Con bạn có bộ não 'siêu nhạy cảm' không?

Nghe đến 'nhạy cảm', nhiều người thường liên tưởng đến dễ tổn thương, nhưng đối với trẻ em, bộ não nhạy cảm lại mang đến những lợi thế đặc biệt.

 Trong môi trường phù hợp, trẻ em có bộ não nhạy cảm cao sở hữu lợi thế hiếm có. Ảnh: Pexels.

Trong môi trường phù hợp, trẻ em có bộ não nhạy cảm cao sở hữu lợi thế hiếm có. Ảnh: Pexels.

Dù không cố ý, đôi khi, cha mẹ vẫn khiến trẻ cảm thấy như thể có điều gì đó không ổn đang xảy ra với chúng. Điều này thường xảy ra với những trẻ em có sự nhạy cảm cao.

Nhiều bậc cha mẹ coi sự nhạy cảm là một đặc điểm xấu, khiến con họ dễ xúc động, thụ động hoặc thậm chí yếu đuối. Họ muốn loại bỏ điều đó bằng những mệnh lệnh như “Đừng khóc nữa” hoặc "Lấy lại tinh thần đi".

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học và thần kinh học đã phát hiện ra rằng trong môi trường phù hợp, trẻ em có bộ não nhạy cảm cao sở hữu những lợi thế hiếm có.

Thế mạnh của những đứa trẻ nhạy cảm

Không chỉ sáng tạo, nhạy bén và cởi mở hơn so với trẻ ít nhạy cảm, trẻ em có độ nhạy cảm cao còn sở hữu một đặc điểm đáng trân trọng - sự đồng cảm.

Một nghiên cứu đã chỉ ra khi quan sát những bức ảnh người khác đang cười hoặc buồn, não bộ của trẻ nhạy cảm có phản ứng đồng cảm cao nhất.

Thú vị hơn, những vùng não liên quan đến kế hoạch hành động cũng hoạt động mạnh mẽ hơn. Điều này cho thấy, giống như lời chia sẻ của nhiều trẻ nhạy cảm, chúng không thể đứng nhìn người khác đau khổ mà không cảm thấy muốn giúp đỡ.

Hơn nữa, vì dễ bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm xung quanh hơn các bạn, trẻ nhạy cảm cũng hưởng lợi nhiều hơn từ sự hỗ trợ, hướng dẫn và động viên. Hiệu ứng thúc đẩy này giúp chúng trở thành những người đạt thành tích cao.

Dấu hiệu trẻ nhạy cảm cao

Theo nhà tâm lý học Elaine Aron, người đã phổ biến thuật ngữ “người có độ nhạy cảm cao”, cứ 5 trẻ em thì lại có một trẻ rất nhạy cảm. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến nhất:

Nhạy bén với chi tiết nhỏ: Trẻ thường chú ý đến những thay đổi nhỏ như trang phục mới của giáo viên hay vị trí đồ đạc trong nhà;
Dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác: Trẻ dễ dàng đón nhận cảm xúc từ người khác, cảm nhận tâm trạng của họ như thể đó là cảm xúc của chính mình;
Khó vượt qua những cảm xúc mạnh mẽ: Trẻ thường bị những cảm xúc như tức giận hoặc lo lắng chi phối trong thời gian dài;
Nhạy cảm với kích thích nhỏ: Ví dụ, trẻ cảm thấy phiền toái khi ga giường thô ráp, nhãn mác quần áo ngứa ngáy hay thắt lưng quá chặt;
Trẻ dễ bị căng thẳng và mệt mỏi trong môi trường ồn ào và đông đúc;
Không thích bị thúc ép: Trẻ thích làm mọi việc cẩn thận và theo nhịp độ riêng;
Trẻ tiến bộ hơn với sự hướng dẫn nhẹ nhàng thay vì la mắng và kỷ luật nghiêm khắc;
Trẻ có những bình luận sâu sắc và tỏ ra già dặn hơn so với tuổi;
Trẻ có khiếu hài hước thông minh;
Giỏi đọc vị người khác: Trẻ có thể suy đoán chính xác những gì người khác đang nghĩ hoặc cảm nhận;
Trẻ kén ăn, có thể từ chối một số món ăn vì mùi hoặc cảm giác khi nhai;
Trẻ dễ giật mình với những tiếng động đột ngột.

