Bất chấp luật giao thông và nguy hiểm, đoàn người ngang nhiên đạp xe trên cao tốc, thậm chí sau đó còn 'tự hào' đăng video 'khoe chiến tích' trên mạng xã hội gây xôn xao.
Thời gian gần đây, dư luận tỏ ra bức xúc khi liên tục xuất hiện nhiều nhóm đạp xe đi vào đường cao tốc. Cụ thể, 11/7/2022, anh Lê Tùng Anh điều khiển xe ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp hướng sân bay Nội Bài, bắt gặp đoàn người đạp xe thể dục. Được biết, đây là đường dành riêng cho xe ô tô, tốc độ từ 60-90km/h, cấm các loại xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy. Theo nhiều tài xế, đại lộ Thăng Long (hướng đi Hòa Lạc) và đường Võ Nguyên Giáp (hướng Nội Bài) là hai tuyến đường thường xuyên xuất hiện những tốp người đạp xe thể dục đe dọa an toàn giao thông.
Trước đó, vào tháng 6/2022, xuất hiện hình ảnh một nhóm người đạp xe đạp đã bất chấp luật giao thông và nguy hiểm rình rập, ngang nhiên đạp xe với tốc độ cao và dàn hàng trên cao tốc, khiến nhiều cư dân mạng vô cùng bức xúc. Sự việc được xác định xảy ra trên đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Hình ảnh được quay lại cho thấy, thời điểm xảy ra vụ việc nói trên, một nhóm đàn ông (ít nhất 7 người) đang đạp xe ở phần đường dành cho ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp.
Không chỉ vậy, nhóm này còn “hùa nhau” đạp xe với tốc độ cao và liên tục dàn hàng. Thậm chí, một xe trong đoàn còn liều lĩnh chạy hẳn sang làn giữa, bất chấp trên đoạn đường này đang có khá nhiều ô tô lưu thông với tốc độ cao. Theo tìm hiểu, nhóm người này sau đó còn tự hào đăng tải đoạn video lên mạng xã hội nhằm… “khoe chiến tích”.
Cũng tại cung đường Võ Nguyên Giáp vào tháng 8/2017, một nhóm khoảng vài chục người ngang nhiên chạy xe đạp vào làn đường dành cho các phương tiện di chuyển tốc độ cao. Thậm chí, đoàn xe đạp không đi thành hàng dọc mà dàn hàng ngang không theo hàng lối. Đôi lúc, một người tách ra khỏi đoàn tạt đầu xe ô tô đang di chuyển tốc độ cao rất nguy hiểm. Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip khiến nhiều người bức xúc trước hành vi vi phạm luật giao thông, coi thường tính mạng của chính những những người trong đoàn xe.
Một trường hợp khác tại cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, tháng 3/2021, đoàn xe gồm hàng chục người ngang nhiên đi xe đạp thể thao vào đường cao tốc này gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Không những thế, trong đoàn xe đạp còn có người đánh võng trước đầu xe ô tô khiến nhiều người điều khiển ô tô phải giảm tốc và tránh đường cho xe đạp.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, tháng 7/2015, một đoàn xe đạp thể thao đi trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), hướng từ Hà Nội – Hòa Lạc, gây xôn xao dư luận. Đoàn xe đạp có hơn 10 thành viên và hai xe máy chở lốp, tất cả cùng đi ở làn trong cùng dành cho xe ô tô. Trong khi di chuyển, cả đoàn xe đã lấn gần hết làn đường này. Đại lộ Thăng Long là đường cấm xe máy, xe đạp. Làn phía trong cho phép ô tô đi với tốc độ tối đa 80km/h.
Đa phần người xem qua tình huống giao thông nói trên đều hết sức phẫn nộ và bất bình với hành vi đạp xe đạp bất chấp luật giao thông, gây nguy hiểm cho người khác và cho rằng pháp luật phải có chế tài riêng với những người thế này. Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đạp xe vào làn đường cấm hay đường cao tốc là hành vi đe dọa an toàn giao thông và vi phạm luật giao thông đường bộ.
Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. (Xe đạp liều mình lao vào làn xe cho phép chạy 100km/h tại cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên vào tháng 3/2021)
"Như vậy, việc đi xe đạp trên đường cao tốc nhằm mục đích khác không thuộc trường hợp nhằm phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) là hành vi vi phạm pháp luật hiện hành. Đối với hành vi trên, tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Hùng nói. (Đoàn xe đi vào đường Võ Nguyên Giáp, huyện Đông Anh, Hà Nội vào sáng 4/8/2017).
Theo luật sư Hùng, cụ thể, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 100/2019, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/ NĐ-CP, người đạp xe vào đường cấm, đường cao tốc mà không phải người thực hiện quản lý, bảo trì đường cao tốc, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 - 600.000 đồng. Nếu có căn cứ chứng minh rằng người thực hiện hành vi này gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về giao thông đường bộ" tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và phải bồi thường thiệt hại nếu có. (Đoàn xe đi vào đường Võ Nguyên Giáp, huyện Đông Anh, Hà Nội vào sáng 4/8/2017).
Luật sư Hùng chia sẻ, đạp xe nâng cao sức khỏe là hoạt động cần được khuyển khích nhưng người đạp xe cần lựa chọn địa điểm an toàn và thích hợp. Ngoài ra, với mức xử phạt hành chính còn thấp, chưa đủ sức răn đe một phần đã khiến tình trạng này tiếp diễn trong thời gian qua. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét tăng mức phạt, đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát để xử lý triệt để. (Đoàn xe đi vào Đại lộ Thăng Long năm 2015)
Xem thêm video: Phẫn nộ nhóm người dàn hàng đạp xe "như đua" trên cao tốc, còn "khoe chiến tích".