Con 6 tuổi bỏng nước sôi, mẹ cấp tốc làm 2 việc này khiến bác sĩ khen nức nở

Không chỉ nhanh trí, người mẹ này còn rất khoa học khi sơ cứu ban đầu cho con. Chính điều này đã giảm bớt đau đớn cho bé.

Mới đây, người mẹ họ Bảo (Trung Quốc) đang rửa bát trong bếp thì đột nhiên nghe thấy tiếng khóc trong phòng khách và vội vàng chạy đến. Hóa ra con trai cô trong lúc chơi cạnh bình nước nóng đang đun sôi đã bị bình nước đổ vào người.

Sau vài giây hốt hoảng, cô Bảo trấn tĩnh lại và đưa con ra vòi nước lạnh để rửa vết bỏng. Cùng lúc, bà nội của cháu bé cũng chạy đến, nhìn thấy vậy thì nhất quyết đòi bôi kem đánh răng lên vết thương của bé, nói là có thể làm dịu vết bỏng nhưng cô Bảo nhất quyết không chịu.

Rửa xong vết thương cho bé bằng nước lạnh, mẹ Bảo vội vàng gọi cấp cứu. Khi đưa con đến bệnh viện, vết bỏng không nặng thêm, bác sĩ điều trị cũng không phức tạp.

Khi biết được cách sơ cứu của cô Bảo, bác sĩ vô cùng khâm phục và hết lời tán dương. Để bà nội và gia đình hiểu, bác sĩ cũng giải thích, tính the của kem đánh răng khi bôi lên da tạo cảm giác mát lạnh, nên nhiều người lầm tưởng bôi kem đánh răng có thể làm dịu vết bỏng.

Bác sĩ cũng nhấn mạnh, việc bôi kem đánh răng là sai lầm, phản khoa học bởi vì trong kem đánh răng có chứa kiềm, khi tiếp xúc với vết thương do bỏng có thể dẫn đến tình trạng bỏng kiềm, nhiễm trùng, làm vùng da bị bỏng trở nên đau đớn và tăng mức độ bỏng cũng như kéo dài thời gian điều trị lâu hơn.

Từ những trường hợp trẻ bỏng nước sôi, bác sĩ Trần Hoàng Kim cũng đưa ra lưu ý khi sơ cứu ban đầu cho trẻ bị bỏng như sau:

- Loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đưa trẻ ra khỏi nơi có tác nhân.

- Nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch. Việc này giúp giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

Nếu không, có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần. Vì ngay cả khi đã không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Tiếp đó, bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm.

- Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn làm cho vết bỏng nặng hơn.

- Động viên, trấn an bé, nếu trẻ đau nhiều thì dùng thuốc giảm đau (paracetamol) đúng liều lượng.

- Nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra tách khỏi vết bỏng tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.

- Nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề.

- Sau sơ cứu ban đầu, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng.

* Đặc biệt lưu ý:

Không được bôi bất cứ thuốc hoặc hóa chất nào lên vết bỏng. Không dùng đá để làm mát vết bỏng, điều này khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, vùng da vừa bị bỏng sẽ bị lạnh đột ngột làm tế bào co lại khiến vết bỏng lâu khỏi và dễ bị loét hơn.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, do đó, để phòng tránh những tai nạn bỏng đáng tiếc xảy ra với trẻ, bố mẹ, người trông trẻ cần thường xuyên để mắt đến trẻ; để những thứ dễ gây bỏng như nước sôi, phích nước… xa tầm với của trẻ và ở nơi gọn gàng, tránh để ở lối đi khiến người khác va phải; kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm cho trẻ nhỏ, không để trẻ tự vặn vòi nước nóng.

Riêng đối với trẻ em đã nhận thức được, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở trẻ về cách phòng tránh tai nạn bỏng; bố trí bếp và nơi đun nấu xa tầm với của trẻ và sắp xếp gọn gàng; không nên ăn thức ăn nóng khi đang bế trẻ, chơi đùa với trẻ. Khi đun nấu cần để các cán xoong chảo quay vào trong, tránh vô tình va phải gây bỏng.

Hà Lan (Tổng Hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/con-6-tuoi-bong-nuoc-soi-me-cap-toc-lam-2-viec-nay-bac-si-khen-nuc-no-a510353.html