Coi thường... 'bà hỏa'!

Chỉ trong 4 năm, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản trên 6.500 tỉ đồng. Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp nhưng công tác PCCC còn bị coi thường

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 13-11, Quốc hội (QH) nghe báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018, sau đó dành cả ngày để thảo luận tại hội trường.

Đối phó, hình thức

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày, cho biết từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.500 tỉ đồng và 6.462 ha rừng. Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở thành thị, chiếm 60,11%. Trong đó, 5.636 vụ cháy tại nhà dân, chiếm 42,86%. Nguyên dân gây cháy chủ yếu do sự cố điện (6.458 vụ, chiếm 57,27%); sơ suất sử dụng lửa, xăng, khí đốt (3.291 vụ, chiếm 29,18%).

Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp như vậy, song theo Chính phủ, đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Nổi lên là việc PCCC còn mang tính hình thức, đối phó.

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC Ảnh: QUANG VINH

Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC Ảnh: QUANG VINH

Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng phải tránh tình trạng "cháy rồi mới rút kinh nghiệm", đặc biệt phải khắc phục được nguyên nhân đầu tiên là công tác tuyên truyền chưa bảo đảm yêu cầu, không làm chuyển biến được nhận thức của người dân. ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, nhấn mạnh tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người. "Khi tổ chức thực hiện vẫn mang tính hình thức, đối phó, làm cho có thì làm sao có thể đạt được hiệu quả như mong muốn?" - ĐB Xuân nói.

Nữ ĐBQH của tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ lo lắng trước những con số nêu trong báo cáo: Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy cơ cháy, trong đó có 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế, hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. "Tại sao có tình trạng này? Do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về PCCC? Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ?" - ĐB Xuân đặt câu hỏi.

Theo ĐB Cao Thị Xuân, cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC. Không thể để những lỗ hổng về nhận thức, trách nhiệm như thế được!

Cùng quan tâm về con số 2.662 công trình trên, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đề nghị làm rõ trách nhiệm các bên liên quan và xử lý nghiêm.

Không thỏa hiệp với sai phạm

Đi sâu vào trách nhiệm PCCC, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) mở đầu phát biểu của mình bằng dẫn chứng sau hơn một năm kể từ thảm kịch cháy tại chung cư Carina (TP HCM) khiến 13 người chết, gần 100 người bị thương. Dù nỗi đau đã nguôi ngoai nhưng trong tâm trí những người lính cứu hỏa và người dân nơi đây mọi thứ như mới hôm qua.

"Nhiều người dân ở chung cư vẫn chưa hết giật mình mỗi khi chợt nghe tiếng còi cứu hỏa. Không có gì có thể bù đắp những mất mát và giúp họ quên đi ký ức kinh hoàng khi chứng kiến người thân ra đi trong ngọn lửa quá khủng khiếp. Vậy nhưng, PCCC còn quá nhiều thiếu sót" - ĐB Nhân nói.

Cũng theo ĐB Nhân, hạ tầng, phương tiện PCCC như hiện nay là không đáp ứng yêu cầu. Đó là số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%. Đó là chưa kể thực trạng thiếu trụ nước, bể nước phục vụ PCCC ở các địa phương. Điển hình như Hà Nội thiếu gần 300 bể nước, 400 bến lấy nước, 7.000 trụ nước. Trong số các trụ còn lại có 522 trụ không sử dụng được.

Từ những bất cập về công tác PCCC, ĐB Nhân đúc kết: Chừng nào tình trạng thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, sự mất cảnh giác, lơ là, chủ quan trong công tác PCCC thì chừng đó nguy cơ cháy, nổ vẫn còn đe dọa. "Do đó, cái cần hơn một đạo luật, một nghị quyết tối cao chính là cái tâm kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách từ các cơ quan chức năng cũng như tinh thần cảnh giác cao độ, không lơ là của doanh nghiệp và người dân trong ý thức phòng cháy hơn chữa cháy để không còn tái diễn những thảm kịch" - ĐB Nhân đúc kết.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng của công tác phòng, chống cháy, nổ để nhận ra những lỗ hổng cần phải xử lý. "Hãy nhìn thẳng vào các thiếu sót, vướng mắc để khắc phục, để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp" - ĐB Hoa nói.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận lỗi

Phát biểu giải trình làm rõ những vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC chưa nghiêm dẫn đến chủ đầu tư các công trình chung cư, nhà cao tầng có biểu hiện "nhờn". "Tôi xin nhận trách nhiệm về hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện chức năng của bộ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm hết sức mình, góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong PCCC" - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cam kết.

Theo chương trình kỳ họp, dự kiến hôm nay (14-11), QH thảo luận ở hội trường dự án Luật Sửa đổi, bổ sung điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/coi-thuong-ba-hoa--20191113220600633.htm