Coi chừng 'nhận quả đắng' khi mua mỹ phẩm trả góp

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT & BVNTD- Bộ Công Thương) ghi nhận xu hướng gia tăng các khiếu nại liên quan đến việc mua bộ mỹ phẩm chăm sóc da mặt (có giá trị lớn) qua hình thức vay trả góp tại ngân hàng.

Đọc kỹ điều khoản mua hàng trả góp

Đọc kỹ điều khoản mua hàng trả góp

Theo Cục CT&BVNTD, cuối tháng 9 và tháng 10- 2019, Cục CT & BVNTD ghi nhận xu hướng gia tăng các khiếu nại liên quan đến việc mua bộ mỹ phẩm chăm sóc da mặt (có giá trị lớn) qua hình thức vay trả góp tại ngân hàng. Theo đó, người tiêu dùng khiếu nại về hành vi cung cấp thông tin trong quá trình giới thiệu sản phẩm và dịch vụ cho vay trả góp.

Thực thế cho thấy, gần đây, nhiều người tiêu dùng sau khi được một số điện thoại lạ gọi tới, mời làm đẹp miễn phí thì đồng ý tham gia. Sau các buổi miễn phí, nhân viên thẩm mỹ viện tư vấn cho khách hàng mua các bộ mỹ phẩm chăm sóc da.

Vì giá trị các bộ mỹ phẩm này khá lớn, lên đến gần 50 triệu đồng/bộ nên nhân viên thẩm mỹ viện có giới thiệu cho khách các gói liên kết với với một số ngân hàng, lãi suất 0%.

Tuy nhiên, ngay sau khi mua sản phẩm này, người dùng “ngã ngửa” vì cả chất lượng, giá cả bộ mỹ phẩm không như quảng cáo, chưa kể họ còn bị ràng buộc bởi những điều kiện với ngân hàng.

Để tránh những tranh chấp phát sinh, Cục CT & BVNTD khuyến cáo người tiêu dùng cần tham khảo thông tin trước khi sử dụng dịch vụ và sản phẩm chăm sóc da mặt bằng cách tra cứu thông tin trên Internet hoặc hỏi thông tin qua người thân, bạn bè sau đó mới quyết đinh.

Trong trường hợp quyết định mua, cần đọc kỹ hợp đồng mua hàng và hợp đồng trả góp, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến chính sách đổi trả. Trong trường hợp nhận thấy các điều khoản không thể đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng nên từ chối ký kết hợp đồng.

Theo Cục CT&BVNTD, trong 10 tháng qua, có 32% đơn khiếu nại/yêu cầu của người tiêu dùng gửi đến Cục phản ánh về việc doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác, gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các điều kiện giao dịch, ví dụ như chính sách đổi trả hàng hóa, về mức lãi suất, về thủ tục thanh lý hợp đồng trước hạn trong hợp đồng vay…

Nhiều người tiêu dùng do không để ý đến nội dung hợp đồng, chỉ nghe theo nội dung tư vấn của nhân viên nên đã ký hợp đồng. Đối với các trường hợp tranh chấp như vậy, khi giải quyết, việc căn cứ theo nội dung hợp đồng đã ký kết thường mang lại bất lợi cho người tiêu dùng.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/coi-chung-nhan-qua-dang-khi-mua-my-pham-tra-gop/832828.antd