Coi trọng cứu nạn đường không

Chúng tôi đến thăm Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không (Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không-Không quân) khi đơn vị đang tập trung huấn luyện các nội dung tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Từ Sân bay Gia Lâm, chiếc máy bay vận tải An-26 từ từ lăn bánh rồi cất cánh hướng về phía Nam cũng là lúc Đội TKCN đường không được lệnh chuyển vào trực cấp 2.

Sau khi triển khai nhiệm vụ cho các bộ phận luyện tập, Thiếu tá Cao Ánh Dương, Đội trưởng Đội TKCN đường không kể cho chúng tôi biết: Thông thường, Đội TKCN trực cấp 3, nếu trong ngày có hoạt động bay của không quân ở khu vực miền Bắc thì tổ vào trực cấp 2. Tuy nhiên, khi có tình huống vào trực cấp 1 thì chỉ mất khoảng 10 phút chuẩn bị là các thành viên đã có thể thực hiện nhiệm vụ được ngay.

Có mặt tại sân tập, chúng tôi quan sát thấy các thành viên trong Đội TKCN đường không đều trong trang phục huấn luyện gọn gàng. Tuy mỗi người một việc, nhưng hành động của các thành viên như: Sĩ quan dù, sĩ quan chính trị đến nhân viên dù, bác sĩ, chiến sĩ cảnh vệ... đều phối hợp nhịp nhàng, ăn ý.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không huấn luyện gấp dù.

Được biết, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên huấn luyện dù TKCN, huấn luyện nhảy dù cho các đối tượng… thì nhiệm vụ TKCN đường không, khắc phục hậu quả thiên tai cũng được trung tâm đặc biệt coi trọng. Các anh thường phải làm những việc như: Bay tiếp tế lương thực, thực phẩm, thả phao cứu sinh cho nhân dân các vùng bị lũ lụt cô lập... Do đó, chỉ huy và các thành viên Đội TKCN đường không được lựa chọn hết sức khắt khe về trình độ chuyên môn, sức khỏe… đều phải tốt. Ngoài ra, các thành viên đều phải nắm chắc kiến thức và thuần thục kỹ năng sơ cứu ban đầu cho nạn nhân. Được biết, năm 2017, các đội TKCN của trung tâm đã tham gia trực bảo đảm 2.400 lượt người, tổ chức huấn luyện TKCN đạt gần 3.600 giờ. Đặc biệt, hai đội TKCN đường không của đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong diễn tập cứu hộ, cứu nạn đường không, được Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân tặng giấy khen.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Vy, Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không: Để công tác TKCN đường không đạt hiệu quả, trước hết phải chấp hành nghiêm quy trình, quy định ngay trong quá trình huấn luyện. Khi có tình huống cụ thể, cần xác định đặc điểm của tình huống đó để định hình nhiệm vụ cần phải thực hiện là gì, từ đó chuẩn bị và mang theo trang thiết bị thích hợp. Ngoài ra, các cá nhân phải nắm chắc nhiệm vụ, đồng thời cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo kỹ năng đã được trang bị vào quá trình thực hành TKCN trên cơ sở chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy định… Thực hiện tốt nhiệm vụ PCTT, TKCN là biện pháp tốt nhất để giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, quân đội và nhân dân khi có tình huống xảy ra...

Bài và ảnh: HOÀNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/coi-trong-cuu-nan-duong-khong-533858