Cỏ xâm lấn là nguyên nhân xảy ra thảm họa cháy rừng ở Hawaii?
Một số nhà khoa học nhận định thảm họa cháy rừng ở Hawaii (Mỹ) là do cỏ xâm lấn mọc tràn lan, bao phủ 25% diện tích đất tại Hawaii. Những loại cỏ này phát triển nhanh vào mùa mưa khi thời tiết ẩm ướt và trở nên khô héo vào mùa hè khi có hạn hán xảy ra.
"Thủ phạm" khiến xảy ra cháy rừng ở Hawaii là cỏ xâm lấn?
Tính đến nay, các đám cháy bùng phát dữ dội trên đảo Maui, Hawaii vào ngày 8/8 đã tàn phá thị trấn du lịch Lahaina, làm hư hại hàng nghìn công trình và giết chết ít nhất 106 người. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến cháy rừng ở Hawaii trở nên thảm khốc và yếu tố khiến ngọn lửa trở nên dữ dội hơn là do cỏ xâm lấn.
Vài năm trước, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, các loại cỏ xâm lấn bao phủ 1/4 diện tích đất của quần đảo Hawaii sẽ có nguy cơ gây hỏa hoạn lớn trong tương lai.
Cụ thể, trong một báo cáo vào tháng 7 năm 2021 về phòng chống cháy rừng của Ủy ban Chính phủ Maui đã cảnh báo các loại cỏ không phải bản địa, có nguồn gốc từ nơi khác xâm lấn, lan rộng ở Hawaii vào mưa và khô héo vào mùa hè hoặc khi hạn hán sẽ là yếu tố gây hỏa hoạn. Bởi khi ở trạng thái khô, chúng rất dễ cháy.
Đồng thời báo cáo cũng chỉ ra rằng, việc mọc tràn lan của loài cỏ xâm lấn này trên các cánh đồng mía bỏ hoang sẽ cung cấp một nguồn nhiên liệu dễ cháy và bốc cháy rất nhanh. Vì vậy, cần phải giải quyết tình trạng cỏ xâm lấn.
"Trong gần 200 năm, nền kinh tế Hawaii phụ thuộc nhiều vào trồng mía và dứa. Nhưng từ những năm 1860 đến cuối những năm 1990, diện tích đất trồng bắt đầu giảm khi bang này chuyển đổi sang lấy du lịch làm chủ đạo. Nhiều vùng canh tác rộng lớn bị bỏ hoang. Năm 2016, trang trại mía cuối cùng của Hawaii có diện tích 14.570 ha đóng cửa", Clay Trauernicht - chuyên gia về hệ sinh thái và hỏa hoạn tại Đại học Hawaii cho biết.
Khi được hỏi liệu các loại cỏ không phải của bản địa có phải là nguyên nhân khiến đám cháy ở đảo Maui trở nên tồi tệ hơn hay không, chuyên gia Trauernicht nói rằng, canh tác đất hoặc chăm sóc đất sẽ giúp hạn chế việc cháy rừng. Khi không có nông dân chăm sóc đất, các loại cỏ không phải bản địa sẽ lan rộng.
"Khi thời tiết ẩm ướt, rất nhiều thảm thực vật, nhất là cỏ xâm lấn mọc và phát triển rất nhanh. Sau đó vào mùa khô, cỏ sẽ chuyển từ màu xanh sang vàng rồi nâu khá nhanh. Và cỏ xâm lấn chính là yếu tố có sức tàn phá mạnh mẽ, khiến thiệt hại về người và của trở nên nặng nề hơn khi xảy ra cháy rừng", chuyên gia Trauernicht nói.
Katie Kamelamela - nhà dân tộc học tại Đại học bang Arizona cho biết các đồng cỏ không phải của người bản địa bao phủ 25% diện tích đất Hawaii, chủ yếu ở phía tây, nơi có nhiều điểm du lịch, bao gồm cả thị trấn nghỉ dưỡng Lahaina. Các loại cỏ xâm lấn bao gồm: cỏ Guinea, cỏ mật và cỏ Cenchrus setaceus (cỏ đài phun nước)... rất dễ gây cháy lớn. Được biết, những loại cỏ này ban đầu được dùng để nuôi gia súc và làm vật trang trí.
Sau khi lửa quét qua, nhiều loài đã thích nghi để phục hồi nhanh chóng, trở thành những loài đầu tiên sinh sôi trở lại trên vùng đất bị thiêu đốt, lấn át thực vật bản địa. Chu kỳ "cỏ - cháy" này khiến loại cỏ xâm lấn phát triển dồi dào hơn sau hỏa hoạn, làm cho các vùng đất sau đó càng dễ cháy hơn.
Cháy rừng ở Hawaii không phải điều biết ngờ
Giáo sư, nhà khí hậu học Abby Frazier cho biết: "Đầu năm 2023, thời tiết ẩm ướt giúp cỏ phát triển. Sau đó chúng ta trải qua một mùa hè khô hạn với hạn hán vừa phải ở Maui trong khoảng 1 tháng nay. Xét về số lượng người thiệt mạng trong vụ cháy rừng ở Hawaii thì đó là điều tồi tệ mà tôi không thể tưởng tượng. Tuy nhiên, thảm họa cháy rừng này không phải là điều bất ngờ".
Nguyên nhân gây ra đám cháy ở Hawaii vẫn đang được các nhà nghiên cứu phân tích, nhưng cũng theo Giáo sư Abby Frazier, một yếu tố khiến cháy rừng ở Hawaii như tận thế là bắt nguồn từ cỏ xâm lấn. Bởi có thể thấy tốc độ của đám cháy qua những đồng cỏ xâm lấn rất nhanh.
Cả chuyên gia Clay Trauernicht và Giáo sư Trauernicht đều cho rằng, không thể biết điều gì sẽ xảy ra nếu diệt cỏ xâm lấn. Tuy nhiên, việc làm giảm phạm vi bao phủ của cỏ xâm lấn bằng cách cho động vật ăn hoặc trồng trọt có thể sẽ chế ngự được cường độ của đám cháy.
Mặt khác, Giáo sư môi trường tại Đại học Hawaii - ông Camilo Mora nhận định nguyên nhân của đám cháy còn do thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Theo Giáo sư Camilo Mora, các loại cỏ xâm lấn phát triển nhanh hơn các loại cây bản địa và càng nhiều khí thải CO2, cỏ xâm lấn càng dễ phát triển.
Hawaii là một quần đảo nằm cách đất liền của Mỹ khoảng 3.200 km về phía tây. Quần đảo này gồm 8 đảo chính, trong đó có đảo Hawaii (hay còn được gọi là đảo Lớn). Đảo Maui hay còn gọi là "đảo thung lũng" nằm ở phía đông đảo Hawaii với hơn 168.000 dân và là hòn đảo lớn thứ hai trong quần đảo Hawaii của Mỹ.
Ngày 8/8, thảm họa đã ập xuống hòn đảo xinh đẹp này sau khi các đám cháy đồng loạt bùng lên và lan rộng bất thường. Nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển lửa, hàng nghìn người phải bỏ chạy, nhảy xuống biển hoặc sơ tán để thoát khỏi ngọn lửa hung dữ.
Theo Thống đốc bang Hawaii - Josh Green, đây là thảm họa thiên nhiên lớn nhất Hawaii từng hứng chịu và cũng sẽ là một thảm họa thiên nhiên mà sẽ phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi.
Nguồn: The Guardian