'Cởi trói' cho doanh nghiệp, tăng giám sát thị trường
Trong dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83, Bộ Công Thương đưa hàng loạt giải pháp nhằm 'vá' lỗ hổng cho thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và chuyên gia cũng cho rằng, cần có thêm nhiều quy định liên quan vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý cũng như thanh lọc tổng thể thị trường.
Nhấn mạnh vào 11 vấn đề cần sửa đổi trong dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, việc sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu nhằm lập lại trật tự trên thị trường, từng bước đưa thị trường xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, giải quyết những mối quan hệ kinh tế giữa các chủ thể tham gia thị trường.
Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường bị gián đoạn nguồn cung thời gian qua là việc điều hành xăng dầu phải thực hiện cùng lúc quá nhiều mục tiêu như: ổn định giá để kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì nguồn cung liên tục, kiểm soát đối tượng gia nhập thị trường, phát triển thị trường lành mạnh.
Vấn đề được Bộ Công Thương nêu đầu tiên trong dự thảo là việc sửa công thức giá và điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án và đề xuất chọn phương án Nhà nước chỉ công bố giá định hướng gồm giá thế giới, thuế, lợi nhuận định mức, trích lập Quỹ Bình ổn giá. Các chi phí khác doanh nghiệp tự xác định và công bố giá bán lẻ đồng thời chịu trách nhiệm trước cơ quan kiểm toán.
Đề xuất mới này của Bộ Công Thương được các doanh nghiệp cho rằng, việc cho doanh nghiệp tự quyết về giá bán sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo các chi phí trong kinh doanh xăng dầu theo thực tế phát sinh, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá bán xăng dầu, hạn chế việc đầu cơ, găm hàng. Doanh nghiệp tự quyết về chi phí sẽ kéo theo vấn đề chiết khấu trong hệ thống phân phối được giải quyết. Tuy nhiên, cùng với việc trao quyền này, cũng sẽ có tình trạng nhiều mức giá xăng dầu trên thị trường và người dân sẽ có phản ứng với doanh nghiệp bán giá cao. Cùng với đó, ở các địa bàn không có nhiều doanh nghiệp cung cấp cho thị trường, giá xăng dầu sẽ không có sự cạnh tranh và người dân sẽ phải chịu mức giá cao.
Một điểm mới nữa được đưa ra là thời gian điều hành giá xăng dầu được đề xuất sửa đổi rút ngắn từ 10 ngày xuống mức 7 ngày với thời gian điều hành giá vào ngày thứ Năm hằng tuần, không kể ngày nghỉ lễ. Trường hợp thứ Năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến mồng 3/1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển đến ngày mồng 4/1 âm lịch. “Trong giai đoạn giữa 2 kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá”, Bộ Công Thương đề xuất.
Theo dự thảo sửa đổi, Bộ Công Thương đã gỡ nút thắt cho các doanh nghiệp bán lẻ khi đề xuất tăng vị thế cho doanh nghiệp bán lẻ bằng cách cho lấy hàng từ nhiều nguồn, có thể giới hạn 2-3 nguồn. Thực tế thời gian qua nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã không nhập được hàng khi các thương nhân phân phối, tổng đại lý không thực hiện giao hàng như kế hoạch khiến doanh nghiệp bị đứt nguồn cung. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng bày tỏ lo ngại quy định trên có thể gây khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng. Ngoài ra, khi nguồn cung gặp khó sẽ không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cấp cho doanh nghiệp bán lẻ.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng giữ quan điểm không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.
Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc tăng trách nhiệm và siết giám sát với các thương nhân phân phối, mắt xích quan trọng trong kinh doanh xăng dầu và đang bị điều tiếng là lũng đoạn thị trường. Theo đó, thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ tối đa 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được lấy từ thương nhân phân phối xăng dầu khác.
Cần nâng cao kỷ luật thị trường
Về đề xuất cho doanh nghiệp bán lẻ nhập từ nhiều nguồn của Bộ Công Thương, chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Bầu, Giám đốc doanh nghiệp xăng dầu Dương Anh Thư (TPHCM) cho rằng, việc sửa quy định cho doanh nghiệp bán lẻ được mua từ nhiều nguồn, thay vì một nguồn như hiện nay là phù hợp. Đây là hành động ‘cởi trói’ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng.
Về đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đề xuất giao quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu cho các doanh nghiệp cần hết sức cân nhắc. Theo ông Long, khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi thì Nhà nước sẽ thu được thuế. Khi giá hợp lý, người tiêu dùng mua càng nhiều, doanh nghiệp lại càng lãi nhiều và Nhà nước sẽ lại được thu được thuế nhiều hơn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ nhận được lợi ích thỏa đáng và phù hợp với đóng góp chứ không thể do vị thế độc quyền.
“Khi doanh nghiệp giữ được vị thế thống lĩnh thị trường thì họ có thể lợi dụng vị thế của họ để nâng giá, buộc người tiêu dùng phải chấp nhận. Đây là phương án không tuân thủ theo luật hiện hành, cụ thể là Luật Giá”, ông Long nhận định.
Trả lời PV Tiền Phong, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu lớn ở TPHCM cho rằng, cùng với việc sửa đổi các quy định của Nghị định 95 và Nghị định 83, cần bổ sung các quy định về giám sát hoạt động cấp phép của Vụ Thị trường - Bộ Công Thương trong nước đối với các đầu mối và thương nhân phân phối từ trước đến nay.
Thu hồi giấy phép 6 thương nhân phân phối
Bộ Công Thương cho biết, vừa ban hành các quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 6 thương nhân từ ngày 27/2 tới. Quản lý thị trường cũng cho biết, đã ra quyết định xử phạt nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có vi phạm.