Cõi phù sinh của Khiêm
Tôi chọn chữ 'Cõi phù sinh của Khiêm' cho tựa đề bài viết về triển lãm 'tobe continued' đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh của họa sĩ Tạ Đình Khiêm. Khiêm và tranh của anh có một sự đối thoại mạnh mẽ vào cõi kiếp ấy. Phù sinh tự tại mà không ngắn ngủi. phù sinh nhưng không vô định. phù sinh mà còn tiếp... Ấy là con đường nghệ thuật Khiêm đã và sẽ mãi đi.
Vì sao tôi lại thấy một "Cõi phù sinh của Khiêm" trong những bức tranh mà họa sĩ Đặng Thảo Ngọc (vợ của Khiêm) gửi vội file ảnh cho tôi vào khoảnh khắc giữa những chuyến bay?
Nếu như nhà báo Ngô Hương Sen nhìn tranh của Khiêm và thấy ở đó một sự "bùng nổ" mạnh mẽ; Nếu như nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân thấy Khiêm ở một tầng góc khác khi phân tích soi chiếu hội họa của Khiêm trên phương diện nền tảng thực tiễn và những triết luận sâu xa; thì tôi lại nhìn thấy Khiêm ở một góc khác.
Một góc rất đời của Khiêm. một góc lặng lẽ đủ để Khiêm tự do bung tỏa, chói ngời những tình cảm riêng của Khiêm với cuộc đời, với cái thế giới mà anh đang từng ngày không thôi yêu nó. Một góc Khiêm vun vén. Một góc quá đẹp để Khiêm vút bay qua tầng tầng lớp lớp không gian thực tại để tự do với những xuyến xao và mơ mộng trong tâm hồn mình.
Rất tiếc tôi không kịp đến nhà Khiêm để ngắm tranh cùng cô bạn thân Ngô Hương Sen trước khi Khiêm chuyển tranh vào TP Hồ Chí Minh để tham dự triển lãm. Càng tiếc hơn khi không thể bay vào Sài Gòn theo lời mời của anh cùng nhóm bạn bè; cùng những bạn học của tôi ở lớp học yêu thương Jiu Art để thưởng lãm một triển lãm mà Khiêm đã dồn tụ vào đó những chất chứa trong gần chục năm qua.
Nhưng tôi lại thấy may mắn khi chiêm ngưỡng những bức tranh của Khiêm theo một cách riêng tĩnh lặng nhất. Đó là khi, đêm sâu tĩnh tại một mình, tôi chậm rãi mở từng file ảnh tranh của Khiêm để ngắm. Tôi đã giật mình bởi mỗi bức tranh của Khiêm cảm tưởng như chứa cả triệu con mắt nhỏ đang nhìn tôi, trò chuyện với tôi, chất vấn tôi. Triệu con mắt tâm linh trong từng bức tranh đã cười với tôi, rồi kể cho tôi nghe về những câu chuyện đẹp đẽ của thế gian mà nó đã từng đi qua và lưu dấu.
Tranh của Khiêm như chứa một thế giới tâm linh. ở đó có những con mắt bí ẩn nghiêm khắc độc thoại cùng chữ của tôi về những tra vấn mà những người nghệ sĩ, trong đó có Khiêm, có tôi cần phải đối diện...
Thú thật tôi đã suy ngẫm mãi về những gì Khiêm tỏ bày. Tranh của Khiêm trong triển lãm lần này đẹp. Nhưng đúng sai, hay đẹp xấu ở đây không còn là câu chuyện của Khiêm hay bất cứ ai quan tâm thưởng lãm nghệ thuật bận tâm nữa. Tranh Khiêm mang đến cho người xem những xao động mạnh. Những cảm xúc cứ như những đợt sóng thủy triều của một chiều nước rút. Càng đi mãi càng xa bờ, càng không tới được tận cùng, càng đắm chìm trong thế giới của Khiêm mà đâu đó ta không cần thấy phải tìm lối ra.
