Cocobay 'vỡ trận': 'Cam kết lợi nhuận trên 10% hầu hết có vấn đề'

Nếu một doanh nghiệp chào bán sản phẩm condotel phải thuê đơn vị vận hành mà cam kết lợi nhuận lên đến trên 10% là có vấn đề, chuyên gia nhận định.

Sự thất bại của dự án Cocobay Đà Nẵng chính là một bài học lớn cho các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường condotel. Đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ đơn giản là mua một sản phẩm và nhìn vào cam kết lợi nhuận “trên trời” của chủ đầu tư.

Cocobay cam kết lợi nhuận lên tới 12%/năm trong vòng 8 năm là mức rất khó để đạt được. Thực tế, ngay cả những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp và có một hệ sinh thái hoàn chỉnh như VinGroup mức cam kết lợi nhuận đưa ra cũng chỉ 10%/năm và cam kết trong vòng 3 năm đầu.

 Sau Cocobay, nhà đầu tư có nên đầu tư vào condotel?

Sau Cocobay, nhà đầu tư có nên đầu tư vào condotel?

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh nhà ở của công ty phân tích Savills Hà Nội, cú ngã của Cocobay Đà Nẵng là một bài học để các nhà đầu tư phải thận trọng hơn trước khi rót tiền vào sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, câu chuyện của Cocobay chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp. “Cocobay không phải là dấu hiệu vỡ trận của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mà là cho thị trường những bài học để tồn tại”, ông Hiển chia sẻ quan điểm.

Cũng theo ông Hiển, quản lý vận hành sau bán hàng mới là quan trọng. Các nhà đầu tư cần phải biết sau bán hàng thì quản lý vận hành sẽ triển khai như thế nào? Ai sẽ là người tiếp quản trực tiếp? Bởi vì những người tiếp quản chính là người mang lại lợi nhuận cam kết cho các nhà đầu tư chứ không phải chủ đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng, trường hợp ở dự án Cocobay Đà Nẵng là rủi ro nhưng không phải trường hợp điển hình và rộng mà chỉ là cá biệt trong một dự án có cam kết lợi nhuận quá cao, trong khi lựa chọn khu vực đầu tư quá lớn, không đủ sức “gánh”.

Liên quan đến mức lợi nhuận cam kết của Condotel, theo bà Trần Thị Mỹ Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vinhomes, lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh khách sạn chỉ ở mức 5-6%/năm. Đối với các dự án thuê đơn vị quản lý chi phí phải chi trả lên đến 3-4%. Vì vậy, nếu một doanh nghiệp chào bán sản phẩm condotel phải thuê đơn vị vận hành mà cam kết lợi nhuận lên đến trên 10% là có vấn đề.

Ngược lại, đối với những đơn vị có tiềm lực, có khả năng đặc biệt trong việc tự quản lý, khai thác phát triển khách sạn thì mức cam kết 10%/năm là hợp lý và chấp nhận được.

Cũng theo bà Lộc, với đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, việc cam kết thời gian bao lâu phụ thuộc vào hệ sinh thái đã có sẵn tại khu vực đó.

Ví dụ, ba dự án condotel được xây dựng tại Đà Nẵng và Nha Trang được xây dựng cùng lúc với hệ sinh thái Vinpearl, nên chủ đầu tư xác định 5 năm là khoảng thời gian an toàn để các sản phẩm condotel đi vào hoạt động ổn định và đem lại dòng lợi nhuận cho khách hàng.

Còn tại Phú Quốc, chủ đầu tư đã có sẵn hệ sinh thái hoạt động và vận hành ổn định, vì vậy chỉ 3 năm sau là khách hàng có thể an tâm với lợi nhuận từ sản phẩm đầu tư. Đây là lý do các sản phẩm condotel tại Phú Quốc sử dụng hình thức cam kết lợi nhuận trong vòng ba năm.

Chia sẻ về việc đầu tư condotel, các chuyên gia đều cho rằng, sau Cocobay, các nhà đầu tư phải rất thận trọng trước khi xuống tiền mua bất cứ một sản phẩm nào. “Các nhà đầu tư không nên chỉ nhìn cam kết lợi nhuận cao mà quên đi các yếu tố như năng lực chủ đầu tư, tiềm năng của dự án và khả năng khai thác, vận hành sau khi đi vào hoạt động”, ông Dương Đức Hiển cho hay.

Châu Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cocobay-vo-tran-cam-ket-loi-nhuan-tren-10-hau-het-co-van-de-d513949.html