Colombia và Uzbekistan trở thành thành viên mới của Ngân hàng Phát triển BRICS
Quyết định kết nạp hai quốc gia mới được thông qua trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS - sẽ khai mạc vào ngày 6/7 tại Rio de Janeiro (Brazil).

Ảnh minh họa. (Nguồn: News.by)
Ngày 5/7, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), bà Dilma Rousseff, thông báo Colombia và Uzbekistan chính thức trở thành thành viên mới của tổ chức tài chính này, còn được biết đến là Ngân hàng của nhóm BRICS.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Rio de Janeiro (Brazil) sau phiên họp lần thứ 10 của Hội đồng Quản trị NDB, bà Rousseff cho biết quyết định kết nạp hai quốc gia mới được thông qua trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sẽ khai mạc vào ngày 6/7 tại thành phố này.
Với việc kết nạp Colombia và Uzbekistan, NDB hiện có 11 thành viên bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Bangladesh, Algeria và Ai Cập.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi và đánh giá danh sách nhiều quốc gia khác có nguyện vọng gia nhập NDB. Tuy nhiên, tôi chưa thể tiết lộ vì theo quyết định của Hội đồng Thống đốc, các cuộc đàm phán cần được giữ kín,” bà Rousseff, cho biết. Bà Rousseff từng là Tổng thống Brazil (2011-2016).
NDB được thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ VI ở Fortaleza (Brazil) năm 2014. Trụ sở chính của tổ chức đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc).
Theo bà Rousseff, mục tiêu trọng tâm của NDB là hỗ trợ tài chính cho các lĩnh vực đổi mới, khoa học và công nghệ nhằm giúp các quốc gia BRICS bắt kịp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bà nhấn mạnh NDB là tổ chức tài chính của các nước thuộc khu vực Nam toàn cầu, hoạt động dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đảm bảo mọi thành viên đều có tiếng nói.
Đến nay, NDB đã tài trợ khoảng 40 tỷ USD cho 122 dự án, chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông và vệ sinh môi trường tại các quốc gia thành viên.
“NDB là ngân hàng thế kỷ 21, vận hành dựa trên các nguyên tắc đoàn kết, công bằng và tôn trọng chủ quyền quốc gia,” bà Rousseff khẳng định./.