'Cơm áo không đùa' với cả... ngôi sao

Còn ít ngày nữa giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia (V.League) 2024 - 2025 sẽ chính thức khai mạc. Trong khi nhiều đội bóng âm thầm hoặc ồn ào tìm cách tăng cường lực lượng cho mình thì gần như chắc chắn, đội bóng đất Võ sẽ chia tay cầu thủ thuộc hàng ngôi sao là thủ môn Đặng Văn Lâm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chưa có sự công khai theo kiểu “hai năm rõ mười” giữa các cá nhân và tập thể có liên quan nhưng không phải ngẫu nhiên mà Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Bình Định vừa công bố ký hợp đồng với thủ môn Nguyễn Anh Tuấn cùng một “người gác đền” khác nữa là Hoài Anh - cầu thủ mới đứng trong khung gỗ trong trận Bình Định thua CLB TP Hồ Chí Minh 1-2 chiều 26/8/2024. Một câu hỏi được đặt ra là: nếu không chuẩn bị chia tay Đặng Văn Lâm thì làm sao tự nhiên đội bóng đất Võ lại chiêu mộ cùng lúc hai thủ môn khác? Và ngoài Đặng Văn Lâm thì Bình Định vẫn còn đó một thủ môn giỏi nữa là Tuấn Linh. Không đội bóng nào đăng ký 4 thủ môn cho một mùa bóng và 2 trong số đó được đánh giá cao về chuyên môn (Đặng Văn Lâm, Tuấn Linh)...

Ở một diễn biến khác, cách đây không lâu, huấn luyện viên Nguyễn Việt Thắng của CLB Thanh niên TP Hồ Chí Minh từng lên tiếng xác nhận: Đặng Văn Lâm đã ký với đội bóng này - tân binh của giải hạng Nhất - một bản hợp đồng có thời hạn 4 năm. Trong đó, tiền lót tay cho thủ môn họ Đặng là 6,8 tỷ đồng/năm. Tính cả lương và thưởng thì số tiền Đặng Văn Lâm nhận được trong 4 năm sẽ hơn 30 tỷ đồng. Có gì bất thường không khi một cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ lại chấp nhận một bản hợp đồng ngược: từ giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia xuôi về chơi ở giải hạng Nhất?

Chuyện của Đặng Văn Lâm hầu như không xảy ra ở các nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Âu và thế giới. Ở các nền bóng đá đó (như Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức...), các cầu thủ đang thời đỉnh cao phong độ rất ít khi chấp nhận thi đấu cho các đội bóng kém tham vọng hoặc không xứng với tên tuổi, danh tiếng của mình. Ngay cả khi đội bóng anh ta đang thi đấu gặp khó khăn về tài chính, không thể cáng đáng được khoản lương như đã từng trả, cầu thủ cũng sẵn sàng chấp nhận cắt giảm lương, chia sẻ khó khăn với CLB với nguyện vọng không gì khác là được tiếp tục thi đấu đỉnh cao. Chỉ đến khi sự nghiệp của họ chính thức ở bên kia sườn dốc, không đủ thể lực, phong độ cạnh tranh với các đồng nghiệp trẻ tuổi, sung sức, nhiều người mới chấp nhận chuyển đến các giải đấu thấp hơn, ít tính cạnh tranh mà vẫn có thu nhập xông xênh. Chẳng hạn: một số cầu thủ Brazil từng thi đấu ở Trung Quốc như Oscar, Hulk...; khi đã ở tuổi U40, tiền đạo ngôi sao hàng đầu thế giới Lionel Messi (người Argentina) mới chịu sang thi đấu ở giải bóng đá nhà nghề Mỹ (chơi cho CLB Inter Miami). Rồi người từng cạnh tranh quyết liệt với Lionel Messi cho các danh hiệu cá nhân trong hơn một thập kỷ trở lại đây là Cristiano Ronaldo (người Bồ Đào Nha) cũng năm ngoái mới chuyển đến thi đấu ở Arabia Saudi (CLB Al-Nassr)...

Những trường hợp chuyển nhượng ngược như Đặng Văn Lâm chỉ có thể giải thích rằng: “Cơm áo không đùa” với... ngôi sao! Đời cầu thủ vốn đã ngắn, những năm thi đấu đến độ chín, đạt tới đỉnh cao còn ngắn hơn nên nhiều cầu thủ đã nghĩ tới lúc... chia tay sân cỏ ngay từ khi còn ra sân. Với họ, thi đấu cho đội bóng nào cũng được, đổi lại là có trong tay một bản hợp đồng hậu hĩnh, giá trị càng cao càng tốt. Đang ở đỉnh cao phong độ, dẫu có ngụp lặn ở các đội bóng hạng dưới cũng chả “chết” ai, miễn tiền đều đặn chảy vào tài khoản. Điều đáng nói là trước Đặng Văn Lâm, thủ môn Dương Hồng Sơn cũng quyết lời dứt áo ra đi khỏi đội Sông Lam Nghệ An (một thế lực của bóng đá quốc nội cách đây 15 năm) để cập bến Hà Nội T&T, một CLB chưa có “số má” gì lúc bấy giờ.

Rõ ràng, chuyện tiền bạc và phong độ của nhiều cầu thủ ở ta không có gì khó hiểu. Họ chẳng có gì sai khi chuẩn bị cho tương lai bởi suy cho cùng thì ai cũng phải tự lo cho mình... song không phải không có những điều đáng để nghĩ suy, tiếc nuối: phong độ đỉnh cao có thể đẻ ra tiền bạc nhưng tiền bạc không thể mua được phong độ. Và khi đã thi đấu ở một đẳng cấp không tương xứng thì phong độ dẫu có cao đến đâu cũng theo đó mà cùn mòn!

THANH HÀ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/com-ao-khong-dua-voi-ca-ngoi-sao-32670.htm