'Cởi trói' giá đất có giải được oan sai và ngừa tham nhũng?
Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt, là động lực phát triển kinh tế. Đất đai là nhà cửa, là nơi chốn để người dân an trú và mưu sinh. Đất đai là quê hương, bản quán, tình làng nghĩa xóm từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Thế nhưng, hơn 30 năm qua, kể từ khi nền kinh tế được chuyển đổi theo hướng thị trường, bên cạnh vai trò động lực phát triển kinh tế của đất đai, thì những vấn đề khác của đất đai như nêu ở đầu bài viết này đã không được đảm bảo bởi Luật Đất đai (hiện hành). Hàng loạt cuộc giải tỏa đền bù căn cứ theo các khái niệm của Luật như “thu hồi đất”, “khung giá, bảng giá đất” đã áp mức giá rẻ mạt cho những người chủ thực sự của đất, tạo ra những thiệt thòi, oan sai và nỗi ám ảnh dai dẳng hàng chục năm qua trong người dân.
Báo cáo gần đây nhất của Thanh tra Chính phủ cho thấy các vụ khiếu kiện về đất đai chiếm 60 - 70% tổng số các vụ khiếu kiện. Các vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử cũng có tỷ lệ cao liên quan đến đất đai. Đất trở thành “thủ phạm” đưa nhiều cán bộ biến chất từ cấp thấp đến cấp cao ra tòa, vào tù.
Việc duy trì quy định khung giá đất cứng và bảng giá đất của Nhà nước (luôn thấp hơn khá nhiều so với giá thị trường) đã tạo điều kiện cho các quan chức tham nhũng tùy tiện sửa đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi đất và áp giá đền bù rẻ mạt, giao cho các doanh nghiệp bất động sản làm hạ tầng rồi bán lại với “giá trên trời”, gây thiệt hại cho người dân, tạo bức xúc xã hội. Nổi bật trong những oan trái của dân về đất đai những năm qua là các điểm nóng Văn Giang (Hưng Yên), Cồn Dầu (Đà Nẵng), Tiên Lãng (Hải Phòng), Đồng Tâm (Hà Nội), Thủ Thiêm (TP.HCM).
Chính vì thực trạng bất cập kéo quá dài nói trên nên khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 18 (2022) với một nội dung rất mới “Bỏ khung giá đất”, dư luận đã hồ hởi xem đây là mấu chốt để xoay chuyển tình hình. Nhất là khi Chính phủ đã khẩn trương soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18, đang lấy ý kiến xã hội trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua.
Bỏ khống chế giá đất sàn và trần rõ ràng là bước “cởi trói” thực sự cho giá đất sau 30 năm (tính từ Luật Đất đai 1993). Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng yêu cầu pháp luật phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất; công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt...
Các ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi luật lần này đặt vấn đề cốt lõi là phải tìm cách nào xác định chính xác giá đất phổ biến trên thị trường, trong khi giá đất thường xuyên biến động? Cơ chế pháp lý nào để hội đồng thẩm định giá đất giữ được tư thế độc lập với UBND cấp tỉnh? Liệu có thể sử dụng các định chế độc lập định giá đất để công khai nghe ý kiến đa chiều, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên?
Tuổi thọ của một đạo luật quan trọng như Luật Đất đai quá ngắn phải chăng cũng chứng tỏ sự bất ổn trong nhận thức làm luật và cũng là một nguyên nhân gây bất ổn về đất đai trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, từ tinh thần của Nghị quyết 18 đến thực tế soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai của Chính phủ lần này (đang xin ý kiến xã hội) đã bộc lộ những điểm “bất cập mới”. Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật đất đai 2013 và định hướng sửa đổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nêu lên một trong những tồn tại, hạn chế của chính sách đất đai, đó là quy định Nhà nước cùng lúc có vai trò là đại diện chủ sở hữu đối với đất đai, vừa có trách nhiệm quản lý đất đai, khiến cho việc thực thi pháp luật về đất đai rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lạm quyền, tiêu cực, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.
Mặt khác, theo quy định, Nhà nước có rất nhiều quyền (quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; quyết định giá đất; quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai...) nhưng trên thực tế Nhà nước đã chưa quản lý được đất đai một cách chặt chẽ, hiệu quả.
Tuy đánh giá khá cụ thể và thẳng thắn như vậy, nhưng trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này, các quy định về thu hồi đất, giao đất... gần như không có gì thay đổi. Cho dù, cứ mỗi lần sửa đổi, thủ tục hành chánh, hay phương thức quản trị nguồn tài nguyên này - trên bình diện quốc gia - có thể tiến bộ hơn, cởi mở hơn, nhưng các quy định giám sát, ngăn ngừa lạm quyền trong thu hồi đất của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.
Đây chính là khoảng trống, mà từ đó có thể nảy sinh nhóm lợi ích, cấu kết giữa cán bộ nhà nước và các thế lực đen tối, nhân danh sự phát triển và lợi ích quốc gia, gây thiệt hại cho xã hội và oan sai cho người dân. Luật đất đai không chỉ nhằm phát huy tài nguyên đất nước hiệu quả, mà còn phải bảo vệ nơi ăn chốn ở, bảo vệ mảnh đất nhiều thế hệ người Việt đang yên ổn sống và làm ăn trên chính quê hương mình.
Một vấn đề cũng cần đặc biệt lưu ý trong soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này, đó là tính ổn định lâu dài của một đạo luật đất đai hợp hiến và hợp lý. Theo kế hoạch, năm 2024 Luật Đất đai mới sẽ có hiệu lực. Như vậy trong 37 năm từ Luật Đất đai đầu tiên đến 2024, có 4 luật đất đai được ban hành (1987, 1993, 2003, 2013) và hai lần sửa đổi bổ sung (1993, 2003). Trung bình hơn 5 năm lại ban hành một luật đất đai mới. Tuổi thọ của một đạo luật quan trọng như Luật Đất đai quá ngắn phải chăng cũng chứng tỏ sự bất ổn trong nhận thức làm luật và cũng là một nguyên nhân gây bất ổn về đất đai trong đời sống xã hội.