Nghệ thuật mê dụ và đắm say là vậy. Đâu là cái đích của nghệ thuật? Và đâu là con đường đi đến cái đích ấy? Trong khu rừng rậm nghệ thuật, tôi đã nhìn thấy tôi trong của anh. Tôi tìm thấy nhân sinh quan của anh trong nhân sinh quan của tôi. Ở đó tôi chạm tới được cảm xúc của anh, run rẩy với những vọng động trong tâm tưởng anh, và điều quan trọng nhất khi rời bức tranh, tôi vẫn cảm thấy mãi còn tôi ở lại lưu luyến trong không gian nghệ thuật mênh mang đó.
Tranh của Khiêm lần này nhiều người khen. Cô bạn thân khắt khe của tôi đã viết về "sự bùng nổ của Khiêm" như một xác tín cho cái sự vượt lên của sự ĐẸP ấy. Nhưng mỗi người một góc nhìn, tôi lại không thấy Khiêm bùng nổ. Khiêm không phải là người chất chứa đến một dạng thức nào đó không chất chứa được nữa thì chỉ chực bung trào.
Ở trong Khiêm tĩnh lặng lắm. Bước vào thế giới tranh của Khiêm như bước vào một khu rừng tâm linh đầy hướng thiện và tươi sáng. Nghệ thuật của anh cũng như võ đạo của anh, cứ tôi luyện mỗi ngày, chắt chiu mỗi ngày để bền bỉ đơm hoa kết trái. Những hoa trái ngọt lành tươi tốt được tưới tắm bằng sự trong trẻo thiện lành trong tâm hồn Khiêm.
Không hiểu sao tôi nhìn thấy Khiêm vẽ tôi lại liên tưởng/ nghĩ đến cách anh đang hành đạo. "Võ đạo" và "vẽ đạo", tuy hai mà là một. Đó chính là Khiêm. Con đường nghệ thuật Khiêm đang đi là con đường đạo. Và không chỉ có nghệ thuật, Khiêm mê võ trước khi mê vẽ.
Khiêm sống và tận hiến cho võ còn đam mê hơn cả vẽ. Nếu võ là nội công bằng vật chất của Khiêm, thì vẽ chính là những sức mạnh thâm hậu ẩn sâu trong tâm hồn Khiêm. Là nhân sinh quan của Khiêm trước vũ trụ bao la, trước vạn vật thiên nhiên trong cõi tạo hóa mà khiêm đang ngày ngày đắm mình trong đó để quan sát.
Những "Đêm", "San hô đen". "Thông reo", "Ánh sáng đêm", "Cây mùa hè", "Dưới bóng cây" "Ngày nắng", "Mưa trên sông", "Sự sống trong nước", "Mặt nước", "Xuân trên núi", "Đất", "Cây ánh sáng", "Bãi bồi"... là những tác phẩm nặng ký của Khiêm trên nấc thang nghệ thuật. Xem tranh của Khiêm thoạt tưởng như là gam màu đen trầm buồn. Thoạt tưởng như là có sự cô độc, cô đơn, không lối thoát ở đó...
Bởi lẽ trong những "Dưới bóng cây", "Ngày nắng", "Mưa trên sông" kia, ta không hề bắt gặp một bóng người, một cô gái, một đôi mắt trẻ thơ, một chồi lá biếc ẩn giấu ở đâu đó. Không. Tranh của Khiêm không mà có, không thấy mà thấy. Gam màu chủ đạo là trầm, chủ thể trong tranh của Khiêm bay thoát vượt lên cái cụ thể. Nó là thiên nhiên, là sự sống tự nhiên, là các sinh thể hoang dã như cây, như mưa, như nắng, như san hô, như sự sống sinh tồn, là lửa, nước của mẹ tự nhiên kia.
Trong thế giới sâu thẳm đó, tôi không thấy có cô đơn ngự trị. Tranh của Khiêm dẫn lối tôi bay; đuổi theo tiếng reo vui của nắng và gió trên thảo nguyên rợn ngợp. Rồi làm tôi vỡ òa khi bất chợt lắng xuống bởi một bản nhạc thiền trong trẻo của Khiêm cất lên từ dưới đáy sâu mặt nước, hay vang động dưới tầng tầng lớp lớp của vỉa đá san hô dưới biển sâu.
