Cơn ác mộng mới của du khách Trung Quốc

Hàng trăm nghìn du khách Trung Quốc mắc kẹt bởi các lệnh phong tỏa chớp nhoáng mà giới chức áp đặt ngay khi phát hiện những ca Covid-19.

Khi mùa du lịch bắt đầu tại Trung Quốc hồi tháng 7, đại dịch Covid-19 tưởng như đã hạ nhiệt. Chính phủ các cấp Trung Quốc hy vọng ngành du lịch có thể hồi sinh, giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng sau thời kỳ phong tỏa gắt gao Thượng Hải và hàng loạt thành phố quan trọng.

Kết quả là khách du lịch đổ xô tới các danh lam thắng cảnh. Các con phố, nhà hàng, trung tâm mua sắm tấp nập trở lại sau thời gian vắng vẻ. Nhưng đó cũng là lúc cả Trung Quốc một lần nữa báo động bởi các biến thể siêu lây nhiễm của Omicron, theo South China Morning Post.

Phong tỏa chớp nhoáng

Không giống với hai năm trước, lần này, khi phát hiện các ca nhiễm bệnh, giới chức Trung Quốc tiến hành phong tỏa chớp nhoáng các ổ dịch.

Lệnh phong tỏa có hiệu lực chỉ vài giờ sau khi ban bố, khiến người dân không kịp ứng phó. Phong tỏa thường chỉ 5-7 ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phong tỏa kéo dài tới vài tuần, thậm chí vài tháng.

Hậu quả là nhiều du khách mất phương hướng, họ không biết làm cách nào để về nhà.

Cissy Zhu, 32 tuổi, hiện là giáo viên tiểu học ở Bắc Kinh, nói cô sợ có thể mất việc sau khi mắc kẹt ở Hải Nam vì một lệnh phong tỏa ban bố hôm 6/8.

 Thành phố Tam Á bị phong tỏa hồi đầu tháng 8. Ảnh: SCMP.

Thành phố Tam Á bị phong tỏa hồi đầu tháng 8. Ảnh: SCMP.

Trong năm học, giáo viên Trung Quốc bị cấm du lịch nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc Covid-19. Với Zhu, cô cho biết đã không rời Bắc Kinh suốt từ đầu 2020.

"Suốt nhiều tháng qua, con gái đã cầu xin tôi đi du lịch, tôi cũng không cưỡng lại được sự háo hức của chuyến đi nghỉ mát", Zhu nói.

Gia đình Zhu tới thành phố Tam Á hôm 31/7. Chỉ một ngày sau, Tam Á phát hiện một ổ dịch Covid-19.

"Ngày hôm sau, tôi choáng váng khi chính phủ ra lệnh cấm du khách rời khách sạn. Đúng là tiếng sét giữa trời quang", Zhu nói.

Tới nay, Tam Á đã ghi nhận 11.000 ca mắc Covid-19, hơn một nửa không có triệu chứng. Khoảng 150.000 du khách đang mắc kẹt tại Tam Á, họ phải tự tìm nơi ở, tự trả tiền sinh hoạt phí, Tân Hoa Xã cho biết.

Sau một tuần đến Tam Á, gia đình Zhu đã phải chuyển tới một khách sạn rẻ tiền hơn để tiết kiệm chi phí. 5 người trong gia đình Zhu phải ở chung trong một căn phòng chỉ rộng 20 m2.

Lúc này, nhà chức trách đã bắt đầu cho phép du khách rời Hải Nam. Sau khi xét nghiệm Covid-19 tới lần thứ 15, hôm 15/8, gia đình Zhu lên máy bay về nhà. Nhưng nữ giáo viên vẫn canh cánh nỗi lo mất việc.

"Dịch bệnh ở Hải Nam vẫn tiếp tục. Nếu Bắc Kinh siết chặt kiểm soát người về từ Hải Nam, tôi có thể bị đưa vào trại cách ly trong những ngày tới", Zhu nói.

Kế hoạch nghỉ hè phá sản

Một số du khách tìm cách bỏ trốn trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, tuy vậy việc bỏ trốn không đơn giản và cũng là trái luật.

Al Liu, 46 tuổi, kỹ sư từ Quảng Châu, cho biết đã phải chạy đua với thời gian để rời khỏi Tân Cương trước khi khu vực này bị phong tỏa. Người đàn ông cùng gia đình và nhóm bạn đã lái xe liên tục 14 giờ từ vùng biên giới tới thành phố Urumqi để kịp lên máy bay trước khi quá muộn.

"Tôi vẫn cảm thấy căng thẳng và lo âu ngay cả khi đã về tới Quảng Châu. Dù bỏ lỡ một phần ba kỳ nghỉ, được về nhà vẫn hơn là mắc kẹt ở đó và không biết khi nào phong tỏa kết thúc", Liu nói.

Đợt bùng phát tại Tân Cương bắt đầu từ 2 ca không triệu chứng ở huyện Ili hôm 30/7. Số ca mắc Covid-19 được xác nhận hiện đã lên tới 3.000. Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 7, Tân Cương đón tiếp 20 triệu lượt du khách.

Dù 99% ca mắc không triệu chứng, Trung Quốc vẫn quyết định phong tỏa huyện Ili, một số thành phố như Korla và Urumqi.

Tại Ili, du khách chỉ có thể rời đi nếu được coi thuộc nhóm rủi ro thấp và có xét nghiệm PCR âm tính. Nhưng vấn đề ở chỗ toàn bộ 69 khu vực của huyện này bị coi là có nguy cơ cao, vì thế không ai có thể rời đi.

 Người dân và du khách ở Hải Nam xếp hàng chờ xét nghiệm. Ảnh: AFP.

Người dân và du khách ở Hải Nam xếp hàng chờ xét nghiệm. Ảnh: AFP.

Wang Yijie, 36 tuổi, chuyên gia phần mềm ở Bắc Kinh, cho biết cô từ bỏ ý định về thăm cha mẹ ở thành phố Tô Châu bởi các lệnh phong tỏa chớp nhoáng có thể được ban bố bất cứ lúc nào.

Một lý do khác là đợt sóng nhiệt hiện hoành hành ở thung lũng sông Trường Giang. Nhiệt độ tại khu vực này đã vượt 40 độ C những ngày qua.

"Cha mẹ tôi khuyên nên ở lại, tránh đợt nắng nóng kinh khủng này. Tôi quyết định nghe lời họ", Wang cho biết.

Người phụ nữ nói thay vì đi dã ngoại ở ngoại ô, gia đình cô thuê một phòng khách sạn ở trung tâm Bắc Kinh để "thay đổi không khí". Lúc này, giá khách sạn đã gấp đôi, thậm chí gấp ba do nhu cầu du lịch tại chỗ tăng mạnh.

"Tuần trước, tôi đưa con trai tới Khu nghỉ dưỡng quốc tế Bắc Kinh, kết quả là phải xếp hàng dài tưởng như vô tận", Wang nói.

Người phụ nữ cho biết sau gần 3 năm phải ở Bắc Kinh suốt các kỳ nghỉ, cô quyết tâm sẽ đi chơi xa vào lần tới nếu có thể.

"Tôi sẽ đưa con trai đi leo núi, đi chơi thuyền, bất kể các biện pháp phòng dịch như thế nào", Wang nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-ac-mong-moi-cua-du-khach-trung-quoc-post1347763.html