong Tràng Thi. Ảnh: Đức Thanh
Bật dậy sau dịch
Vừa hết giãn cách xã hội, Công ty Phát triển dịch vụ văn phòng chia sẻ Dreamplex tại TP.HCM gấp rút hoàn tất dự án mở rộng thị phần ra Hà Nội. Ngay những ngày đầu tháng 5/2020, Dreamplex đã đưa vào hoạt động và ký hợp đồng với khách thuê tại khu co-working space 6 tầng với tổng diện tích 3.400 m2 nằm trong tòa tháp TTG trên phố Thái Hà, quận Đống Đa.
Theo đại diện Dreamplex, sản phẩm cho thuê được định vị mang đến trải nghiệm sang trọng, ấn tượng chưa từng có cho doanh nghiệp thuê với không gian xanh và các khu vực chung đẹp, kích thích sự giao lưu tương tác giữa các thành viên, bên cạnh các phòng họp và không gian sự kiện rộng lớn, là nơi lý tưởng tổ chức hội thảo, buổi chia sẻ truyền cảm hứng hoặc sự kiện quy mô lớn. Giá thuê văn phòng tại Dreamplex Thái Hà vì thế không giảm.
Được biết, ngoài chuyện “Bắc tiến” ra Hà Nội, Dreamplex cũng đang tăng tốc với kế hoạch mở rộng thị phần tại TP.HCM bằng việc đưa vào hoạt động một khu văn phòng chia sẻ ở quận 2 trong năm nay.
Nhiều cái tên khác trong lĩnh vực co-working space như Toong, CoGo cũng tiến nhanh sau Covid-19. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Toong cho biết, đơn vị này đang phối hợp với đối tác để gấp rút hoàn thành hai dự án co-working space tại khách sạn Wink Hotel trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) và đường Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM).
Trên thực tế, co-working space đã gặp “thiên thời”, bởi Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tiết giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các start-up. Những đơn vị như Dreamplex, Toong vẫn duy trì ổn định lượng khách thuê, trong khi số lượng khách trả mặt bằng không nhiều.
Theo đánh giá của bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Tư vấn và Nghiên cứu của Savills Hà Nội, trong 5 năm gần đây, phân khúc co-working space có số lượng đơn vị tăng nhanh, thường tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Riêng Hà Nội có 40 đơn vị phát triển phân khúc này.
Dưới tác động của Covid-19, công suất thuê của phân khúc co-working space tuy có giảm trong quý I/2020 do đặc thù thời hạn cho thuê ngắn và hợp đồng linh hoạt, nhưng khi dịch bệnh được khống chế, phân khúc này lập tức “bung lụa”, nhanh chóng lấy lại những gì đã mất.
Rộng đường phát triển
Theo Savills Hà Nội, trong bối cảnh đại dịch trên thế giới chưa hoàn toàn được dập tắt, nhưng Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt, lĩnh vực co-working space vẫn có cơ hội tăng trưởng. Hiện một số nhà phát triển dịch vụ co-working space đang tính đến việc cơ cấu lại hệ thống các địa điểm đang mở tùy thuộc hiệu quả hoạt động của từng vị trí.
Khác với văn phòng truyền thống khi yêu cầu sự đầu tư ban đầu lớn cũng như sự ổn định về tài chính của công ty, co-working space là giải pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng lúc này. Với thế mạnh là tiền thuê thấp, tiền đặt cọc ít, thời gian thuê không quá dài, nhưng được đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị làm việc, giải trí. Những yếu tố trên giúp cho co-working space có thể phục hồi và phát triển trong thời kỳ nhiều doanh nghiệp đang phải thu hẹp quy mô, cắt giảm chi phí.
Báo cáo của CBRE đánh giá, thị trường co-working space tại Việt Nam trong thời gian gần đây vẫn đang trên đà tăng trưởng nhanh. Với trên 90% doanh nghiệp trên thị trường là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng làn sóng khởi nghiệp đã đem lại số lượng khách hàng đông đảo cho mô hình văn phòng này.
Ông Lê Văn Hưng, giám đốc một công ty tư nhân cho biết, thuê co-working space, chi phí khoảng 60 - 90 USD/m2/tháng, tuy đắt hơn văn phòng bình thường, song thực chất, khi thuê tại các co-working space, chủ đầu tư đã trang bị mọi thứ từ bàn ghế, trang thiết bị, các phòng chức năng, doanh nghiệp không cần đầu tư gì thêm. Do đó, tưởng là đắt, nhưng lại rẻ và tiết kiệm chi phí hơn so với văn phòng truyền thống.
Nếu muốn nhanh tay chớp cơ hội từ sự dịch chuyển sang co-working space, bà Đỗ Thị Thu Hằng khuyến cáo, các đơn vị phải tính đến việc điều chỉnh mô hình kinh doanh hướng tới các đối tượng doanh nghiệp lớn hơn và nhiều lao động hơn. Hơn nữa, cần chú trọng vào việc phát triển cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội và kết nối doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
“Đến năm 2024, thế hệ Millennials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 - 2000) sẽ chiếm 75% lực lượng lao động. Nhóm người này quan tâm đến các văn phòng khác nhau, cách thiết kế văn phòng và các tiện ích bổ sung là những yếu tố thu hút nhóm lao động này”, bà Hằng nói.
Theo đại diện Dreamplex, để phủ sóng mạng lưới khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài mới thâm nhập thị trường Việt Nam, đơn vị này đang nhanh chóng đa dạng hóa các sản phẩm cho thuê với xu hướng không đơn thuần là bán chỗ ngồi cho khách thuê, nhất là khách thuê trẻ tuổi, mà đem đến không gian làm việc thoải mái, đi kèm các hoạt động kích thích tinh thần làm việc sáng tạo và hiệu quả cho người lao động, chẳng hạn hoạt động Halloween, sinh nhật…
Điều này cũng được CBRE Việt Nam lưu tâm các đơn vị phát triển co-working space khi cho rằng, các tòa nhà với đặc tính bền vững và thân thiện với sức khỏe, liên quan đến chất lượng không khí, hệ thống thông gió và các đặc điểm môi trường bên trong tòa nhà nhằm tăng cường sự thoải mái của nhân viên, sẽ thu hút nhiều nhu cầu thuê hơn trong dài hạn.
Lê Quân
Co-working Việt Nam đang đi nhanh
Co-working, thị trường Việt Nam hấp dẫn hàng đầu châu Á
Workthere chính thức có mặt tại Việt Nam