Cội mai lưu lạc
Tôi chưa hề gặp ông, chỉ biết nhau qua văn. Văn chương rộng rãi hơn cõi người bởi không biên độ, ranh giới. Bước vào đó, lạ hóa thành quen.Ông đấy!, vật vã giữa hai miền xung đột, chênh vênh hai cõi. Giờ thành tro bụi cũng chia hai: nửa rải xuống Đại Tây Dương – nơi sinh sống, thành đạt, nửa quy cố hương hòa với cát bụi quê nhà.
Tôi đọc ông và lấy làm kinh ngạc về tài viết văn của một họa sĩ, về độ nhạy, độ sâu của một tâm hồn, về ngôn ngữ mẹ đẻ tinh tế của một người Việt gần như suốt đời xa quê – học ở Pháp, sống ở Mỹ.
Tôi đọc và lấy làm lạ về kẻ chịu quá nhiều thử thách giữa những nền văn hóa phương Tây mà suối nguồn phương Đông vẫn không cạn, vẫn luồn lách, tưới mát từng nếp sống, nếp nghĩ. Ra đi từ tuổi 17 nhưng mùi quê, tiếng mẹ không héo, không phai mà còn giàu có, tươi mới hơn bởi được ông nuôi dưỡng, giữ gìn.
Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng chính ngôn ngữ mẹ đẻ mới giúp ông thể hiện vi tế nhất bản thể: “Khi tôi viết tiếng Việt, sự sống tuôn chảy từ não cân, tim mạch tôi về bàn tay tôi, thấm qua cây bút, xuống mặt giấy. Viết tiếng Việt, tôi có cảm tưởng tôi xoi một mũi nhọn thật mảnh, thật dài vào tận tâm não tôi, dò la, mò mẫm, lục lạo, tìm tòi cho đến khi tôi diễn đạt được vừa ý là lúc mũi nhọn đã chạm tới được sự hiện hữu của chính con người tôi”(1).
Sống ở xứ người, ông quây quanh mình cõi quê nho nhỏ trồng toàn rau trái hoa cỏ Việt Nam. Trăng thơm mùi hoa bưởi, hoa chanh. Hoàng mai sân trước cười khoe đóa nắng.
Khi ông mất, bàn thờ ông, người tri kỷ chưng hoa sen, phong lan, đơm bưởi, mãng cầu, thanh long vườn nhà. Bát canh thiên lý kề dĩa cơm trắng và miếng cơm cháy. Ông vốn không giống ai thành mang tiếng khó. Sống ở xứ đệ nhất văn minh mà dị ứng nhà cao cửa rộng, ghét máy nóng, máy lạnh.
Bạn bè đến thăm một ngày mùa đông, thấy nhà văn – họa sĩ không mở “heat” mà ngồi ôm lò ấp như “ấp” quê nhà và hoài niệm trong lòng. Đi – ở chỉ là khái niệm. Có kẻ chưa hề ra khỏi quê mà vẫn “xa” quê. Có kẻ đi gần trọn đời mà quê nhà chật cứng tâm tưởng.
Tôi được ông gửi tặng mấy tập “Mây chó”, “Trời Đất”, “Tuyển tập Võ Đình’. Những truyện ngắn lạ lùng, thâm u, tịch mịch như “tiếng động tâm linh”, đầy chiêm nghiệm già dặn của kẻ từng trải, thấu thị.
Nhớ đến ông, tôi nhớ đến truyện ngắn “Chiếc vòng”. Truyện nói về ông Việt kiều tên Th. bôn ba nhiều nơi nhưng chưa được trở lại quê nhà, luôn bị ám ảnh bởi một chiếc vòng có một khe hở như vết thương luôn rỉ máu không cách gì cầm được.
Đó là vết thương của khoảng cách! Sau gần một phần tư thế kỷ, Th. có cơ hội quay lại với không gian cũ ở Huế. Trong không gian ấy, Th. như chưa hề bước chân đi… Là một dịch giả sống ngần ấy năm ở nước ngoài, nhưng khi đến thăm trường cũ, gặp một giáo sư người nước ngoài thì Th. lại nói thứ tiếng Anh bập bẹ hồi trung học.
Nhìn một vũng nước nhỏ bên cửa Thượng Tứ, Th. nhận ra đó là vũng nước ngày xưa, không hề biến dạng… Suốt thời gian ở Huế, Th. như kẻ đi ngược thời gian, thực tại lùi dần cho quá khứ tái hiện. Th. lại là cậu thiếu niên của hăm bốn năm trước, ăn không biết no, đi không biết mệt.
Ba tháng sau, khi trở về với gia đình nơi đất khách, Th. ngỡ ngàng như bước vào một thế giới lạ, vợ con như mới gặp lần đầu. Tiềm thức Th. từ chối thực tại. Thực tại từ chối ông. Tâm thần run rẩy, lệch lạc cả một năm sau, thực tại mới quay về.
