'Cởi trói' cho chợ đêm

Việc thành lập chợ đêm là cần thiết, nhằm khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch địa phương.

Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả và thuận lợi, cần có những hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện, đồng thời cần thiết thiết bổ sung quy định riêng, đặc thù liên quan đến phát triển chợ đêm.

Chợ đêm được đánh giá là mô hình kinh tế hiệu quả, đóng góp lớn cho kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân qua việc làm tăng chi tiêu của du khách, đồng thời làm đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí.

Lợi thế của chợ đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, chợ đêm được đầu tư sẽ khuyến khích phát triển du lịch, giữ chân được du khách, mặt khác còn thúc đẩy giao lưu, trao đổi hàng hóa địa phương.

Tại Việt Nam, mô hình chợ đêm đã được triển khai ở một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa… góp phần tạo ra những chuyển biến cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước.

Tuy nhiên, cũng bởi chủ yếu hoạt động tự phát, chưa có hành lang pháp lý cụ thể nên hầu hết các khu chợ đêm vẫn chỉ đơn thuần là một khu chợ hoạt động ngoài giờ, chưa thật sự trở thành một sản phẩm du lịch về đêm có sức hấp dẫn du khách quay lại nhiều lần.

Câu chuyện “cấp giấy khai sinh” cho chợ đêm, xây dựng khung khổ pháp lý chính thức cho mô hình chợ đêm hoạt động đã nhiều lần được đem ra bàn, bởi trong khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, chợ đêm luôn nằm trong top những sản phẩm du lịch được địa phương tập trung triển khai nhiều nhất.

Mới đây, tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, mô hình chợ đêm mới lần đầu được quy định. Theo Nghị định, mô hình chợ đêm là chợ được tổ chức tại khu vực, địa điểm dành cho phát triển kinh tế đêm của địa phương, hoạt động trong khoảng thời gian từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển mô hình chợ đêm tại các địa phương đi vào quy củ, nền nếp. Đồng thời, góp phần hình thành dịch vụ ban đêm trong tiến trình thực hiện chủ trương của Chính phủ về thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Quan trọng nhất là góp phần đa dạng dịch vụ du lịch tại điểm đến, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Về mặt xã hội, chợ đêm tạo việc làm ổn định cho các tiểu thương, hộ gia đình hiện đang buôn bán xung quanh khu vực chợ đêm.

Chuyện sẽ không có gì để bàn khi Nghị định quy định thời gian hoạt động của chợ đêm từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, trong khi các quy định khác về giờ giới nghiêm kinh doanh trước 23h đêm, hay các quy định về hành vi vi phạm sự yên tĩnh chung như gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau; bán hàng ăn, uống, hàng giải khát quá giờ quy định…

Đồng nghĩa với những quy định trên, khi đến khung giờ quy định, các cơ sở kinh doanh phải bảo đảm tuân thủ tính bảo đảm trật tự yên tĩnh; các hàng quán kinh doanh không được hoạt động quá giờ, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

Quy định về giờ giấc hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh mang tính chất bắt buộc, vô hình trung đã kìm hãm hoạt động của mô hình chợ đêm và mâu thuẫn với quy định về thời gian hoạt động của chợ đêm tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và chủ trương phát triển chợ đêm, cần có những hướng dẫn cụ thể về việc thực thi Nghị định, đồng thời cần thiết bổ sung các quy định riêng, đặc thù liên quan đến phát triển chợ đêm.

Đặc biệt, cần bổ sung nghĩa vụ, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của lực lượng công an trong việc bảo đảm an toàn trật tự xã hội, kiểm soát rủi ro, hạn chế hệ lụy tiêu cực và tác động, ảnh hưởng tới cộng đồng do hoạt động của chợ đêm.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/coi-troi-cho-cho-dem.html