Coi thương, bệnh binh như người thân

Những ngày này, thương bệnh binh đang điều dưỡng ở các trung tâm điều dưỡng thương binh trên khắp cả nước đều nhận được sự quan tâm thăm hỏi, động viên cả về tinh thần và vật chất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây cũng là dịp để người dân cả nước bày tỏ tình cảm, tri ân những người đã không tiếc máu xương mình, hy sinh vì độc lập, hòa bình của Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM tặng quà thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh)

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM tặng quà thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh)

1. Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúng tôi có dịp về thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) và gặp ông Phạm Minh Liên (Hà Tĩnh), 75 tuổi, thuộc Quân khu 9, bị thương năm 1983, khi đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. “Với mức độ thương tật 81%, năm 1984, tôi được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên. Hơn 40 năm sống ở đây, cuộc sống của chúng tôi cũng thay đổi dần cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Liên chia sẻ.

Ông Liên nhớ lại, những ngày đầu về trung tâm này, đất nước vừa qua chiến tranh nên cơ sở vật chất còn nghèo nàn, số lượng thương binh đông, lên tới hàng trăm người, cuộc sống chật vật. Khi kinh tế dần phát triển, trung tâm được đầu tư nhiều hơn, đời sống vật chất, tinh thần của anh em thương binh được cải thiện nhiều. Giờ các thương bệnh binh ở đây đều tuổi cao, sức khỏe ngày càng giảm nhưng được sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước, cán bộ công nhân viên ở trung tâm, chúng tôi được ổn định về thể chất và tinh thần. Ngày 27-7 hàng năm, các đoàn đại biểu các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến thăm rất đông, với những phần quà động viên thiết thực, khiến những người thương bệnh binh đã cao tuổi rất vui, thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cảm thấy sự đóng góp của mình với đất nước là có ý nghĩa.

 Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng quà thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng quà thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang

Ông Nguyễn Hữu Linh 71 tuổi, vào Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) từ năm 1976, bị thương 81%. “Khi mới vào đây, chúng tôi phải gọi những người phục vụ là cô là bác, sau đó đến thế hệ điều dưỡng viên tiếp theo chúng tôi gọi là anh chị, rồi các em, và bây giờ là các cháu. Anh em chúng tôi đều là những thương binh nặng, mức độ thương tật rất lớn nên nhiều lúc đau đớn, khó chịu trong người, tâm tính không được ổn định, nhất là lúc trái gió trở trời. Những lúc đó, các điều dưỡng viên đã chăm sóc chúng tôi, cả về y tế, hỗ trợ mọi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày”, ông Linh chia sẻ. Ở trung tâm mọi thứ đều đầy đủ, các thương bệnh binh không cảm thấy thiếu thốn gì. “Tôi chỉ tâm niệm một điều, mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội là còn được sống thì phải cố gắng, vượt qua chính bản thân mình để sống vui, sống khỏe, sống có ích, để thực sự là “thương binh tàn nhưng không phế” như lời Bác Hồ đã nói”, ông Linh chia sẻ.

Thương binh Nguyễn Văn Đức quê ở Gia Lâm, Hà Nội, năm nay 93 tuổi thì có 50 năm ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang). Bị thương ở chiến trường Tây Ninh, Bình Phước, sân bay Lộc Ninh, ông được chuyển về trung tâm từ năm 1975. “Chính sách người có công ngày càng tốt, thương binh chúng tôi được chăm lo, điều đó chúng tôi mừng lắm”, người thương binh già chia sẻ.

 Thương binh Phạm Minh Liên, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam)

Thương binh Phạm Minh Liên, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam)

2. Ở Trung tâm Duy Tiên, chúng tôi gặp ông Nguyễn Bằng Lâm, một cựu quân nhân, đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ phật tử chùa Quán Sứ và các phật tử đến thăm, tặng quà các thương bệnh binh nhân ngày 27-7. “Hàng năm, đến ngày 27-7, chúng tôi đều đến đây, đều đặn 20 năm qua, đó là tình cảm sâu sắc của chúng tôi dành cho các bác thương binh, những người đã đổ xương máu cho hòa bình của đất nước”, ông Lâm chia sẻ.

 Điều dưỡng chăm sóc thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh)

Điều dưỡng chăm sóc thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh)

Ông Phan Minh An, Phó Bí thư Đảng ủy Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) có 40 năm làm việc tại đây cũng cho biết, hàng năm, đến ngày 27-7, trung tâm lại được đón các tổ chức, cá nhân đến thăm và động viên thương bệnh binh, trong đó có TPHCM, gần 10 năm nay đều đến trung tâm Duy Tiên. Sự quan tâm của mọi người khiến cho các thương bệnh binh ấm lòng, cả về vật chất và tinh thần, giúp họ sống vui hơn, khỏe hơn, có niềm tin vững chắc hơn. “Có những bác thương binh ở trung tâm từ năm 1957, trên 60 năm ở đây, chúng tôi coi nhau như người nhà, chia vui sẻ buồn. Làm việc ở các trung tâm điều dưỡng thương binh, tôi khẳng định nếu không có cái tâm tốt thì không thể làm việc được”, ông An chia sẻ.

Điều dưỡng Bông Thị Mai, sinh năm 1981, làm việc tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang đã 10 năm chia sẻ, việc chăm sóc các thương binh nặng đòi hỏi phải có tấm lòng và sự kiên nhẫn. “Cứ nghĩ đến việc các bác đã để lại một phần xương thịt của mình ở chiến trường để chúng ta được sống trong hòa bình thì sẽ thấy việc chăm sóc các bác trở nên nhẹ nhàng”, chị Mai tâm sự. Gắn bó với các thương bệnh binh nhiều năm, nhiều bác có hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn nên coi các điều dưỡng như người nhà, “và ngược lại, chúng tôi cũng coi các bác như những người thân trong gia đình. Thỉnh thoảng có bác bệnh nặng phải đi điều trị ở tuyến trên, tôi phải đi theo chăm nuôi tại bệnh viện như một người nhà thực sự”, chị Mai cho biết.

Chiến tranh ngày càng lùi xa, nhưng những vết thương vẫn còn nhức nhối trên cơ thể các thương bệnh binh. Tình cảm, sự quan tâm của toàn xã hội dường như cũng giúp cho vết thương đó đỡ phần đau đớn…

PHAN THẢO - BÍCH QUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/coi-thuong-benh-binh-nhu-nguoi-than-post751277.html