Nỗi đau lưu lạc trong tiềm thức được thể hiện thâm trầm, tinh tế đến độ nhòa mọi ranh giới. Kẻ lưu lạc di chuyển trong thời gian, không gian như con quái vật trong mơ – cá không phải cá, súc không phải súc, vừa có vi vảy, vừa có chân tay, chưa đủ hình thù, khi dưới nước, khi nằm chênh vênh trên bãi cát như chiếc ghe mắc cạn…
Ông đấy!, vật vã giữa hai miền xung đột, chênh vênh hai cõi. Giờ thành tro bụi cũng chia hai: nửa rải xuống Đại Tây Dương – nơi sinh sống, thành đạt, nửa quy cố hương hòa với cát bụi quê nhà.
Hồi chưa biết về ông, có lần, tôi nhận được e-mail của họa sĩ Đinh Cường, bảo rằng: “Bạn tôi, họa sĩ – nhà văn Võ Đình, đọc truyện “Cội mai lưu lạc” của chị mà khóc”. Đến khi biết đôi chút về ông, tôi biết ông khóc vì ông cũng là một cội mai lưu lạc! Tên ông là Võ Đình Mai.
Nhà ông ở Florida mai vây quanh: Hoàng Mai sân trước, Tứ Quý ngoài hiên, Mai Thanh Tuệ cạnh bụi trầu. Cành mai Mãn Giác trong tâm thức nở bung thành tác phẩm “Một cành mai”(2).
76 tuổi đủ dài cho một kiếp người. Càng sâu rộng mênh mông hơn vì ông yêu nhiều, đi nhiều, sống nhiều. Mọi thứ lắng lại thành trầm tích, khi viết, khi vẽ, ông chỉ khuấy nhẹ vu vơ mà gợn tận đáy.
Con người từng dạy học trò “quan trọng chẳng phải làm việc hay vẽ mà là thấu hiểu những gì thấy được” đã nghe thấu trong vô ngôn, tịch mịch “tiếng nói bụi tre, nỗi niềm con nhái”, đã nhìn thấu vẻ đẹp tạo hóa ban cho sự vật dù là cỏ hoa hèn mọn…
Khả năng thấu thị con người và sự vật khiến truyện và chuyện của ông bề bộn hàm chứa. Đọc ông không đơn giản, bởi người viết như kẻ khai quật nhiều tầng vỉa tâm thức, hun hút mặt ẩn mặt khuất, mặt tối mặt sáng…
Ở khoảng cuối cuộc đời, ông may mắn gặp lại một nửa thất lạc của mình – người bạn đời tài hoa Trần Thị Lai Hồng. 15 năm bên nhau, họ thật sự cùng nhau trong chia sẻ cảm nhận vẻ đẹp sâu thẳm của cuộc sống và nghệ thuật, điệu vô thường của kiếp người.
Khi ông ngã bệnh ở trung tâm dưỡng lão, một người trên giường bệnh, một người trên tấm nệm trải dưới nền vẫn xem từng ngày ở đó là quà tặng tình yêu và cuộc sống. Trong không gian chật cứng nỗi đau sinh diệt, bà đọc e-mail, đọc sách cho ông nghe. Họ lắng nghe nỗi đau nơi kẻ khác, chờ đợi, chấp nhận, bởi họ biết “bất cứ thứ gì thuộc bản chất sinh cũng thuộc bản chất diệt”.
“Vượt qua vượt qua/Vượt qua bên bờ/Hoàn toàn vượt qua/Hoàn toàn giác ngộ”. Khi ông đã “vượt qua bên bờ”, người tri kỷ khóc: “Anh đi qua nhiều “ngã” để đến “vô ngã”. Sang sông, đến bờ. Chỉ còn tôi với tro bụi, lủi thủi về nhà. Một mình. Không! Tôi ôm anh trong hai tay. Tôi vẫn có anh quanh tôi, bên tôi, trong tôi… Ngủ đi anh! Mộng bình thường. Ru anh sẵn tiếng vô thường tâm kinh”(3).
Còn tôi, khi đọc “Đã về, đã tới” của bà, tôi muốn tặng bà mấy câu: “Cái chết là một phần sự sống/Anh đi xa để về lại rất gần/Trong tim em, trong vườn khuya, trang viết/Khi thành tro bụi vẫn dịu dàng em…”.
“Cội mai lưu lạc” sẽ về, dù là tro bụi…
(1) Trong chuyện “Sống ở Mỹ, viết tiếng Việt” của Võ Đình
(2) Tên một tác phẩm của Võ Đình
(3) Trong “Đã về, đã tới” của Trần Thị Lai Hồng
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/coi-mai-luu-lac/