Con bài mặc cả
Bắt người vô cớ, giam giữ vô thời hạn và tra tấn tàn bạo chính là cách thức mà lực lượng Taliban đã và đang tiến hành nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Afghanistan.
Trong một bài viết mới đây, tờ The New York Times cho biết, nhà tù của lực lượng Taliban có thể là một căn nhà đã bị tàn phá, một cái hang, một tầng hầm bụi bẩn trong ngôi nhà hoang, hoặc thậm chí là một nhà thờ Hồi giáo. Bị đánh đập, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn thế, là một điều chắc chắn và thời gian bị giam giữ là không xác định. Thức ăn dành cho những người bị giam giữ, nếu có, cũng chỉ là những mẩu bánh mì đã hỏng trong khi giường nằm chính là sàn nhà hoặc tấm thảm bẩn. Nguy cơ bị giết hại luôn thường trực.
Ông Malik Mohammadi, một nông dân 60 tuổi đã tận mắt chứng kiến Taliban đẩy người con trai 32 tuổi của ông tên là Nasrullah, một sĩ quan quân đội Afghanistan, vào chỗ chết trong một nhà tù như thế. Năm ngoái, Nasrullah, có tiền sử bị động kinh, bị Taliban bắt giữ và không cho uống thuốc, không cho ăn uống trong 9 ngày liền. Đến ngày thứ 10, Nasrullah qua đời. “Taliban đã đánh đập Nasrullah. Tôi đã nhìn thấy họ giết con trai mình”, ông Malik Mohammadi đau đớn kể lại.
Theo The New York Times, kiểu đàn áp nói trên chính là một phần trong chiến lược cai trị của Taliban ở những vùng lãnh thổ mà lực lượng này nắm quyền kiểm soát tại Afghanistan. Trong bối cảnh Chính phủ Afghanistan và Taliban tiến hành các cuộc hòa đàm tại Qatar, thậm chí là triển vọng về hòa bình thật sự tại quốc gia Tây Nam Á ngày càng trở nên mờ mịt, có một thực tế là Taliban đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực tại Afghanistan. “Khi thời hạn chót để Mỹ rút quân đang đến gần cùng với việc các lực lượng Afghanistan chưa đủ khả năng đảm đương tình hình an ninh đất nước, điều đó cũng đồng nghĩa lực lượng Taliban nhiều khả năng tiếp tục duy trì quyền lực này và các biện pháp đàn áp tàn bạo của mình”, The New York Times nhận định.
Một trong những công cụ đáng sợ nhất để Taliban làm như vậy là mạng lưới các nhà tù. Lực lượng này tự ý chặn người dân trên đường, chủ yếu để tìm kiếm các binh lính và nhân viên Chính phủ Afghanistan. Những người thiếu may mắn bị Taliban đưa tới giam giữ tại các nhà tù tạm bợ. Ngày này qua ngày khác, họ liên tục bị chuyển từ một căn nhà đổ nát sang một nhà thờ Hồi giáo nào đó và ngược lại trong khi không hay biết mình sẽ bị giam giữ trong bao lâu.
Năm ngoái, Sayed Hiatullah, 42 tuổi, chủ một cửa hàng tại Faizabad, thủ phủ của tỉnh Badakhshan ở miền Bắc Afghanistan, bị bắt giam khi đi qua một chốt kiểm soát của Taliban vì bị lầm tưởng làm việc cho lực lượng an ninh Afghanistan. Với ông, 25 ngày bị giam giữ “là khoảng thời gian đen tối và cay đắng nhất trong cuộc đời”. “Khoảng thời gian ấy cứ liên tục xuất hiện trở lại trong giấc ngủ của tôi. Mỗi lúc như vậy, tôi lại giật mình tỉnh dậy và gào thét. Tôi đã bị sốc trong 6 tháng liền”, Sayed Hiatullah cho biết.
Faizabad là nơi cư trú của nhiều người từng bị Taliban bắt giữ. Lực lượng này kiểm soát nhiều tuyến đường từ Faizabad đến thủ đô Kabul. Đi qua các tuyến đường ấy cũng đồng nghĩa người dân Afghanistan phải gặp các chốt kiểm soát của Taliban và đối mặt với nguy cơ bị bắt. Cách làm của Taliban là bắt giữ và tra tấn trước rồi mới thẩm vấn sau. Mặc dù không có số liệu thống kê chính thức nhưng The New York Times cho rằng đã có tới hàng nghìn người Afghanistan bị bắt giữ theo cách này. Gần đây, các lực lượng Afghanistan đã giải thoát cho hơn 40 người bị giam giữ tại một nhà tù của Taliban tại tỉnh Baghlan và hơn 20 người khác tại tỉnh Kunduz, cùng ở miền Bắc Afghanistan. “Đây không phải là chuyện lạ lẫm trong các chương trình tin tức địa phương”, The New York Times nhấn mạnh.
Hệ lụy của những vụ bắt giữ vô cớ này chính là gieo rắc nỗi sợ hãi. Năm ngoái, khi đang trên đường về nhà ở tỉnh Kunduz, Naqibullah Momand, 26 tuổi, một người dẫn chương trình truyền hình, đã bị Taliban chặn xe lại. Các tay súng để tay lên ngực Naqibullah Momand để kiểm tra nhịp tim. Taliban cho rằng tim đập nhanh có nghĩa là người đó có tội. Naqibullah Momand cố trấn tĩnh nhưng rốt cuộc vẫn bị bắt giam 29 ngày trong một căn nhà có 2 phòng cùng 20 người khác trước khi Taliban xác nhận anh không phải là binh lính Afghanistan. “Tôi càng cầu xin, khóc lóc lại càng bị đánh đập thậm tệ hơn”, Naqibullah Momand nhớ lại.
Rahmatullah Danishjo, một sinh viên đại học, cũng bị Taliban bắt giữ khi đang trên đường từ tỉnh Wardak ở miền Trung Afghanistan đến thủ đô Kabul vào tháng 9-2019 và bị giam tại một nhà thờ Hồi giáo cùng với nhiều người khác. Theo The New York Times, Taliban xem nhà thờ Hồi giáo là một địa điểm giam giữ lý tưởng. “Đây là vị trí trung tâm ở các ngôi làng. Như vậy, nhắc tới nhà thờ Hồi giáo đồng nghĩa là nói tới Taliban. Đó là cách thực hiện hành vi của lực lượng này”, bà Ashley Jackson, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nhóm vũ trang (Anh) nhận định.
The New York Times cho biết, đối với những người bị giam giữ, Taliban thường xuyên dọa giết, “có khi là xử tử thật nhưng chủ yếu được sử dụng như một con bài mặc cả đáng sợ” để giành được những gì mà lực lượng này muốn: Tiền bạc, trao đổi tù nhân hoặc cam kết không làm việc cho Chính phủ Afghanistan. Việc cố ý đẩy những người bị giam giữ vào chỗ chết “một cách từ từ” cũng thường xuyên xảy ra. “Mỗi ngày, hàng chục người Afghanistan chết vì Taliban. Taliban là kẻ thù của nhân loại”, The New York Times dẫn lời Rohullah Hamid, một luật sư 35 tuổi tại Kabul.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/con-bai-mac-ca-654139