Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh ho gà cho trẻ nhỏ

Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Hầu hết trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm vaccine ho gà theo độ tuổi.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 15 trường hợp mắc bệnh tại 8/15 huyện, thị xã, thành phố, tăng 14 trường hợp so với năm 2023. Hầu hết trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm vaccine ho gà theo độ tuổi.

Đối với các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh ho gà, sau khi tiếp nhận và thăm khám theo triệu chứng lâm sàng, bệnh nhi đều được chẩn đoán xác định. Đến nay, các trường hợp mắc bệnh ho gà trên địa bàn tỉnh đều được điều trị ổn định. Công tác phòng, chống dịch bệnh được ngành y tế Đắk Lắk triển khai theo đúng quy định.

 Ngành y tế Đắk Lắk tập trung thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ thuộc các nhóm tuổi. Ảnh: Đình Thi.

Ngành y tế Đắk Lắk tập trung thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ thuộc các nhóm tuổi. Ảnh: Đình Thi.

Bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk , ho biết ho gà là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, gây biến chứng nặng, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng ở một số trường hợp.

Đáng lo ngại, đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan cao, thời gian ủ bệnh dài, biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh ho gà chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua giọt nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp.

Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà như: viêm phổi nặng, đây là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng; biến chứng viêm não với tỷ lệ không qua khỏi cao.

Ngoài ra, trẻ mắc ho gà còn có thể có các biến chứng như: lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng; trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi; xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác…

"Để hạn chế tình trạng nhiễm bệnh ho gà thì vấn đề tiêm phòng vaccine theo đúng Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nhất. Ngoài ra, phụ nữ mang thai hơn 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm. Bên cạnh đó, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu bị ốm; tăng cường chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nếu trẻ ốm, ho, sổ mũi hoặc có những tình trạng ho kéo dài, trong cơn ho có thể đỏ mặt hoặc tím thì phải cho trẻ đi kiểm tra ngay", bác sĩ Long khuyến cáo.

Theo CDC Đắk Lắk, trước tình hình xuất hiện các trường hợp mắc ho gà, Trung tâm đã tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh tại cơ sở y tế và tại cộng đồng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng bệnh; tiếp tục triển khai tốt công tác tiêm chủng, đặc biệt là tiêm chủng các vaccine có thành phần ho gà. Chủ động rà soát, triển khai tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm đầy đủ vaccine trong tiêm chủng mở rộng giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ các địa phương khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch hiện có trên địa bàn, khống chế không để dịch lan rộng; chuẩn bị các nguồn lực, trang thiết bị, máy móc, hóa chất sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh lớn xảy ra.

 Tiêm phòng vaccine cho trẻ theo đúng chương trình tiêm chủng mở rộng là biện pháp phòng bệnh ho gà đặc hiệu nhất. Ảnh: Đình Thi.

Tiêm phòng vaccine cho trẻ theo đúng chương trình tiêm chủng mở rộng là biện pháp phòng bệnh ho gà đặc hiệu nhất. Ảnh: Đình Thi.

Tại Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành ở tất cả địa phương trong cả nước. Trường hợp có dịch ho gà xảy ra, bệnh thường diễn biến nặng, nguy hiểm tính mạng do bị bội nhiễm gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Hiện nay, bệnh ho gà đã có vaccine phòng bệnh và được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Lịch tiêm chủng vaccine có thành phần ho gà cho trẻ em tại Việt Nam được bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi.

Để bảo vệ trẻ không bị ho gà khi chưa đủ tuổi tiêm chủng thì miễn dịch thụ động được thừa hưởng từ mẹ (kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai) là rất cần thiết. Tiêm chủng vaccine có thành phần ho gà cho mẹ thời kỳ mang thai giúp bảo vệ người mẹ khỏi bị nhiễm và lây bệnh ho gà cho con. Đồng thời, cung cấp kháng thể phòng bệnh ho gà bảo vệ trẻ những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ.

Ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp bảo vệ như đối với phụ nữ mang thai cần tiêm vaccine có thành phần ho gà trong thời gian đầu của thai từ 27-36 tuần tuổi. Đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh (có thành phần ho gà) đầy đủ, đúng lịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bảo Trọng - Tiểu Huệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bien-phap-tot-nhat-de-phong-benh-ho-ga-cho-tre-nho-post1484940.html