Xem tranh của Khiêm, tôi cảm được quá trình người nghệ sĩ trong con người của Khiêm đang lớp lang tách mình, như cây cổ thụ tách vỏ mùa thay lá. Mỗi một lần như thế là ký tự lên toan những suy tưởng, những ý niệm, tầng tầng lớp lớp.
Đôi khi tôi đã nghĩ Khiêm vẽ tranh trong lúc anh ngồi thiền. Màu và cọ chạy đuổi theo những ý niệm của anh để tràn ngợi lên toan, để cất lên những bài ca cổ sâu và trong trẻo nhất. Mỗi một vọng động suy tưởng của Khiêm là hình thành tinh thần của một bức tranh. Hân hoan như "Cây mùa hè", lộng lẫy và khát khao được phơi bày như "Ngày nắng", say đắm và lãng mạn như "Đêm".
Tranh của Khiêm trong triển lãm lần này thực đẹp. Một vẻ đẹp trầm tích trong đời sống vốn lặng lẽ mà nhiều nội lực, mà sâu thăm thẳm của Khiêm. Tôi ít thấy Khiêm ồn ào, hay chạy theo những quyến rũ của đời sống, lắm khi là phù phiếm thường nhật. Sự phù phiếm dễ đánh bã bất cứ ai, nhất là những người có căn tính nghệ sĩ.
Lại nói về căn tính. Vẽ cũng là một cách Khiêm ngồi thiền sau bộn bề công việc để đi tìm căn tính của chính anh sau những giằng xé đấu tranh của nội tâm anh. Trong cõi phù sinh ấy, không hề biết đâu là giới hạn, là phù du, là hữu hình. Trong cõi phù sinh ấy, Khiêm sẽ còn tiếp tục kể cho chúng ta nghe những câu chuyện bí ẩn của tâm hồn anh. Tôi tin đó là những câu chuyện đẹp và tinh khiết nhất.
"Các tranh tại triển lãm lần này của Khiêm màu chủ đạo là đen, hay nói cách khác, màu đen là cái xương cho các tác phẩm. Nhưng người xem không thấy bức bối, không thấy nặng nề (điều dễ gặp ở rất nhiều họa sĩ khác), mà thấy màu mỏng tang, cứ nhẹ nhàng như không, và trong vắt và tinh tế của nhịp điệu nét và sắc với cảm xúc tràn đầy.
Đặc biệt, đứng trước mỗi bức tranh của Tạ Đình Khiêm, người xem có cảm giác được gặp những cảnh vật, những giấc mơ... quen đấy, thân thuộc đấy mà thật lạ, thật thú vị, lôi cuốn mà như đã từng thấy hoặc chợt hình dung ra... điều không dễ đối với những người làm abstract! Tất cả những điều ấy cho thấy Tạ Đình Khiêm là họa sĩ giàu nội lực và trách nhiệm với những sáng tạo của mình" (Họa sĩ Đặng Tiến)
"Có rất nhiều phong cách, trường phái, khuynh hướng thẩm mỹ, triết lý thấm tràn nghệ thuật abstract: abstract hình học, abstract siêu thực, abstract biểu hiện, abstract trữ tình, ấn tượng, lãng mạn… Tôi nghĩ Tạ Đình Khiêm chọn con đường cuối cùng vốn (không hiểu vì sao mà) luôn ẩn sâu trong thị hiếu người Việt!
Đơn cử tác phẩm “Mặt nước/Water surface”: là những lớp phù trầm, trôi trượt của những chấm, mảnh, vệt, mảng sơn dầu lục, lơ, trắng, nâu, hồng, xám vàng, đen… Những nét sổ thẳng , xiên chéo, vắt ngang, chìm xuống nổi lên, đan cài, chồng lấp nhau lặng lẽ và buồn tẻ, nẩy nở ra hân hoan, tàn rữa rồi mất tăm dạng và càng ngắm kỹ càng thấy nhiều thứ nữa hiện ra…"đời" đúng là "một kiếp phù sinh" tự tại mà khó lường… bất giác thở/ than: đẹp mà buồn quá thể!". (Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân).
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/coi-phu-sinh-cua-khiem-623053/