'Cơm chữ' yêu thương gửi tuyến đầu chống dịch của chàng nhiếp ảnh gia
Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, Phạm Phúc Lợi (hay còn được biết đến là nhiếp ảnh gia Kiếng Cận) lại nắn nót ghi từng dòng thơ, câu vè dí dỏm trên các suất ăn của bếp thiện nguyện thuộc quỹ 'Sài Gòn thương'.
Trên nắp hộp xốp trắng, những dòng chữ xanh, đỏ kèm hình vẽ minh họa dễ thương đã mang đến niềm vui cho bất cứ ai trông thấy. “Cơm này từ tấm lòng thành, ăn mà ngon quá đừng giành kế bên”, “Cơm này không tính bằng tiền, quy ra tình cảm cả miền yêu thương”… là những câu được Phúc Lợi ngẫu hứng sáng tác vì muốn lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người. Với anh, tinh thần lạc quan là “chìa khóa” để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Sau phần đầu tiên của “cơm chữ” được anh Lợi đăng tải lên trang cá nhân, rồi được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn, nhiều bình luận, tin nhắn mong chờ phần tiếp theo đã được gửi đến anh. “Ban đầu, mình không nghĩ mọi người lại đón nhận tích cực như vậy. Và mình thấy, việc làm này không chỉ đến với người nhận hộp cơm, mà bây giờ còn lan rộng ra cả cộng đồng”. Anh cũng cho biết, giá trị của sự san sẻ là sức mạnh giúp vực dậy tinh thần, khi xung quanh có quá nhiều điều tiêu cực. Đây chính là động lực để anh tiếp tục thực hiện hoạt động ý nghĩa trên.
Những "hộp cơm chữ" với thông điệp dễ thương. (Ảnh: NVCC)
Trước dịch, công việc của anh tập trung vào các lĩnh vực nhiếp ảnh, sáng tạo và giảng dạy. Dịch bệnh đã khiến quỹ thời gian của Phúc Lợi trống hơn, nên anh rủ gia đình tham gia các hoạt động xã hội, trong đó có bếp thiện nguyện thuộc quỹ “Sài Gòn thương” (do khoa Du lịch và Việt Nam học, trường ĐH Nguyễn Tất Thành khởi xướng). Bản thân là giảng viên của khoa, lại thừa hưởng khiếu nấu ăn từ gia đình, anh và người thân đã gia nhập bếp ăn để hỗ trợ thầy cô giáo.
“Gian bếp đã đi vào hoạt động cách đây hơn hai tháng. Thầy cô là những người quen với việc giảng dạy thì giờ lại trở thành “đầu bếp”, hằng ngày nấu 100 - 200 phần ăn gửi đến tuyến đầu chống dịch, bệnh nhân F0 hay những người khó khăn. Thấu hiểu sự vất vả ấy, mình quyết định rủ gia đình cùng tham gia góp sức”, nhiếp ảnh gia Kiếng Cận cho hay.
Phúc Lợi gắn bó với căn bếp thiện nguyện.
Giờ đây, số lượng hộp cơm trao đi đã tăng lên 300 - 400 phần/ngày. Để đảm bảo an toàn, những người tham gia sẽ ở lại, sinh hoạt tại chỗ. Mọi người thay phiên nhau đảm nhận các công đoạn, từ chuẩn bị, nấu nướng, dọn dẹp cho đến đóng gói và giao cơm. Mỗi người luôn cố gắng hoàn thành công việc của mình; đồng thời quan tâm, hỗ trợ các thành viên khác để công việc diễn ra tốt nhất.
“Đóng quân” ở căn bếp gần 20 ngày, ngoài thời gian làm việc, Phúc Lợi và mọi người còn có những phút giây thư giãn bên nhau. Kết thúc công việc, các thành viên của bếp ăn sẽ dành ra một giờ đồng hồ chơi thể thao. Buổi tối, mọi người quây quần để chuẩn bị nguyên liệu cho hôm sau và không quên trò chuyện, gắn kết tình cảm. Ngoài ra, anh Lợi còn tổ chức các chương trình giao lưu như “Ép bạn nghe đài”, “Quà tặng âm nhạc”, “Tâm sự đêm khuya”… nhằm tạo không khí vui vẻ sau một ngày làm việc căng thẳng. Đặc biệt, “cơm chữ” ra đời cũng đã giúp cả căn bếp ngập tràn tiếng cười.
Phúc Lợi luôn muốn mang niềm vui đến cho mọi người.
Từ ngày tham gia gian bếp, Phúc Lợi học được nhiều bài học lớn về cách chia sẻ, sự cống hiến của tuổi trẻ để thấy cuộc đời mình còn may mắn hơn nhiều hoàn cảnh khác. Từ trước đến nay, anh vẫn luôn tâm niệm mình phải lạc quan, sống bao dung hơn và sẵn sàng mở rộng tâm hồn để đón nhận sự tích cực.