Colonial Pipeline thừa nhận đã trả 4,4 triệu USD tiền chuộc cho tin tặc
Theo một nguồn tin, tiền chuộc được trả bằng đồng bitcoin. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sau đó xác định DarkSide là nhóm tin tặc đứng sau vụ tấn công mạng.
Ngày 19/5, ông Joseph Blount, Giám đốc điều hành Colonial Pipeline - nhà vận hành đường ống dẫn xăng dầu lớn nhất Mỹ, xác nhận công ty đã phải 4,4 triệu USD tiền chuộc cho tin tặc để đổi lấy quyền kiểm soát hệ thống, cho rằng đây là "việc làm cần thiết vì lợi ích quốc gia".
Theo báo The Wall Street Journal, ông Blount thừa nhận quyết định trên gây tranh cãi song là cần thiết do việc gián đoạn nguồn cung nhiên liệu gây tác động đến người dân Mỹ.
Ông Blount cho biết dù hoạt động hệ thống đường ống dẫn xăng dầu đã trở lại bình thường, song công ty này sẽ phải chi thêm hàng triệu USD và mất nhiều tháng để khôi phục hoàn toàn và củng cố mạng lưới của mình.
Tờ báo trên dẫn các nguồn thạo tin cho hay sau khi trả tiền chuộc vào tối 7/5, tức là ngay sau khi xảy ra vụ tấn công mạng, Colonial Pipeline đã nhận được một công cụ giải mã để khôi phục mạng máy tính.
Theo nguồn tin này, tiền chuộc được trả bằng đồng bitcoin. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sau đó xác định DarkSide là nhóm tin tặc đứng sau vụ tấn công mạng.
Đây là lần đầu tiên Colonial Pipeline công khai xác nhận thông tin trả tiền chuộc trên. Trước đó, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cũng đăng tải thông tin có nội dung tương tự.
Ngày 7/5, Colonial Pipeline thông báo bị tấn công mạng bằng mã độc tống tiền (ransomware) và buộc phải đóng một số hệ thống. Sự cố này đã gây ra gián đoạn nguồn cung quy mô lớn, khiến hàng nghìn trạm xăng ở Bờ Đông nước Mỹ rơi vào cảnh khan hiếm hàng và giá xăng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017.
Chính phủ Mỹ đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại 17 bang và thủ đô Washington, đồng thời tạm dỡ bỏ các quy định tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nhiên liệu giữa các cảng. Sau hơn 1 tuần bị ảnh hưởng, đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline đã hoạt động bình thường trở lại.
Colonial Pipeline vận chuyển xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm tinh chế khác từ Vịnh Mexico tới các bang ở Bờ Đông nước Mỹ thông qua đường ống dài 8.850 km, phục vụ trên 50 triệu khách hàng.
Ngoài ra, hệ thống này cũng cung cấp nhiên liệu cho một số sân bay lớn nhất của nước Mỹ, trong đó có Hartsfield Jackson của thành phố Atlanta, bang Georgia - sân bay được đánh giá nhộn nhịp hàng đầu thế giới./.