Coi trọng xúc tiến thương mại tạo đầu ra bền vững cho nông sản đặc sản
Nông nghiệp là trụ cột kinh tế của Việt Nam, thế nhưng hiện nay việc tiêu thụ nông sản đặc sản tại thị trường trong nước lại không dễ.
Để giải quyết vấn đề trên đòi hỏi doanh nghiệp, địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Doanh nghiệp kêu trời vì thiếu đầu ra
Nói đến trái cây đặc sản của Nghệ An, người tiêu dùng thường nhắc đến đến sản phẩm bưởi Thanh Mỹ (Thanh Chương), thế nhưng hiện nay việc tiêu thụ không hề dễ dàng. Giám đốc HTX bưởi Thanh Mỹ Nguyễn Thị Xuân chia sẻ, so với bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi da xanh miền Nam thì chất lượng bưởi Thanh Mỹ không hề thua kém, song đầu ra cho quả bưởi vẫn gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào thương lái.
Thực tế cho thấy, thời điểm này nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao của Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Đại Thành (Quốc Oai) Trần Anh Khoa chia sẻ: Đại Thành có hơn 1.600 hộ trồng nhãn, diện tích 215ha, trong đó 60ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 2.500 tấn quả/vụ. Song đến nay, loại đặc sản này vẫn loay hoay với bài toán tiêu thụ vì số lượng doanh nghiệp liên kết tiêu thụ rất ít, nông dân phải tự tìm kênh phân phối cho sản phẩm.
Tương tự, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành thông tin sẻ, mặc dù sản phẩm gà đồi Ba Vì có tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát giết mổ nhưng việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu qua thương lái, giá cả bấp bênh.
“Mặc dù các hộ chăn nuôi mong muốn đưa được sản phẩm vào kênh siêu thị, song lại gặp phải rào cản đó là những đòi hỏi quá khắt khe, đặc biệt là công nợ dài ngày và chi phí cao khiến sản phẩm của hợp tác xã chưa thể vào kênh phân phối hiện đại” - ông Thành thông tin.
Phân tích nguyên nhân khiến sản phẩm nông sản gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đánh giá, có tình trạng đứt gãy trong liên kết sản xuất tiêu thụ là bởi nhiều người nông dân vẫn sản xuất theo hướng gieo trồng rồi mới tìm kiếm nhà tiêu thụ. Điều này dễ xảy ra hiện tượng khi có biến động thị trường, liên kết không chặt chẽ sẽ xảy ra việc người dân không tiêu thụ được sản phẩm, trong khi doanh nghiệp thiếu hàng.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong quá trình đầu tư sản xuất sản phẩm nông đặc sản mang tính chất phong trào, điều này dẫn đến hiện tượng trên cùng một thị trường có cùng loại sản phẩm tương tự dẫn đến dư nguồn cung. Doanh nghiệp đưa ra nhiều sản phẩm mới nhưng không đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm do không chú trọng truyền thông nên người tiêu dùng không biết đến sản phẩm.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại online
Để tạo đầu ra cho nông sản, đặc sản địa phương, theo các chuyên gia kinh tế doanh nghiệp, cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó nên chú trọng quả kênh online.
Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch (HPA) Hà Nội cho thấy, nhằm hỗ trợ các địa phương quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua HPA đã phối hợp với các doanh nghiệp bán lẻ liên tục tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức hội chợ, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền.
Nói về những lợi ích mà hoạt động xúc tiến thương mại này mang lại cho doanh nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) Nguyễn Đình Hướng chia sẻ, sau mỗi lần tham gia xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đơn vị có thêm các đối tác, khách hàng mới. Đây cũng là mong muốn khi chúng tôi tham gia các sự kiện này.
Nói về việc cần đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng để thông tin sản phẩm tới người tiêu dùng bên cạnh việc tham gia hội chợ doanh nghiệp nên khai thác hiệu quả kênh online.
“Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần tập trung hoạt động livestream bán nông sản, đặc sản địa phương trên nền tảng TikTok và các mạng xã hội. Từ đó, các sản phẩm nông sản, đặc sản sẽ tạo được sự lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng cả nước” - bà Hậu hiến kế.
Đồng hành đưa sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng trên nền tảng số, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp thông tin, thời gian qua đơn vị đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... Đặc biệt là tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp.
Tương tự, Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương nêu rõ, thời gian tới HPA đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số qua đó khai thác hiệu quả mà hoạt động xúc tiến thương mại mang lại.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của kinh tế, việc đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại qua chuyển đổi số là một trong những nội dung trong Chương trình số 03/CTr-UBND về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Hà Nội trong năm 2024.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, để hoàn thành Chương trình này, các cơ quan quản lý tận dụng tính ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạn Quyền cũng khuyến cáo bên cạnh sự hỗ trợ về xúc tiến thương mại thông hình thức online, doanh nghiệp cần chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa ra sản phẩm phù hợp thị trường cần tận dụng thương mại điện tử trong quá trình quảng bá, truyền thông, tiêu thụ sản phẩm.