Cơn ác mộng của VĐV nữ đầu tiên ở Afghanistan dự Olympic
Friba Rezayee lo ngại rằng những quyền lợi mà phụ nữ nước này đạt được suốt 20 năm qua sẽ tan biến dưới chế độ Taliban.
"Một khi Taliban thành lập chính quyền và ổn định tổ chức, họ sẽ truy lùng những cá nhân có quan điểm trái chiều. Phụ nữ được đi học, có bằng đại học hoặc hoạt động trong lĩnh vực thể thao có thể bị nhắm đến", VĐV Friba Rezayee nói với CNN.
Năm 2004, cô làm nên lịch sử khi trở thành 1 trong 2 phụ nữ người Afghanistan đầu tiên tranh tài tại Olympic Athens ở bộ môn judo.
Với Rezayee và các cô gái người Afghanistan, khoảnh khắc ấy mở ra cơ hội, hy vọng về một tương lai tươi sáng, nơi họ được học hỏi và phát triển bản thân.
Năm 2011, Rezayee chuyển đến Canada và thành lập tổ chức phi lợi nhuận vì quyền phụ nữ ở Afghanistan có tên "Women Leaders of Tomorrow".
Cô cũng đề ra sáng kiến GOAL (Girls of Afghanistan Lead) nhằm hỗ trợ VĐV judo nữ ở quê nhà thi đấu quốc tế.
Nhưng khi Taliban một lần nữa nắm quyền kiểm soát quê nhà, Rezayee lo ngại rằng các tiến bộ mà phụ nữ ở quốc gia này đạt được suốt 20 năm qua sẽ mất đi.
"Các VĐV nữ gửi tin nhắn cho tôi mỗi ngày. Họ tới võ đường, nắm tay và ôm lấy nhau vì nghĩ đó sẽ là lần cuối cùng được tự do. Các nhà lãnh đạo, nhà hoạt động xã hội là nữ giới cũng có suy nghĩ chạy trốn khỏi đất nước vì sợ Taliban", cô kể.
Làm nên lịch sử
Rezayee cho biết cô vẫn nhớ rõ sự áp bức "không thể tưởng tượng nổi" mà Taliban áp đặt ở Afghanistan vào năm 1996. Khi đó, gia đình cô chạy trốn tới Pakistan và trở về quê hương 4 năm sau đó.
Trong quãng thời gian tị nạn nơi đất khách, Rezayee bắt đầu đam mê bộ môn quyền anh. Cô thường theo dõi các trận đấu của nhà vô địch Mike Tyson trên TV và thần tượng Laila Ali, con gái của tay đấm huyền thoại Muhammad Ali.
"Laila thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Tôi muốn trở nên mạnh mẽ như cô ấy", cô nói.
Khi trở về Afghanistan, Rezayee theo học ở một trường nữ sinh và bắt đầu tập quyền anh với huấn luyện viên. Tuy nhiên, cô nhận nhiều lời dọa giết do vấp phải sự phản đối từ cộng đồng.
Huấn luyện viên đành dừng quá trình tập luyện và giới thiệu cô tới một người khác chuyên về judo. Dưới sự hỗ trợ của một tổ chức từ thiện, cô và 2 cô gái khác và trở thành những phụ nữ duy nhất trên cả nước tham gia thi đấu judo chuyên nghiệp.
"Đó là một cột mốc quan trọng với chúng tôi, nhưng khá nguy hiểm vì xã hội khi ấy chưa sẵn sàng để cổ vũ cho các VĐV nữ. Song, tôi không quan tâm đến sự kỳ thị, chỉ chuyên tâm tập luyện. Tôi tin vào bản thân, tin vào phái nữ và tin vào thể thao".
Năm 2004, Rezayee được chọn làm đại diện quốc gia tranh tài tại Thế vận hội Athens. Cô và VĐV chạy nước rút Robina Muqim Yaar là một trong 2 VĐV nữ duy nhất có cơ hội này.
Dù thua ở vòng thi đầu tiên, sự hiện diện của cô tại Olympic đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quốc gia.
"Tôi rất buồn vì không dành chiến thắng. Nhưng gia đình tôi đã an ủi rằng: 'Đừng lo lắng. Dù không giành huy chương, con đã làm nên lịch sử'", cô kể.
"Phụ nữ có quyền đi học, chơi thể thao"
Song, khi trở về nhà sau kỳ Olympic, Rezayee phải lẩn trốn trong vài tháng. Nhiều thành phần quá khích "muốn cô chết" vì không tuân theo quan niệm truyền thống.
Sau một thảm kịch gia đình vào năm 2005, Rezayee lại chạy trốn sang Pakistan, trước khi tìm cách tị nạn ở Canada vào 6 năm sau.
Dù không trở về quê hương nhiều năm nay, cô không hề hối tiếc về quyết định của mình và vẫn tiếp tục đại diện cho phụ nữ Afghanistan trên trường quốc tế.
"Tôi muốn thể hiện rằng phụ nữ cần được đối xử bình đẳng với nam giới. Họ có quyền được đi học, thi đấu thể thao và tham dự các cuộc thi khác", cô cho biết.
Khi theo dõi tin tức những ngày vừa qua, Rezayee cảm thấy lo ngại cho tương lai của người dân Afghanistan nói chung và phụ nữ nước này nói riêng.
Bất chấp hàng loạt hình ảnh hỗn loạn được truyền thông ghi lại, nữ VĐV bày tỏ hy vọng rằng nữ giới sẽ có thể vượt qua tất cả.
"Tôi muốn gửi thông điệp tới những cô gái đang ở Afghanistan lúc này. Đây thực sự là cơn ác mộng, nhưng nó sẽ không kéo dài lâu. Chúng ta phải mạnh mẽ đấu tranh cho quyền lợi của mình. Tôi tin vào hòa bình".