'Cởi trói' cho sự bứt phá, để cán bộ sáng tạo, dám làm và dám chịu trách nhiệm

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng, Kết luận 14 của Bộ Chính trị giống như 'cởi trói' cho sự bứt phá, để cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Bộ Chính trị mới ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là một kết luận ban hành đúng thời điểm, có nội dung sâu sắc, thiết thực, nhận được sự đồng thuận cao của Đảng viên cũng như của toàn xã hội.

Kết luận 14-KL/TW giúp cán bộ có thể phát huy 6 “dám”: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Thượng tướng, Viện sĩ - Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu cho biết, ông ủng hộ kết luận của Bộ Chính trị.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, hiện nay, Đảng ta đang tập trung chỉnh đốn vấn đề đạo đức, lối sống của cán bộ, Đảng viên. Bên cạnh đó, phải có chủ trương và cơ chế phù hợp thì mới khai thác được tối ưu trí tuệ, tài năng của đội ngũ cán bộ trên các lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, kinh tế - xã hội.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu đặt vấn đề: “Bác Hồ từng nhiều lần khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Thời kỳ nào cũng vậy, công tác quản lý cán bộ vô cùng quan trọng. Khi đất nước càng đổi mới, càng hội nhập thì lại càng phải có cơ chế phù hợp, phát huy được năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có đức, có tài, có tâm và có tầm, để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Chính vì thế, chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nghiệm là rất cần thiết, phù hợp với quy luật tất yếu phát triển đất nước”.

Thượng tướng, Viện sĩ - Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu.

Bài liên quan

Trung ương thảo luận về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì khai mạc Hội nghị Trung ương 4

Vị tướng chia sẻ, nếu như trước đây, trong chiến tranh, rất cần những người tài để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng, thì giờ đây, thời bình cũng rất cần những con người dám nghĩ, dám thay đổi, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, có thể do tác động bởi nhiều yếu tố, rồi thực tiễn cũng đặt ra các vấn đề “nhạy cảm”, bên cạnh nhiều cán bộ tâm huyết đặt lợi ích của dân tộc, Tổ quốc lên trên hết thì cũng còn một bộ phận cán bộ lợi dụng vào vị trí công tác của mình để làm những điều trái quy định, thoái hóa, biến chất, gây ra hậu quả nghiêm trọng và đã phải trả giá.

Thực tế, một số cán bộ khi nhìn vào những trường hợp bị xử lý, cũng cảm thấy chững lại, “nghe ngóng” tình hình, không dám bứt phá, quyết đoán, sợ phải chịu trách nhiệm.

Cho đến bây giờ, Kết luận 14-KL/TW của Bộ chính trị đã tháo gỡ, “cởi trói” cho sự sáng tạo, bứt phá. Khi cán bộ có niềm tin, có cơ sở để họ cống hiến thì sẽ phát huy những sáng tạo, đem lại hiệu quả công việc.

“Câu chuyện Khoán 10 đến nay vẫn còn là một bài học về sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ. Thời điểm những năm 1966-1967, khi nông thôn miền Bắc đều áp dụng kiểu kinh tế hợp tác xã thì Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc lại có quyết định táo bạo, phá rào đi trước khi giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân. Điều đó đã vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc đó. Nhưng đồng chí Kim Ngọc là người có tư duy sáng tạo, đổi mới, đặt lợi ích của nhân dân lên trên và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Về sau, những cán bộ như thế đã được lịch sử phán quyết, người ta phải thừa nhận cách làm của đồng chí Kim Ngọc là đúng”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu phân tích.

Theo vị tướng, khi “đi trước”, sáng tạo thì thường phải “dò đường” vì chưa có nền tảng, khuôn thước, luôn có những rủi ro nhất định, phải khám phá, tìm tòi, rồi mới hoàn thiện dần. Có nghĩa là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đặc biệt là các doanh nghiệp, phải tạo ra cơ chế để họ vươn lên, nắm bắt thời cơ, tiên phong trong cách làm sáng tạo nhằm đạt năng suất, chất lượng cao. Hoặc trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, cũng phải kịp thời có cơ chế để các địa phương, đơn vị phát huy sáng tạo, tìm cách chống dịch hiệu quả. Hay trong vấn đề phòng, chống thiên tai cũng vậy, nhiều địa phương đã vận dụng rất linh hoạt phương châm “4 tại chỗ”, huy động được sức mạnh tổng hợp của thế trận lòng dân…

“Tôi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay chúng ta vừa phải phòng chống dịch an toàn, vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, nếu không có chủ trương đúng đắn, không có cơ chế phù hợp thì sẽ “ách tắc công việc”, hạn chế sức sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, của mọi tầng lớp nhân dân trong vấn đề này”, Tướng Hiệu nói.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh, trong quá trình của cách mạng, có những vấn đề thành công và có những cái tạm gọi chưa thành công, nhưng xét về mặt tư duy, từ thực tiễn, từ động cơ, mục đích của người cán bộ khi đi “tiên phong” chỉ đạo một vấn đề nào đó, nếu như họ đều đặt lợi ích của cộng đồng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết thì dứt khoát phải bảo vệ họ. Lịch sử sẽ phán quyết, nhân dân rất tin tưởng và yêu mến những người cán bộ như thế. Kết luận 14 của Bộ Chính trị sẽ giúp cán bộ an tâm hơn trong quá trình thí điểm những sáng tạo, đột phá.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/coi-troi-cho-su-but-pha-de-can-bo-sang-tao-dam-lam-va-dam-chiu-trach-nhiem-post159835.html