Cơm chan mùi hoa nắng
Tôi chẳng thích bông điên điển làm bất cứ món ăn gì. Chỉ thích màu vàng của nó trong những ngày ngồi đóng kịch một mình.
Tôi không biết lúc đó mình đang làm gì. Phim hay kịch gì cũng xa lạ với đứa trẻ quê. Chỉ có cải lương là mỗi tháng được trốn nhà đi coi ké ti vi hàng xóm một lần. Tôi chỉ thích gắn bông điên điển nở vàng lên tóc và tự trò chuyện với mình như vậy. Rồi tôi nói gì đó với tôi. Thật sự tôi cũng không nhớ mình đã nói gì. Chỉ nhớ khi thấy thím Năm đi ngang tôi núp xuống dưới một thân cây gáo đang nằm dài. Núp là để mắt tôi đừng nhìn thấy thím vậy thôi chớ tôi lồ lộ, cây gáo không che chắn được gì. Tôi cảm thấy rất mắc cỡ vì cái chuyện gắn bông đầy đầu. Nhưng thím đi rồi tôi lại ngồi dậy với vai tuồng ngồ ngộ của mình cùng những chùm bông điên điển nở vàng gắn vòng trên tóc.
Tôi chẳng nhớ gì nhiều chỉ nhớ màu vàng rộm của nó nở rực trong nắng trưa, rực tới chiều là xong một đời hoa mỏng mảnh. Một màu vàng tươi mới lộng lẫy. Khi nhìn điên điển nở trong nắng cái màu rạng ngời kiêu sa như vậy, tôi không hình dung sao người xưa có thể chọn nó làm món ăn. Nhưng khi ăn ngon, tôi hiểu rằng điên điển cứu rỗi khẩu vị của người phương Nam mở đất vào những ngày nước nổi.
Nước linh binh, những loại rau đậm mùi đều không còn đất sống. Trong từng bữa cơm chỉ có rau muống, bông súng vượt theo nước non nhễu lạt xèo. Duy nhất giữa màu nước chỉ có bông điên điển còn nặng mùi thơm của nắng, của khí trời và cả mùi rơm rạ nằm sâu dưới đất, chìm trong đáy nước.
Cây điên điển, cả một đời dềnh dàng vô dụng, lắt lay bộ rễ bạ trong nước mấy tháng trời cũng chỉ để chắt chiu dòng nhựa trắng tinh và tung vào nắng một màu hoa ấm áp. Một món quà đẹp của thiên nhiên dành cho những cư dân thời kham khổ linh binh.
Hoa nắng, hoa của trời để dành ăn cùng với những sản vật từ nước. Những loại cá nước lên, ngọt lành, dậy mỡ trở nên đậm đà hơn khi có bên cạnh những nhúm bông điên điển tươi, dĩa bông điên điển muối chua trong nước cơm cùng rau muống hoặc xào nhanh với ngọn lửa áp đầy đáy chảo.
Khi nấu canh chua với bông điên điển, tôi cảm nhận được sự sang cả của món rau quê. Không phải nó sang cả vì quá đắt đỏ. Cũng không phải vì nó hiếm hoi. Mà trong chế biến nó đòi hỏi một sự khắt khe.
Điên điển nồng nàn là hẳn nhiên nhưng nó chỉ nồng nàn khi được thả vào nồi canh đang bốc khói khi bếp vừa tắt lửa. Nước nguội quá hoặc nóng quá, mùi hương đặc trưng khó dậy lên mạnh nhất. Hẳn nhiên, canh chua điên điển không thể thiếu nước mắm cá linh, vài lá ngò gai, lá quế, ngò om, tần dày lá. Tất cả hãy xắt nhuyễn, hãy thả thẳng vào, trộn trong nước canh đang nóng. Dòng nhựa thơm lừng của những loại rau vừa tứa ra khỏi lá nhanh chóng hòa vào nước canh chua nóng, hòa với vị nước mắm cá linh, với hương đồng bông điển điển… Những dòng hương đậm đặc nhẹ nhàng đó theo làn hơi nước nóng bốc lên cao, lượn trong không khí...
Mùi canh chua đồng quê nó kỳ lạ như vậy. Người trong bếp chẳng nghe gì, người ngoài ngõ đã tường.
Tôi không nhớ mình thích ăn canh bông điên điển từ khi nào. Có lẽ đồng loạt với những sầu đâu, tần dày lá và nhiều loại rau đậm đặc hương vị quê nhà. Hồi con nít chê ỏng chê ẹo bao nhiêu thì càng già người ta càng thích những món đặc trưng xứ sở.
Đôi lần tôi nấu canh chua bông điên điển cho bạn bè ăn, nồi canh chỉ rặt cá rô đồng và bông điên điển. Bạn nói thấy lạ, thấy thèm, thấy ghiền dẫu đã được ăn đôi lần đâu đó. Khác là phải rồi. Nó được chế biến bởi một sự biệt đãi cho cả ba, cho người thưởng thức, cho gia vị, cho ký ức của loài rau khi nó không phải là món ăn mà chính là một người bạn. Những biệt đãi đó làm cho nồi canh chua lỏng bỏng chỉ duy nhất màu điên điển trở nên gợi nhớ. Chẳng biết lần sau bạn ăn từng muỗng canh tôi nấu có giống ngày trước hay không. Mà tìm làm sao được hương vị cũ với một người nấu ăn tùy hứng. Nhưng bạn yên tâm. Biệt đãi vẫn còn thì hẳn nhiên sẽ còn những cơn tùy hứng khác để bạn được đãi đằng.
Dẫu gì, người nấu ngày càng mến mộ hoa và hoa vẫn còn y đó dòng hương tràn ngập nắng gió và màu ký ức.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/com-chan-mui-hoa-nang-23394.html