Nếu nhận thấy con mình có nhiều dấu hiệu trên, bạn hãy nhớ rằng đây là một điều tích cực. Trẻ em có độ nhạy cảm cao có cách tiếp cận môi trường xung quanh hoàn toàn khác biệt, và đó chính là một điểm mạnh.

 Trẻ em có độ nhạy cảm cao có cách tiếp cận môi trường xung quanh hoàn toàn khác biệt. Ảnh: Pexels.

Trẻ em có độ nhạy cảm cao có cách tiếp cận môi trường xung quanh hoàn toàn khác biệt. Ảnh: Pexels.

Giúp trẻ nhạy cảm phát triển toàn diện

1. Thiết lập kỳ vọng trước

Trẻ nhạy cảm cần thời gian để suy nghĩ thấu đáo, và việc đặt ra kỳ vọng trước giúp chúng có sự lựa chọn rõ ràng. Biết trước điều gì sẽ xảy ra nếu đáp ứng kỳ vọng và hậu quả nếu không tuân theo sẽ giúp trẻ cảm thấy an tâm và chủ động.

Ví dụ, cha mẹ có thể nói "Hôm nay chúng ta đến thăm bà nội ở bệnh viện. Con nhớ nói nhỏ và hành động nhẹ nhàng vì một số người ở đó không khỏe nhé".

2. Áp dụng kỷ luật nhẹ nhàng

Do cảm nhận mọi thứ nhạy bén, trẻ nhạy cảm dễ bị tổn thương và có thể hiểu lầm hình phạt là sự tấn công cá nhân.

Thay vì phạt đứng góc, hãy tạo một "góc bình tĩnh" với những vật dụng quen thuộc (thú nhồi bông, chăn...) để trẻ có thể tự trấn tĩnh khi cảm xúc dâng cao. Sau đó, cha mẹ hãy dành cho trẻ những lời khẳng định tích cực và trấn an rằng bạn yêu thương con nhiều như thế nào.

3. Huấn luyện cảm xúc của con

Là cha mẹ, bạn hãy dạy cho trẻ kỹ năng quản lý cảm xúc mỗi ngày bằng cách làm gương cho con.

Dù căng thẳng công việc đến hay khi con cáu kỉnh, bạn hãy kiềm chế cảm xúc của mình. Càng chủ động trong việc này, bạn càng làm gương tốt cho con.

4. Ủng hộ con

Phụ huynh nên trao đổi với giáo viên về sự nhạy cảm của con ngay từ đầu năm học, trước khi bất kỳ mâu thuẫn hoặc hiểu lầm nào có thể xảy ra.

Khi con bạn sử dụng sự nhạy cảm (phát huy trí tưởng tượng, thể hiện sự đồng cảm), cha mẹ hãy nói với chúng rằng bạn tự hào về chúng.

5. Tìm hiểu về thế giới của trẻ

Để hiểu con hơn, cha mẹ có thể dành thời gian riêng để nói chuyện và chơi với trẻ. Thay vì hỏi "Con có một ngày tồi tệ phải không?", bạn có thể đặt những câu hỏi mở như "Hôm nay, con có gặp điều gì khó khăn không?". Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội trò chuyện hơn.

Hãy cố gắng để hiểu những gì con bạn đang trải qua, câu trả lời của con có thể khiến bạn bất ngờ.

Ngọc Bích

(Theo CNBC)

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-ban-co-bo-nao-sieu-nhay-cam-khong-post1453940.html