'Cởi bỏ' ý nghĩ để chơi đùa với chính mình
Đọc thơ Bùi Xuân Mẫn trong 'Đi về phía mặt trời' sẽ thấy những mối bận tâm từ chủ thể vẫn dính mắc tới xung quanh, kết nối với thế sự, với đất trời và tình yêu. Điều giá trị nhất là tác giả đã tạo ra được một sân chơi để vui đùa với chính mình.
Tác giả Bùi Xuân Mẫn thuộc thế hệ 8X, với không ít người trẻ quan niệm rằng những gì không liên quan tới mình thì hầu như chẳng mấy bận tâm. Đọc thơ Bùi Xuân Mẫn trong tập thơ Đi về phía mặt trời (NXB Hội nhà văn, tháng 4/2024), lại thấy khác, bởi cái sự bận tâm từ chính mình ấy, vẫn dính mắc tới xung quanh, vẫn kết nối keo sơn với thế sự, với đất trời, với tình yêu và cả những điều hư vô.
Từ muôn điều chạm tới mình, có thể từ hiện tượng tự nhiên như cơn gió, hạt mưa, sóng biển, hay là từ một tác nhân bất chợt như ánh mắt người con gái lướt qua, cũng khiến tâm hồn nhạy cảm của tác giả ngân rung thành những vần thơ chứa đựng nhiều suy tưởng.
Bùi Xuân Mẫn như người họa sĩ đôi khi lang thang tìm chất liệu, đôi khi ở ẩn chìm sâu vào chính mình, và chỉ cần một cánh hoa khẽ cựa mình, đánh động làn gió, lẻn lấy đi chút hương cũng khiến những dòng chảy thơ tràn ngập mọi tế bào.
Thơ của Bùi Xuân Mẫn là dòng nhật ký cuộc đời. Vui buồn bộc bạch ra trên trang giấy, kể cả những nỗi hoang mang của con người đi tìm chính mình. Từng chữ chất nặng ưu tư, khắc khoải, ngập ngừng, tự giục mình tiến bước rồi lại tự mâu thuẫn. Khi tự mâu thuẫn, là chính lúc tâm hồn đang dần hoàn thiện, nuôi dưỡng sự phát triển. Và khi chưa thể biết chắc thì hãy cứ “đi về phía mặt trời”. Dẫu biết rằng, cuộc đi nào, sự khám phá nào cũng tiến về cái đích bên trong, trở về với bản thể, nhưng rồi ai cũng không thể tránh được tiếng gọi bí ẩn, để dấn bước lên đường.
“Trên con đường gió lộng
mưa rơi sương khuya
bước đi
lòng chứa chan hy vọng
can đảm, hãnh diện và vinh dự
với triều dương sức mạnh của mình
từ lòng chân thành
khát vọng nơi trái tim
Trượt té bao lần
mà vẫn cố gắng đứng dậy
tiếp tục bước đi, đi mãi!”
(Tuổi trẻ)
Trên con đường thơ của mình, nỗi cô đơn là không tránh khỏi, nhưng cô đơn cũng là một tài sản, cho tác giả chìm sâu vào suy tưởng, tập trung vào tiếng nói bên trong. Từ đó, mà tìm ra “đạo”. Những suy tưởng ấy gần với Lão giáo, để cuộc đi trong tâm tưởng của tác giả, dù miên man nhưng không lạc lối. Những mâu thuẫn ấy, chỉ là hai mặt của cùng một vấn đề. Những ý nghĩ cứ cởi dần ra mọi lớp vỏ bọc, để tâm hồn chân thực của người viết được giải phóng và cất lên tiếng thơ. Khi đó, mọi điều đều trở nên lung linh đẹp đẽ, như ta tìm thấy người yêu, để ta trở thành tình yêu của ai đó.
“Một trong những ngôi sao kia
đẹp nhất, sáng nhất, lạc mất đường
đã đến tựa vào vai tôi để ngủ….
Để khởi đầu cho sự hòa hợp
Tình yêu hiểu tình yêu
hai dòng chảy về một bể”
(Thị kiến)
Sau cùng điều giá trị nhất là Bùi Xuân Mẫn đã tạo ra được một sân chơi, để vui đùa với chính mình. Khi con chữ đã trở thành bầu bạn, thành nàng thơ thì cuộc đời này đâu còn gánh nặng nào có thể khiến ta bị đè bẹp. Tất cả niềm vui, nỗi khổ đều được chuyển hóa tới nguồn năng lượng sống và món quà tặng thơ ca, đưa con thuyền tâm tưởng đến được nơi thẳm sâu nhất, cũng là nơi tối tăm nhất, rồi bừng lên và hòa vào ánh sáng.
“… hòa vào màn đêm đen thẫm
cái bóng che chắn cho mình
thật mạnh mẽ nhưng cũng thật dịu dàng
thân thuộc đến lạ thường
Đó là khoảng chờ đợi
thời điểm trước lúc mặt trời nhú lên…”
(Cái bóng)