Cơm nhà nông
Một ngày Chủ tịch huyện Ngô không thông báo gì cả mà đột nhiên gọi lái xe đưa mình xuống thị trấn Thanh Phong.
Chủ tịch huyện đi một mình lần này là có nguyên nhân của nó: Mấy hôm trước một tờ báo của thành phố có đăng bài của Chủ tịch thị trấn Triệu, bài viết nói rằng để tăng cường xây dựng chính quyền thị trấn trong sạch, chính quyền thị trấn Thanh Phong đã ban hành quy định mới là khi tất cả các cán bộ cấp trên đến thị trấn công tác đều ăn cơm ở nhà ăn của thị trấn với 4 món ăn bình dân của nhà nông.
Khi bài báo vừa đăng đã thu hút sự chú ý của Chủ tịch huyện. Sắp tới huyện sẽ tổ chức cuộc họp tổng kết tuyên dương việc xây dựng chính quyền trong sạch và đang khuyết một địa phương lên báo cáo điển hình về công tác này. Chủ tịch huyện muốn tự mình đi xác minh nếu tình hình đúng như bài báo đã đăng thì ông sẽ để cho thị trấn Thanh Phong làm báo cáo điển hình.
Phó Chủ tịch thị trấn Ngọ đang ngồi xem báo ở văn phòng thì Chủ tịch huyện đến, Phó chủ tịch không khỏi ngạc nhiên vội mời Chủ tịch huyện ngồi. Phó Chủ tịch cung kính nói: “Mời Chủ tịch uống trà để tôi báo Chủ tịch Triệu”, nói xong nhấc điện thoại nhưng Chủ tịch Ngô xua xua tay ngăn lại: “Khỏi cần, khỏi cần, nghe nói thị trấn làm công tác xây dựng chính quyền trong sạch rất tốt, khách đến chiêu đãi cơm bình dân nhà nông, tôi đến để xem tình hình thực tế thế nào? Bài viết trên báo là của Chủ tịch Triệu, viết hay lắm, trước tiên ông hãy nói về tình hình triển khai công việc này cho tôi nghe”.
Công việc này đúng ra là của Chủ tịch thị trấn nhưng lúc này Chủ tịch lại không có ở đây, Phó Chủ tịch Ngọ nắm vấn đề không rõ lắm nhưng không nói thì bất kính với cấp trên và ông Phó Chủ tịch cũng rất nhanh trí theo nội dung của bài báo trình bày cho Chủ tịch huyện nghe, bài báo này là do người thư ký viết theo chỉ đạo của Chủ tịch thị trấn Triệu.
Phó Chủ tịch Ngọ vừa báo cáo xong thì Chủ tịch thị trấn Triệu về văn phòng, vừa ngồi xuống thì Chủ tịch huyện nói: “Bây giờ ông đưa tôi đi xem khu nông trại của thị trấn mới xây dựng”. Chủ tịch thị trấn đứng lên nói: “Trưa nay mời Chủ tịch huyện thưởng thức cơm nhà nông chính cống của chúng tôi”. Khi Chủ tịch huyện vào nhà vệ sinh, Chủ tịch Triệu ghé sát tai nói nhỏ với Phó Chủ tịch Ngọ: “Bốn món ăn là châu chấu, nhộng tằm, cua sông và trứng gà đồi”.
Khi Chủ tịch huyện Ngô và Chủ tịch thị trấn vừa đi khỏi, Phó Chủ tịch Ngọ lập tức điều động với mấy nhân viên văn phòng, một đi Tây Trang mua châu chấu, một đi Đông Trang mua nhộng tằm, một đi Nam Trang mua cua sông và một đi Bắc Trang mua trứng gà đồi. Không lâu sau họ gọi điện về báo là: Châu chấu 200 tệ, nhộng tằm 300 tệ, cua sông 500 tệ, trứng gà đồi 400 tệ.
Phó Chủ tịch Ngọ giật mình vì đây là một khoản tiền kha khá nên không dám tự ý quyết mà lặng lẽ gọi điện báo cho Chủ tịch Triệu, Chủ tịch Triệu nói: “Đãi Chủ tịch huyện thì bao nhiêu tiền cũng phải chi”. Khi Chủ tịch huyện và Chủ tịch thị trấn đi xem nông trại về thì một mâm “cơm nhà nông” đã được bày lên bàn trong nhà ăn của trụ sở thị trấn.
Chủ tịch thị trấn mời Chủ tịch huyện món nhộng tằm tẩm bột rán: “Chủ tịch, thứ này là bà con nông dân thị trấn nuôi trồng không đáng bao nhiêu tiền, mời anh ăn đi”.
Chủ tịch huyện ăn món ăn dân dã vừa béo vừa bùi nói: “Việc xây dựng chính quyền trong sạch phải được bắt đầu từ cấp ủy và chính quyền cơ sở. Bữa “cơm nhà nông” của Thanh Phong vừa ngon, vừa tiết kiệm mà quan trọng hơn là nó còn đưa chính quyền đến gần người dân hơn, cách làm của Thanh Phong đáng được quảng bá trên toàn huyện”.
Không lâu sau huyện tổ chức một cuộc họp tổng kết để tuyên dương công tác xây dựng chính quyền trong sạch. Trong hội nghị này Chủ tịch thị trấn Thanh Phong đã có một bài báo cáo điển hình. Khoảng hai tháng sau, Chủ tịch Triệu được đề bạt làm Cục trưởng nông nghiệp huyện và Phó Chủ tịch Ngọ được đề bạt lên làm Chủ tịch thị trấn..
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/com-nha-nong-650223/