Coi trọng an toàn lao động
Nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động (NLĐ) về tầm quan trọng của việc chấp hành an toàn lao động (ATLĐ); bảo đảm cho NLĐ được an toàn trong suốt quá trình làm việc, nhiều năm nay, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động về tầm quan trọng của ATLĐ và hậu quả của mất ATLĐ cho người sử dụng lao động cũng như NLĐ.
Ông Lê Minh Tú, chuyên viên Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức hơn 200 lớp tuyên truyền cho 1.250 lượt doanh nghiệp, với sự tham gia của gần 40.000 lượt người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATLĐ. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tổ chức huấn luyện về ATLĐ cho gần 50.000 lượt người. Người làm việc không theo hợp đồng lao động cũng được các cấp, ngành quan tâm, vận động tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền về ATLĐ.
Cùng với đó các cơ quan đã phát hành gần 50.000 ấn phẩm; hơn 50.000 tờ rơi, áp phích có nội dung tuyên truyền về ATLĐ. Đặc biệt hàng năm, Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với NLĐ; giữa chủ sử dụng lao động với NLĐ. Thông qua đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nắm bắt được những thông tin mới, sát thực với cuộc sống lao động thực tế hằng ngày để điều chỉnh, xây dựng việc thực hiện pháp luật lao động, công tác ATLĐ phù hợp, bảo đảm an toàn cho NLĐ trong lúc làm việc.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, tại hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã quan tâm hơn tới việc quản lý môi trường lao động; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc. Nhờ đó các đơn vị đã xác định được số NLĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để từ đó có chính sách bồi dưỡng phù hợp cho NLĐ theo quy định của Nhà nước. Bình quân hàng năm có 20.000 người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong đó có gần 10.000 người đủ điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Bê tông Bút Sơn HP (T.P Thái Nguyên) cho biết: Công ty có hợp đồng lao động với 56 người. Trong sản xuất, kinh doanh, Công ty luôn coi trọng, quán triệt đến toàn thể các bộ, NLĐ về ATLĐ, đặt ATLĐ lên hàng đầu. Do thực hiện nghiêm túc công tác này, nên nhiều năm nay, Công ty không để xảy ra mất ATLĐ. Còn tại Công ty TNHH Ngôi sao hy vọng (T.X Phổ Yên), bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cao cấp, với 34 lao động. Kể cả lúc sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nhất, Công ty cũng luôn quan tâm chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ; động viên NLĐ tự nguyện chấp hành đầy đủ các quy trình sản xuất, bảo đảm không để xảy ra mất an toàn.
An toàn cho NLĐ đã thực sự được các chủ sử dụng lao động quan tâm. Ngoài các lớp tập huấn về ATLĐ do cơ quan chức năng Nhà nước trực tiếp tổ chức, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã tự chủ động tổ chức mở các lớp huấn luyện ATLĐ. Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng An toàn - Vệ sinh lao động tỉnh, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH cho biết: Khoảng gần 10.000 NLĐ trên địa bàn tỉnh được hướng dẫn, đào tạo về ATLĐ do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự tổ chức mỗi năm.
Liên quan tới ATLĐ, hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh đều thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra thực tế ngẫu nhiên tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về việc thực hiện quy định về quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ cho biết: Bình quân có trên 3.000 thiết bị đang sử dụng tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được kiểm định/năm. Qua kiểm tra nếu phát hiện những thiết bị không bảo đảm an toàn, đoàn kiểm tra đề nghị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sửa chữa khắc phục hoặc đầu tư mua thay thế. ATLĐ phải bằng hành động cụ thể, chứ không chỉ bằng pano, biểu ngữ căng mắc tại công trường. Bởi phía sau mỗi NLĐ còn có cha mẹ già, các con nhỏ đang chờ đợi.