Cơm nguội để tủ lạnh được mấy ngày? Cẩn thận kẻo rước họa vào thân!

Cơm nguội là món quen thuộc trong nhiều gia đình, thường được tận dụng cho bữa sau hoặc chế biến món mới. Tuy nhiên, nếu bảo quản sai cách, cơm nguội có thể trở thành 'ổ' vi khuẩn gây ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy nên để cơm nguội trong tủ lạnh bao lâu là an toàn?

Cơm nguội – tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, chuyện nấu cơm bị dư gần như là điều không thể tránh khỏi. Thay vì bỏ đi, nhiều người chọn cách giữ lại cơm nguội cho bữa sau, hâm nóng lại, rang, nấu cơm trộn hay làm cơm cháy.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tái sử dụng cơm nguội không đơn thuần là chỉ bảo quản trong tủ lạnh rồi đem ra hâm lại. Nếu không cẩn thận, cơm nguội có thể trở thành nguồn gây hại cho đường tiêu hóa đặc biệt là với trẻ nhỏ, người già và người có hệ miễn dịch yếu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cơm nguội để tủ lạnh được bao lâu?

Thông thường, cơm nguội có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 3 đến 5 ngày. Tuy nhiên, giới chuyên môn khuyến cáo chỉ nên sử dụng trong vòng 1–2 ngày để đảm bảo chất lượng và hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.

Lý do là trong gạo tồn tại sẵn vi khuẩn Bacillus cereus – có thể sống sót sau quá trình nấu chín và sinh độc tố gây tiêu chảy, buồn nôn nếu cơm không được bảo quản đúng cách. Nguy hiểm hơn, dù đã để tủ lạnh, nếu cơm bị nhiễm khuẩn trước đó, việc hâm nóng lại cũng không loại bỏ được độc tố.

3 bước bảo quản cơm nguội đúng cách

- Làm nguội nhanh: Sau bữa ăn, hãy rải cơm ra đĩa lớn hoặc hộp để cơm nguội đều trong vòng 1 tiếng. Không đậy kín khi cơm còn nóng vì sẽ giữ nhiệt, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

- Đựng cơm trong hộp kín: Dùng hộp nhựa chuyên dụng hoặc thủy tinh có nắp đậy. Tránh để cơm hở trong nồi hay bát, vì dễ hấp thụ mùi và vi khuẩn từ tủ lạnh.

- Bảo quản ở ngăn mát đúng nhiệt độ: Đặt cơm ở ngăn mát (dưới 4°C), không để ở cánh cửa tủ, nơi nhiệt độ dao động thường xuyên.

Dấu hiệu nhận biết cơm nguội đã hỏng

Dù bảo quản trong tủ lạnh, cơm vẫn có thể bị hư nếu xử lý không đúng. Những dấu hiệu cảnh báo bao gồm:

Mùi chua, lạ

Màu sắc bất thường (vàng, xanh, đen)

Cơm bị nhớt, dính

Có mùi tủ lạnh quá nồng hoặc mùi nhựa

Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào, tuyệt đối không ăn, dù cơm nhìn “có vẻ” vẫn ổn.

Hâm cơm nguội sao cho ngon và an toàn?

Trước khi ăn, nên hâm cơm đúng cách để diệt khuẩn:

Lò vi sóng: Cho cơm vào hộp có nắp, thêm ít nước, quay 1–2 phút.

Chảo: Thêm chút nước, đảo đều đến khi cơm nóng.

Nồi cơm điện: Trộn với nước, bật chế độ “cook” hoặc “warm”.

Lưu ý: Chỉ nên hâm cơm một lần duy nhất. Hâm lại nhiều lần làm tăng nguy cơ phát sinh độc tố.

Có nên ăn cơm nguội thường xuyên?

Cơm nguội không độc nếu được bảo quản và hâm đúng cách. Thậm chí, nó còn chứa kháng tinh bột, tốt cho tiêu hóa và kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, không nên ăn liên tục nhiều ngày hoặc dùng cho người có hệ tiêu hóa yếu.

Cơm nguội là thực phẩm quen thuộc, tiện lợi, nhưng nếu bảo quản sai cách có thể gây hậu quả khôn lường. Tủ lạnh không phải “tủ thần” giữ mọi thứ tươi ngon mãi mãi nên hãy chú ý đến thời gian, cách bảo quản và luôn ưu tiên an toàn thực phẩm.

Hạ Vy (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/com-nguoi-de-tu-lanh-duoc-may-ngay-can-than-keo-ruoc-hoa-vao-than-20588.html