Cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Kỷ niệm sự kiện 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021) là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tôn kính đối Bác; đồng thời là cơ hội để ngẫm nghĩ lại sâu sắc hơn về cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam và các sự kiện trọng đại của dân tộc ta.

THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường mới cho sự nghiệp cứu nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với khát vọng lớn lao và cháy bỏng, Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy ở học thuyết cách mạng này con đường cứu nước đúng đắn - con đường cách mạng vô sản.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945.

Sau nhiều năm hoạt động ở nước ngoài, Người kiên trì nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước và dày công chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thành lập một đảng cách mạng chân chính.

Ngày 3-2-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp ở bán đảo Cửu Long, Hồng Kông (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng.

Từ mốc son trọng đại này, cả dân tộc ta đoàn kết, bền lòng phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, lập nên nhiều thành tựu, đã chứng minh: Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội làm kim chỉ nam cho hành động lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, là đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

THÀNH LẬP NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng, trong 15 năm, Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành 3 cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939); Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945), để đến năm 1945 Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc ta làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc…”. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và triều đình phong kiến, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC - TIẾN LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cách mạng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cùng một lúc phải đương đầu với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Đảng lãnh đạo nhân dân ta vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ; đồng thời, tích cực chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng lãnh đạo nhân dân đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chiến thắng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Có thể khẳng định, sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ sự kiện này, mạch nguồn thắng lợi liên tục đến với nhân dân ta, đất nước ta. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản tinh thần vô giá của nhân dân ta, dân tộc ta, mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên hơn nữa, đưa dân tộc ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Từ năm 1954 đến 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, trên cơ sở đường lối đúng đắn của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Đây là một trong những trang sử chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, là một sự kiện có tầm quốc tế và có tính thời đại sâu sắc. Thắng lợi đó “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Trong lúc khẩn trương khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, nhân dân ta lại phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh mới, vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và tiến hành công cuộc hồi sinh đất nước.

Để phát triển đất nước, Đảng tiến hành đổi mới từng phần trong nông nghiệp, công nghiệp và trước hết là đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành “Đường lối đổi mới đất nước”. Đại hội lần thứ VI của Đảng, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đã đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới ra đời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng ta và mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước.

Sau 35 năm tiến hành đổi mới, từ một nước nghèo, Việt Nam vươn lên thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.

LÊ VĂN TÝ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202106/coi-nguon-thang-loi-cua-cach-mang-viet-nam-926674/